Một Số Mô Hình Sản Xuất Tiên Tiến, Đạt Hiệu Quả Cao
Nằm ở khu vực ĐBSCL nên Vĩnh Long có tiềm năng đa dạng trong sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Sự phong phú về đối tượng cây trồng, vật nuôi, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác của các tiểu vùng nên đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang tính đặc trưng riêng của địa phương.
Năm 2010, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, thông qua nhiều hình thức: chính sách, chuyển giao kỹ thuật,…và được tiếp cận những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực ứng dụng, nên không ít mô hình đã được nông dân khai thác tốt, phát huy được tiềm năng kinh tế. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một số mô hình được xem là tiên tiến, đạt hiệu quả kinh tế cao.
1. Canh tác bưởi Năm roi theo qui trình GlobalGAP
Năm 2009, công ty The Fruit Repuplic (Hà Lan) có trụ sở ở Tiền Giang đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Minh chuyển giao kỹ thuật canh tác bưởi Năm roi theo qui trình GlobalGAP cho 18 nhà vườn ở Mỹ Hòa. Mục đích của công ty là tạo vùng trồng sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn trên phạm vi toàn cầu để thu mua sản phẩm có chất lượng an toàn. Tháng 4/2010, nhà vườn đã được cấp chứng nhận trên diện tích 19,5 ha. Nông dân cũng ký hợp đồng bán sản phẩm cho công ty với giá ổn định cả năm là 4.500 đồng/kg đối với trái đạt yêu cầu (trọng lượng từ 800 gram trở lên), 1.500 – 2.000 đồng/kg cho sản phẩm không đạt. Sản xuất theo qui trình này, chất lượng bưởi tăng lên, kéo theo sản lượng bưởi đạt tiêu chuẩn cũng tăng lên 30%. Hiệu quả kinh tế cải thiện đáng kể so trước khi chưa thực hiện, bình quân, thu nhập khoảng 290 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận khoảng 250 triệu. Được biết, sang năm 2011, công ty có kế hoạch mở rộng diện tích bao tiêu sản phẩm với giá tăng hơn: 5.500 đồng/kg cho bưởi đạt yêu cầu.
2. Chuyên canh cam Sành vụ nghịch
Mô hình đã và đang mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều nhà vườn ở xã Tân Hội, Thành phố Vĩnh Long. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: bón phân hữu cơ kết hợp phân vô cơ, xiết nước mương vườn, tỉa trái, trồng cỏ giữ ẩm,…cộng với sự đầu tư thích đáng, bà con đã thành công khi cho cam ra trái vụ nghịch (bán vào tháng 4 – 7 dương lịch). Tay nghề canh tác của nông dân ở đây khá vững, bởi người trồng sau ngoài việc được chuyển giao kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp, còn được sự tư vấn, hướng dẫn của người trồng trước đã thành công. Do đó, năng suất trung bình đạt cũng khá cao: 30 – 40 tấn/ha tùy hiện trạng sức khoẻ của cây. Giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so vụ thuận. Năm nay, nhà vườn bán 12.500 – 19.000 đồng/kg tùy đợt, có lúc lên đến 28.000 đồng/kg. Nếu lấy mức bình quân, thì khoảng: 17.000 đồng/kg. Nhà vườn trẻ Phạm Hoàng Quân, ở ấp Tân Bình, mặc dù chỉ 5 năm trong nghề nhưng đã có 3 mùa cam nghịch thành công. Vườn cam 7 công của anh, trong đó một nửa cho trái năm thứ 2, một nửa ở năm thứ 3, năm nay, với năng suất bình quân 4 tấn/công (1.000 m2), sản lượng thu gần 28 tấn. Tổng thu cả vườn gần 500 triệu, trừ chi phí, còn lời khoảng 350 triệu đồng. Cam Sành nơi đây chất lượng mặc dù không bằng so với vùng Tam Bình nổi tiếng trước đây nhưng hình thức trái đẹp, khá đồng đều nên giá bán thường cao hơn. Vì thế, thương lái gọi cam Sành Tân Hội là “vùng cam kinh tế”.
