Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mủ Cao Su Rớt Giá Thi Nhau Phá Bỏ Vườn Cây

Mủ Cao Su Rớt Giá Thi Nhau Phá Bỏ Vườn Cây
Ngày đăng: 10/06/2014

Những năm trước, khi mủ cao su có giá thì nhiều người đổ xô đi trồng cao su, bất kể diện tích vượt quá quy hoạch chung của tỉnh. Hiện nay, khi “vàng trắng” hết thời, rớt giá thì lại xảy ra cảnh không ít chủ vườn cao su rong cành, tỉa nhánh, thậm chí là chặt bỏ toàn bộ vườn cây một thời “làm nên cơ nghiệp” của mình. Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh Tây Ninh.

Đi dọc theo con đường dẫn vào ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông của huyện Tân Châu, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những lóng cây cao su to bằng bắp tay, bắp chân người lớn, dài khoảng 1 mét chất thành hàng dài, chờ bán củi. Đi thêm một đoạn khoảng 2km, chúng tôi lại thấy một vườn cao su chừng 5 năm tuổi, diện tích khoảng 1 ha đang bị cưa bỏ.

Cạnh đường, nhiều đống củi cao su xếp thành hàng chờ chuyển đi. Trên mặt đất, cành cao su nằm la liệt. Ở cuối vườn, một người đàn ông đang dùng máy cưa lần lượt hạ hết hàng cây này đến hàng cây khác. Những cây cao su vừa bị cưa ngã, dòng nhựa trắng ứa ra như tức tưởi…

Dừng lại hỏi thăm, chúng tôi được biết đây là vườn cao su của vợ chồng anh Trần Văn Dẫu và chị Hồ Thị Mỹ Dung. Hai anh chị có hơn 1 ha đất nông nghiệp, trước chỉ trồng mì. Năm 2009, thấy xung quanh ai cũng trồng cao su, anh chị liền đi vay tiền ngân hàng đầu tư trồng cao su.

Đến nay, vườn cao su đã được 5 năm tuổi, chuẩn bị khai thác mủ thì vừa lúc cao su rớt giá thê thảm. Gần một năm nay, giá thu mua mủ cao su cứ liên tục giảm xuống, từ hơn 90.000 đồng/kg mủ khô, nay chỉ còn 29.000 đồng. Thất chí, vợ chồng chị Dung đành đốn bỏ vườn cao su của mình.

Chị Dung phân trần: “Hiện nay các vườn cao su đang thu hoạch còn không có lời, nói chi vườn chỉ mới chuẩn bị mở miệng như của gia đình tôi. Năm đầu cạo mủ phải tốn kém sắm sửa nhiều thứ trong khi vợ chồng tôi hết khả năng trả nợ ngân hàng.

Đến nay, tiền vay ngân hàng lẫn tiền vay nóng bên ngoài đã hơn cả trăm triệu đồng nên chúng tôi đuối lắm rồi. Cây cao su giờ cũng đã khép tàn không còn trồng mì được nữa, vậy là vợ chồng tôi đành phải cho người ta đốn lấy củi, dọn đất trống để trồng mì. Chỉ còn cách này mới hy vọng năm tới có tiền trả nợ”.

Qua câu chuyện trao đổi, ông Nguyễn Văn Thượng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu cho biết: “Từ cuối năm 2013 đã xảy ra lẻ tẻ các trường hợp chủ vườn chặt bỏ cao su non, cao điểm nhất là vào tháng 3 năm nay, số diện tích cao su bị chặt bỏ tăng ồ ạt.

Tính đến ngày 13.5 vừa qua, toàn huyện Tân Châu đã có đến 155,7 ha cao su từ 2 - 3 năm tuổi bị phá bỏ. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở xã Tân Hưng, với 38 ha. Kế đến là xã Tân Hà- 29,5 ha, ít nhất là xã Tân Hiệp chỉ 1 ha. Đến thời điểm này chỉ duy nhất xã Tân Thành là chưa xảy ra hiện tượng phá bỏ vườn cao su non.

Chúng tôi đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn khuyến cáo người dân không nên chặt bỏ cao su non. Vì như vậy sẽ gây lãng phí, mất mát tiền bạc, công sức của người trồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của các xã thì tình trạng ấy vẫn còn rải rác”.

