Mùa Biển Bội Thu
Những chuyến tàu trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa trong những ngày đầu năm trúng đậm cá ngừ, cá thu và nhiều loài hải sản có giá trị khác
Sáng 1-2, thêm 2 tàu cá PY-90235-TS của ông Phan Tấn Tự và PY-90216-TS của ông Bùi Văn Mẹo (cùng ngụ phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cập cảng cá phường 6. Sau 1 tháng ra khơi, mỗi tàu đều câu được trên 50 con cá ngừ đại dương.
Tàu về đều có lãi
Ông Tự cho biết tàu PY-90235-TS xuất bến vào rằm tháng 11 âm lịch, dự kiến ăn Tết ngoài biển nhưng vì trúng cá nên ông cho tàu vào sớm để bạn thuyền đón năm mới cùng gia đình. Chưa bán cá nhưng ông Tự nhẩm tính với giá 145.000 đồng/kg, mỗi con câu được đều trên 50 kg, trừ chi phí, mỗi bạn thuyền được chia khoảng 10 triệu đồng. Riêng ông là chủ tàu sẽ có lãi khoảng 60 triệu đồng.
“Đầu vụ như thế là mừng rồi, mấy năm đâu được vậy. Bạn thuyền có tiền rủng rỉnh ăn Tết, mình cũng vui lây” - ông Tự bộc bạch. Theo chủ tàu và là thuyền trưởng này, nhờ giá dầu hạ, chỉ còn khoảng 1/2 so với thời điểm đầu năm 2014, chi phí chuyến biển thấp nên với sản lượng thu được, ngư dân có lãi lớn.
Trên đường trở về, dự kiến ngày 2-2 sẽ cập bến, chủ tàu cá PY-90829-TS Nguyễn Văn Hồng (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cho biết tàu ông câu được hơn 60 con cá ngừ đại dương. Ngoài việc được mùa, chi phí thấp, trong chuyến biển này, ông Hồng còn áp dụng công nghệ xung điện khi bắt cá (gây mê cho chúng khi còn dưới biển) nên chất lượng cá tăng cao, bán được giá hơn.
“Với số cá câu được, trừ toàn bộ chi phí, tôi cầm chắc 80 triệu đồng, mỗi thuyền viên được ít nhất 12 triệu đồng để ăn Tết” - ông Hồng cười sảng khoái qua điện thoại.
Trước đó, sáng 28-1, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, gần 100 tàu cá của ngư dân đã cập bến sau những ngày dài đánh bắt ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đứng trên khoang tàu, ngư dân Võ Bá Nha, ông chủ kiêm thuyền trưởng tàu QNg 90045 TS, không giấu được niềm vui: “Chuyến này anh em lãi khá. Đã lâu lắm rồi, bà con ngư dân mới có mùa biển không bão tố, sóng gió thuận lợi nên đánh bắt rất đạt”.
Theo ông Nha, trong chuyến biển này, tàu ông đánh bắt được khoảng 5 tấn cá. Trong đó, nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá mú đen, mú hồng... “Với giá bán hiện nay, chuyến biển này anh em đi tàu lãi hơn 200 triệu đồng. Làm biển hơn 20 năm qua, đây là chuyến biển tàu tôi thu nhiều nhất” - ông Nha phấn khởi.
Trong những ngày này, tại các cảng cá lớn khác ở Quảng Ngãi như Lý Sơn, Nghĩa An, Sa Huỳnh... không khí cũng tấp nập không kém. Hàng chục con tàu cập cảng đầy ắp cá ngừ đại dương, cá thu. Ngư dân ai nấy cũng vui mừng vì một mùa biển thắng lợi.
Tiếp tục vươn ra ngư trường xa
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry - Trạm phó Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng, tỉnh Phú Yên - cho biết đã có hơn 160 tàu câu cá ngừ đại dương của tỉnh ra khơi trong đầu vụ.
