Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Việt Nam tứ bề thọ địch

Tôm Việt Nam tứ bề thọ địch
Ngày đăng: 16/10/2015

Một đại gia tôm là Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng chỉ xuất được 371,6 triệu USD giảm gần 30% so với cùng kì năm trước.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, người được mệnh danh là "vua tôm" cho rằng con tôm Việt Nam đang “tứ bề thọ địch”.

Thua vì đối thủ phá giá sâu đồng tiền

Giá thành xuất khẩu tôm là một trong những nguyên nhân chính làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam so với sản phẩm tôm của các nước xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2015 đến nay, các nước xuất khẩu tôm lớn đã liên tiếp phá giá đồng nội tệ của họ, cụ thể: Indonesia phá giá đồng Rupiah 42%; Malaysia phá giá đồng Ringit 33%; Ấn Độ phá giá đồng Rupee 20% và Thái Lan phá giá đồng Bath 18%.

Chính vì vậy, theo tính toán sơ bộ của Minh Phú thì tôm Việt Nam xuất khẩu hiện đang có giá đắt hơn trên 20% so với tôm xuất khẩu từ Indonesia và Ấn Độ.

Năm nay, ngành nuôi tôm tại Ấn Độ thành công và đạt năng suất rất cao, làm tăng sản lượng tôm tại đây lên 20% so với cùng kỳ 2014.

Đồng thời, ngành nuôi tôm tại Thái Lan cũng có sự phục hồi mạnh khi đạt mức tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng đột biến của ngành nuôi tôm tại Ấn Độ và Thái Lan dẫn đến việc nguồn cung tôm vượt qua nhu cầu của thị trường thế giới khoảng 7%.

Chính vì thế, giá tôm trên thị trường thế giới giảm liên tục mỗi tuần từ 20 đến 30US cents/kg (từ đầu năm đến nay, giá tôm tại các thị trường chính đã giảm hơn 30%).

Trong khi những năm trước đây, khoảng thời gian từ đầu tháng 8 thường là thời gian giá tôm bắt đầu tăng.

Nhìn chung, hiện tại nhu cầu mua tôm của tất cả các thị trường đều rất yếu.

Bị kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ

Trong giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8), Hoa Kỳ đã áp dụng phương pháp tính toán mới là định giá khác biệt để áp thuế cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam, với phương pháp tính này các doanh nghiệp tôm Việt Nam đã chịu mức thuế bán phá giá rất cao là 6,37%, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ tôm tại thị trường Hoa Kỳ.

Nhiễm kháng sinh

Từ trước đến nay, tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm tôm Việt Nam luôn là vấn đề nóng bỏng của ngành tôm Việt Nam.

Đặc biệt trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc kiểm tra phát hiện các dư lượng kháng sinh trong tôm Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu là rào cản lớn cho xuất khẩu tôm Việt Nam.

“Quan điểm của chúng tôi là việc kiểm soát kháng sinh không chỉ dừng lại ở vùng nuôi và nhà máy chế biến mà cần phải mở rộng ra đối với tôm giống và thức ăn.

Theo kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp, mặc dù họ đã tiến hành nuôi thử nghiệm tôm không kháng sinh nhưng đến khi cho làm kiểm tra vẫn phát hiện dư lượng kháng sinh, điều này cho thấy tôm nhiễm kháng sinh không phải chỉ ở vùng nuôi mà còn có thể từ nguồn thức ăn và con giống không đủ chất lượng”, ông Lê Văn Quang cho biết.

Tôm Việt Nam thường được nuôi ở độ mặn thấp, nên màu sắc của tôm thường trắng bạc mà không xám đen.

Khi chế biến hoặc luộc lên thì không đạt được màu đỏ đẹp và chuẩn như tôm của Thái Lan, vì thế một số khách hàng Mỹ mua tôm Ring và khách hàng Nhật mua tôm Sushi đã từ chối sản phẩm của Việt Nam mà quay sang mua của Thái Lan, tuy rằng giá của Thái Lan cao hơn.

Bột tẩm tôm cũng phải nhập của Thái Lan

Từ trước đến nay, ngành nuôi tôm Việt Nam phần lớn thực hiện theo phương thức dân gian, không theo một quy chuẩn nào trừ một số doanh nghiệp có qui mô lớn dẫn đến chi phí nuôi cao.

Giá thức ăn thủy sản không ổn định và tương đối cao với các nước trong khu vực đã góp phần làm cho giá thành sản phẩm tôm cao hơn các nước khác.

Để sản xuất sản phẩm tôm ring, doanh nghiệp phải nhập khẩu màng co và nước sốt từ Thái Lan, còn để sản xuất tôm tẩm bột thì bột cũng phải nhập từ Thái Lan.

Điều này làm giá thành sản xuất bị đẩy lên cao, trong khi thời gian từ lúc sản xuất đến lúc giao hàng lại bị rút ngắn lại, gây ra áp lực lớn doanh nghiệp do rủi ro không đáp ứng kịp đơn hàng cho khách, dẫn đến việc khách hàng quay sang mua hàng của Thái Lan.