3. Sản xuất lúa giống ứng dụng công nghệ gieo, trồng
Làm lúa giống, nhất là lúa nguyên chủng hiện được xem là một trong những mô hình có hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, để duy trì hoặc phát triển nghề này, người sản xuất ngoài việc phải thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường giống để đáp ứng nhu cầu người mua, còn phải đảm bảo đủ điều kiện canh tác: vốn đầu tư, phương tiện phơi sấy, nhà kho tồn trữ bảo quản,... Trước tình hình dịch hại thường xảy ra và nhân công nông nghiệp ngày càng ít, thì sản xuất giống gặp khó khăn: không chủ động mùa vụ, chi phí tăng, rủi ro cao. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời thực hiện kế hoạch mở rộng qui mô sản xuất, anh Đinh Ngọc Định ở Thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ đã ứng dụng phương pháp làm mạ sân và mạnh dạn trang bị thêm máy cấy (giá 24 triệu đồng). Nhờ ứng dụng 2 tiến bộ kỹ thuật này mà vụ lúa Đông Xuân 2010-2011, gia đình anh đã chủ động hoàn toàn thời vụ sản xuất, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế đáng kể. Với 3 ha canh tác, chỉ tính tiền làm mạ sân, một năm (3vụ) cũng đã lời ra gần 9 triệu đồng so mạ gieo ruộng như trước đây. Còn ứng dụng máy trong khâu cấy, qua tính toán, nếu so giá thuê người như các vụ trước thì chỉ sau một năm sử dụng, gia đình đã có thể thu hồi được vốn đầu tư. Các vụ sau, là tiền lời tăng thêm. Trừ chi phí xăng, công, cũng trên 2 triệu /ha.
4. Chăn nuôi gà tập trung theo qui mô trang trại
Đó là Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Thuận Phát ở ấp Nhứt , xã Quới An, Vũng Liêm do anh Nguyễn Văn Thân làm chủ nhiệm. Xuất phát từ nhu cầu giảm giá thành sản xuất, ổn định đầu ra, tăng hiệu quả kinh tế, anh Thân đã mạnh dạn đầu tư vốn mua gà Lương Phượng bố mẹ của Công ty giống Miền Nam, mua máy ấp trứng, đi học kỹ thuật về sản xuất gà giống cung cấp cho nhu cầu nuôi của gia đình và 7 thành viên trong HTX. Nhờ vậy, giá giống giảm 2.000 đồng/con so với phải đi mua từ nơi khác. Để HTX hoạt động có lợi nhuận, anh liên hệ, ký hợp đồng mua thức ăn, bán gà thịt với các công ty, lò mổ trong và ngoài khu vực. Đồng thời còn mở rộng cung cấp con giống, và bao tiêu gà thịt cho người dân ở địa phương với giá cả hợp lý. Với cách tổ chức này, HTX hiện là địa chỉ cung cấp gà giống tin cậy của người chăn nuôi ở địa phương.
5. Trồng mận xanh đường theo hướng an toàn thực phẩm
Không được mệnh danh là hoàng hậu trong các loại trái cây và giống lại nội 100%, chất lượng thì khó so sánh ngon hơn hay kém hơn giống khác do thị hiếu tiêu dùng khác nhau, nhưng mận xanh đường ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, Bình Minh nhiều năm nay đã mang lại vị ngọt (như tên gọi) cho nhà vườn nơi đây. Khoản thu nhập 25 triệu đồng/công, trong đó lợi nhuận 17 triệu đồng là mức bình quân. Người trồng đạt, hiệu quả kinh tế còn cao hơn, như anh Nguyễn Văn Ẩn, trồng 2,5 ha, hàng năm thu lời gần 500 triệu đồng. Đạt được hiệu quả cao là do bà con đã chọn hướng sản xuất an toàn để nâng giá trị của loại trái cây thông thường của địa phương mình. Mặc dù công lao động khá nhiều nhưng thấy rõ lợi ích khi ứng dụng nên cả cộng đồng đã đầu tư thích đáng thực hiện liên hoàn các kỹ thuật tiến bộ: tỉa cành, tạo tán, tỉa trái, bao trái. Trái trên cây được bao (bằng bao nilon) toàn bộ. Chất lượng vì thế đảm bảo an toàn, tạo được uy tín với người tiêu dùng, đầu tiên là thương lái. Với ưu điểm này, liên tục nhiều vụ qua, mận xanh đường vẫn giữ được giá bán ổn định, tối thiểu: 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do thị trường chưa được mở rộng nên hiện tại các nhà vườn cùng liên kết không phát triển diện tích, chỉ giữ ổn định 21 ha.