Không chỉ riêng huyện Tân Châu mà ở huyện Tân Biên, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra. Mặc dù hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tân Biên chưa thống kê diện tích vườn cao su non bị người dân tự chặt bỏ nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng ở 2 xã Thạnh Tây và Tân Lập đã có 3 hộ chặt bỏ cao su với diện tích hơn 15 ha.

Trong đó có hộ ông Phan Văn Luận, 50 tuổi, ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Biên. Ông Luận trồng 800 cây cao su trên diện tích hơn 1 ha ở ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây. Cao su của ông đã được 6 năm tuổi, sẵn sàng cho thu hoạch mủ.

Trước tình hình giá thu mua mủ cao su liên tục sụt giảm, sợ bị lỗ ông Luận không dám đầu tư khai thác. Và gần một tháng trước, ông quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn cao su của mình để chuẩn bị trồng cây quýt đường. Gặp chúng tôi, ông kể về dự tính của mình: hiện tại đất cao su đã dọn dẹp, cày ải xong, ông sẽ đi Bến Tre lấy cây quýt giống về trồng.

Ông tính toán: “Tôi đầu tư khoảng 800 triệu đồng vào vườn cao su của mình, nếu lời 50 triệu đồng/năm thì đến 16 năm sau mới lấy vốn. Trong khi đó, trồng quýt đường, với giá như hiện nay thì chỉ cần 5 năm là lấy lại được 800 triệu đồng”.

Ngoài ông Luận, ở thị trấn Tân Biên còn có một nông dân khác tên Tại cũng đã phá bỏ hơn 1 ha cao su non ở ấp Hoà Đông B, thuộc xã Hoà Hiệp và 3 ha ở xã Thạnh Tây. Ở xã Tân Lập có ông Hoa, ngụ ấp Tân Đông 1 triệt phá hơn 10 ha cao su đã trồng được 3 năm.

Tuy không chặt bỏ vườn cây của mình nhưng một số người trồng cao su khác đang trong tâm trạng hết sức hoang mang, trong đó có ông Đàm Tuy, 74 tuổi, ngụ xã Tân Lập. Ông trồng hơn 4 ha cao su nay được 6 năm tuổi và đã thu hoạch mủ được 1 năm. Ông nhẩm tính, giá mủ cao su khô hiện nay là 29.000 đồng/kg.

Tiền thuê công nhân thu hoạch mủ 120.000 đồng/ngày/người. Vườn cao su của ông trung bình mỗi ngày, một công nhân thu hoạch được 4kg mủ khô.

Tính ra, bán toàn bộ số mủ khô, đem trả tiền thuê cạo mủ cho 10 công nhân, ông sẽ bị lỗ hơn 20.000 đồng/ngày. Đó là chưa tính những khoản khác như: tiền phân bón, vật tư thu hoạch mủ (chén, kiềng, muỗng, nhựa che miệng cạo) và công chăm sóc, giữ gìn.

Ông ngán ngẩm nói: “Chán quá, tôi định chặt toàn bộ vườn cao su, nhưng bây giờ hai vợ chồng đã già, phá bỏ vườn cây thì cũng để đất trống chứ chẳng trồng lại nổi cây gì nữa. Tạm thời tôi vẫn để đấy nhưng không bón phân nữa. Nếu sau này mủ cao su vẫn không lên giá thì sẽ bán cây lấy gỗ”.

Tại huyện Dương Minh Châu, việc chặt bỏ vườn cao su đang diễn ra rải rác. Ông Nguyễn Văn Ân, ngụ ấp Phước Long 2, xã Phan là một trong những người kiên quyết triệt phá vườn cao su.

Gia đình ông Ân có 1,6 ha cao su đã được 9 năm tuổi, đang thời kỳ khai thác mủ. Giá mủ xuống quá thấp, ông phá cao su để chuyển sang trồng mãng cầu. Cũng nhờ cao su đã nhiều năm tuổi nên ông Ân còn bán được gỗ, tính ra khi phá bỏ vườn cao su, ông không phải chịu cảnh lỗ vốn.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như ông Ân. Ông Khưu Văn Long, ngụ cùng địa phương với ông Ân chẳng hạn, ba năm trước, thấy cây cao su cho lợi nhuận quá hấp dẫn, nên ông Long đã đầu tư vốn để trồng 0,9 ha cao su. Tổng chi phí cho tiền công cày đất, tiền công trồng, tiền mua cây giống, phân bón, công chăm sóc… hết 80 triệu đồng.