Hiện nay, mới khoảng 10 tàu về bến, tất cả đều có lãi. Trong đó, tàu cá PY-96077-TS của ông Phan Thành Đắc (phường 6, TP Tuy Hòa) đạt sản lượng khá cao, trên 3,2 tấn cá, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Mỗi thuyền viên đi trên tàu cá này được chia gần 17 triệu đồng. “Qua liên lạc, nhiều tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi cho biết vì trúng cá nên các bạn thuyền rủ nhau ở lại đón Tết trên biển để kiếm thu nhập cao hơn” - thượng úy Ry cho hay.
Nhờ bội thu mùa biển, nhiều ngư dân khi được hỏi đều quả quyết: “Ăn Tết xong, chúng tôi sẽ tiếp tục vươn ra các ngư trường lớn để đánh bắt”. Ông Huỳnh Văn Minh (chủ 3 tàu cá ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) cho biết mùa biển mới năm 2015, đội tàu của ông sẽ tiếp tục vươn ra các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa để câu cá ngừ. “Mong rằng sẽ bội thu hơn mùa biển vừa rồi, đem lại niềm vui cho bà con ngư dân” - ông Minh hy vọng.
Khắp các làng chài ở Quảng Ngãi, không chỉ ngư dân tất bật chuẩn bị ra khơi mà hàng loạt con tàu mới, to lớn được ngư dân mạnh dạn đầu tư, cải tiến nâng công suất cũng sẵn sàng vươn ra biển lớn. Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngư dân có cơ hội tiếp cận vốn vay, đóng mới, nâng cấp tàu cá đồng loạt.
“Năm rồi, thấy bà con đánh bắt được mùa nên tôi quyết định vay vốn, gấp rút đóng mới tàu cho kịp mùa biển này” - ngư dân Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Bình Châu,bày tỏ.
Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, năm qua, ngành thủy sản ở tỉnh gặp không ít khó khăn nhưng sản lượng khai thác vẫn đạt khá. Trong đó, nổi bật là sản lượng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa - luôn nhất nhì cả nước. Lĩnh vực đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền cũng đem lại hiệu quả cao...
“Trong mùa biển mới này, hy vọng với việc triển khai thực hiện Nghị định 67, ngư dân có thêm điểm tựa, tiếp tục vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc” - ông Hoàng mong mỏi.
Lặn bắt hải sâm kiếm tiền triệu
Không chỉ nghề đánh lưới rút, câu cá ngừ mà nghề lặn bắt hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa... trong mùa biển vừa qua cũng đem lại khoản thu nhập khá cho ngư dân.
Ông Trần Văn Cước (chủ tàu QNg 97048 TS; ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết sau gần 1 tháng lặn, ông vừa bán toàn bộ hải sâm được hơn 380 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng, số còn lại chia đều mỗi người được hơn 50 triệu đồng. “Hầu hết tàu của bà con lặn bắt hải sâm ở đây đều như vậy. Đây là mùa biển được nhất trong mấy năm qua. Ăn Tết xong, chúng tôi tiếp tục ra khơi” - ông Cước nói.
Có thể bạn quan tâm
Có được thành quả như ngày hôm nay, anh Phong đã phải trải qua một quá trình vừa lao động, tìm tòi, vừa mạnh dạn áp dụng những phương pháp, kỹ thuật mới...
Từ xưa đến nay, có lẽ người ta thường chỉ biết đến gà chín cựa ở lễ vật hỏi cưới công chúa Mỵ Nương trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mà ít ai biết được rằng, nó còn có thực trong đời sống.
Nhờ kiên trì vượt khó, không nóng vội theo hướng “chặt trồng, trồng chặt”, nhiều nông dân ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã làm giàu trên diện tích chỉ vài sào đất.
Sau khi Báo Đồng Nai có tin, bài phản ánh về tình trạng bắp không hạt ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) do nông dân sử dụng giống bắp 30T60 của Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam, phía công ty đã làm việc với địa phương và người dân để thương lượng mức bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại.
Đến thời điềm này, các vườn thanh trà ở Thủy Bằng (Thừa Thiên Huế) đều bị mất mùa mà chưa tìm được lý do. Thiệt hại đối với mỗi hộ dân ước tính khoảng từ 20 - 50 triệu.