Một vấn đề khác là chứng nhận BAP đối với nhà máy thức ăn.

Hiện nay tại Thái Lan, Chính phủ quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất thức ăn phải có chứng nhận BAP, điều này không những đảm bảo việc quản lý chất lượng mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tôm của Thái Lan bán được giá cao hơn.

Còn ở Việt Nam, chưa có quy định tương tự, các doanh nghiệp chế biến tôm phải tự bỏ tiền ra để mời GAA đến thanh tra và cấp chứng nhân BAP cho nhà máy thức ăn, vì thế làm đội giá thành và phát sinh nhiều rắc rối, khó khăn khác.

Hệ thống kho lạnh chứa tôm thành phẩm của Việt Nam rất thiếu và luôn quá tải vì thế các doanh nghiệp tôm không có điều kiện để trữ hàng, chờ đến mùa tiêu thụ để bán được giá hơn.

Cần tăng phòng vệ thương mại

Theo ông Quang, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định song phương và đa phương, tuy nhiên khi các nước tham gia vi phạm các cam kết trong hiệp định thì chúng ta lại không có các hành động cần thiết để đấu tranh và trừng phạt họ.

Điều này vô hình trung tạo ra tiền lệ để họ tiếp tục vi phạm và gây ra những bất lợi không mong muốn đối với doanh nghiệp Việt.

"Thực tế cho thấy, để chặn hàng nhập khẩu, các nước thường dựng lên những hàng rào kỹ thuật quá cao và để vượt qua các hàng rào kỹ thuật này, doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra 10%, 20%, thậm chí 30% chi phí giá thành, làm cho hàng hoá của Việt Nam khó vào được nước họ.

Vì thế chúng tôi đề nghị Chính phủ phải đấu tranh thật mạnh mẽ với họ để buộc họ phải dỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật này", ông Lê Văn Quang kiến nghị.

Hoãn tăng tiền Bảo hiểm Xã hội

Theo ông Lê Văn Quang, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) số 58/2014/QH14 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 quy định:

“Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật về lao động”.

Trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp thủy sản đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng một mặt không có ý nghĩa gì với cuộc sống hiện tại của người lao động nhưng mặt khác lại làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc tăng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và phí công đoàn.

Như vậy, từ ngày 1/1/2016 khi cả Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016 đều có hiệu lực thi hành thì doanh nghiệp cùng lúc sẽ phải chịu tác động lớn về tăng chi phí đóng BHXH cho người lao động.

Điều này sẽ tác động lớn đến tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, sẽ làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến khó cạnh tranh.

Mặt khác, việc tăng mức đóng BHXH sẽ làm tiền lương người lao động có xu hướng bị giảm xuống (vì bị trừ theo phần trăm lương) - ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, mất tính ổn định trong cuộc sống hiện tại và điều này quan trọng hơn việc 20 năm sau họ được lãnh tiền hưu.


Có thể bạn quan tâm

Đưa Sâm Cao Ly Về Đất Tây Giang Đưa Sâm Cao Ly Về Đất Tây Giang

Thời gian gần đây, bên cạnh việc đưa sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My - Quảng Nam), Công ty cổ phần thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam còn đưa thêm cây sâm Cao Ly (Hàn Quốc) di thực về trồng thử nghiệm tại huyện miền núi biên giới Tây Giang.

24/01/2014
Sang Indonesia... Đập Lúa Sang Indonesia... Đập Lúa

Do chủ yếu người dân theo đạo Hồi nên đồ uống có cồn ở các quán ăn, nhà hàng của Indonesia cũng rất ít và rất hiếm thấy người dân ngồi nhậu vỉa hè, nhậu trong quán...

24/01/2014
Thu Tiền Tỷ Từ Phúc Bồn Tử Thu Tiền Tỷ Từ Phúc Bồn Tử

Cách đây mấy năm, anh Huỳnh Trung Quân (38 tuổi), ở số 18B, tổ 9, Bắc Hội, Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng đã thành công khi trồng cây phúc bồn tử.

24/01/2014
Hốt Bạc Từ Dịch Vụ Cho Thuê Sân Phơi Lúa Hốt Bạc Từ Dịch Vụ Cho Thuê Sân Phơi Lúa

Về xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), cứ cách vài km chúng tôi lại bắt gặp những khoảng sân phơi lúa rộng mênh mông, trải dài từng liếp vàng tươi trông rất đẹp mắt.

24/01/2014
Sẽ Chấm Dứt Sản Xuất Tự Cung, Tự Cấp Sẽ Chấm Dứt Sản Xuất Tự Cung, Tự Cấp

Không sản xuất chạy theo số lượng, cắt một phần diện tích lúa để chuyển đổi sang cây trồng khác, chấm dứt kiểu sản xuất tự cung, tự cấp… là những nội dung ngành nông nghiệp VN sẽ phải thay đổi.

24/01/2014