Đầu năm 2014, trước tình hình mủ cao su rớt giá, ông Long đành chấp nhận lỗ, triệt hạ toàn bộ vườn cao su để chuyển sang trồng mì. Mì của ông giờ sắp sửa cho thu hoạch nhưng với giá thu mua củ mì thấp như hiện nay, chưa biết ông có thoát cảnh “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”?

Trước đây, cụ thể là vào năm 2000, do giá mủ cao su xuống thấp, ở Tây Ninh cũng từng xảy ra tình trạng người trồng cao su đành triệt hạ vườn cao su của mình để lấy đất trồng mì, trồng mía hoặc tiêu, điều. Sau đó, đến lượt những cây nông nghiệp này bị tuột giá, người dân lại… quay lại trồng cao su.

Cứ như thế, bà con nông dân gần như sa vào cái vòng luẩn quẩn- trồng rồi chặt, chặt rồi trồng… dẫn đến thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Nếu như biết bình tĩnh xem xét, tự cân nhắc sức mình để chọn lấy phương cách làm ăn phù hợp, không chạy theo phong trào kiểu “thấy người ăn khoai vác mai đi đào” hẳn nhiều người đã tránh được những thiệt hại đáng kể.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi xung quanh vấn đề trên, ông Vương Quốc Thới- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020 cả tỉnh Tây Ninh chỉ trồng 65.000 ha cao su. Nhưng do tình hình cây cao su phát triển quá nhanh nên UBND tỉnh đã đề nghị cho điều chỉnh tăng diện tích lên 80.000 ha.

Trên thực tế, Tây Ninh đã trồng gần 100.000 ha cao su, vượt hơn 20.000 ha so với quy hoạch chung của tỉnh. Trước khi đưa ra kế hoạch cụ thể, chắc chắn Nhà nước đã tính toán mức độ tiêu thụ sản phẩm. Nếu bà con nông dân trồng vượt quá định mức, sẽ dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu và khủng hoảng thừa xảy ra là điều tất yếu.


Có thể bạn quan tâm

Lão nông canh con nước “độc” nuôi cá cảnh, thu cả trăm triệu/tháng Lão nông canh con nước “độc” nuôi cá cảnh, thu cả trăm triệu/tháng

Để gầy dựng được đàn cá cảnh, lão nông Nguyễn Tấn Phong (ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phải ngày đêm canh con nước đục hay trong.

01/06/2017
Trang trại rau thủy canh kết hợp nuôi cá tại Sài Gòn Trang trại rau thủy canh kết hợp nuôi cá tại Sài Gòn

Anh Chính chia sẻ kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao, đem về thu nhập gần 350 triệu đồng mỗi tháng

02/06/2017
Nuôi cá kết hợp trồng cây ăn trái lãi 500 triệu đồng/năm Nuôi cá kết hợp trồng cây ăn trái lãi 500 triệu đồng/năm

Ông Lê Văn Bon ở TP Cần Thơ nuôi ghép nhiều loại cá, trên bờ trồng cây ăn trái kết hợp nuôi gà thả vườn thu lãi hơn nửa tỷ đồng/năm.

05/06/2017
Bỏ thành phố về quê trồng nấm, lãi 500 triệu đồng/năm Bỏ thành phố về quê trồng nấm, lãi 500 triệu đồng/năm

Từ bỏ cơ hội việc làm trên thành phố, chị Nguyễn Thị Linh, 25 tuổi đã quyết định trở về quê mở trang trại trồng nấm mỗi năm cho thu lãi trên nửa tỷ đồng.

06/06/2017
Mô hình sản xuất khô cá chỉ vàng khép kín tại Vũng Tàu Mô hình sản xuất khô cá chỉ vàng khép kín tại Vũng Tàu

Tại cơ sở Nga Sơn (Long Điền, Vũng Tàu), từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến đóng gói đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

08/06/2017