6. Nuôi lươn đồng mùa nước nổi
Tận dụng ưu thế về điều kiện sống, điều kiện sản xuất: nhà ở liền kề ruộng nằm trong khu đồng lớn, hàng năm có thời gian khá dài nước lũ tràn về, nhiều người ở ấp Phú Mỹ, xã Tân Phú, Tam Bình đã thực hiện mô hình sản xuất phù hợp, có tiềm năng kinh tế cao: nuôi lươn đồng trong bể đất lót bạt. Với phương thức khai thác nguồn lợi sẵn có là chủ yếu, nên chi phí đầu tư không cao. Tuy nhiên, lúc đầu kết quả đạt thấp, lươn bị hao hụt nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng khi thu hoạch. Nhưng 2 năm nay, được trạm khuyến nông huyện hỗ trợ kỹ thuật thông qua mô hình trình diễn và kinh nghiệm nuôi được đúc kết, nên mô hình đã thành công: năng suất thu hoạch đạt cao: từ 20 kg lương giống thả nuôi trong bể 10 m2, sau 6- 7 tháng, thu trung bình 70 kg lươn thịt. Lợi nhuận bình quân: 5- 7 triệu đồng/bể tuỳ mức độ đầu tư, trong đó chủ yếu là để mua bạt lót bể. Trong năm 2010, phát huy lợi thế có được, bà con đã mở rộng qui mô sản xuất. Toàn ấp hiện có 13 hộ nuôi, qui mô từ 1-3 bể/hộ. Thấy lợi nhuận hấp dẫn, hiện một số hộ có điều kiện ở các ấp lân cận cũng học hỏi kỹ thuật về xây bể để thực hiện nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình trong mùa nước nổi.
7. Nuôi cá Bống tượng theo phương thức chủ động ương nuôi cá mồi
Tự sản xuất cá bột giống (cá trôi, cá hường,…) để làm thức ăn cho cá bống trong suốt thời gian nuôi là cách thực hiện của chú Nguyễn Văn Phin ở ấp 4, xã Phú Lộc, Tam Bình. Phương thức này có nhiều ưu điểm: chủ động hoàn toàn thức ăn cho cá nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường nước ao, hạn chế dịch bệnh,..Mặt khác, do chất lượng thức ăn tốt hơn so thức ăn mua chợ nên cá tăng trọng nhanh, tỷ lệ sống cao (50%). Sau 14 tháng nuôi, trên diện tích 1.000 m2, với 2.000 con giống thả đầu vụ, thu sản lượng 400 kg cá thịt (trọng lượng 400 gram/con). Bống tượng có giá bán cao: 220.000 đồng/kg, nên thu nhập gần 90 triệu đồng, trừ chi phí còn lời trên 63 triệu đồng.
Trong điều kiện sản xuất có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn như hiện nay thì việc vận dụng thế mạnh sẵn có để khai thác, xây dựng mô hình phù hợp, đồng thời tận dụng cơ hội, đưa những tiến bộ kỹ thuật vào để phát triển là cách làm có hiệu quả cao. Việc nêu một số mô hình tiên tiến trên đây không nằm ngoài mục đích giới thiệu những kiểu làm nông nghiệp “hay, có kinh tế” của nông dân ở một số địa phương; qua đó người sản xuất có thể tham khảo và học hỏi thêm ở một khía cạnh nào đó để xây dựng mới hoặc phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Thị xã Vĩnh Châu là một trong những địa phương nuôi tôm nổi tiếng với gần 6.000 hộ nuôi trên diện tích 5.500ha. Nơi đây từng được mệnh danh là cái nôi của tôm
Mô hình ương giống cá chạch lấu, một loài cá ngon và hiện còn rất ít trong tự nhiên, giúp nông dân Hậu Giang thu cả tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình tôm lúa ở Sóc Trăng được thực hiện dưới hình thức quảng canh cải tiến phát triển chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu
Là một trong những hộ đầu tiên trồng bưởi da xanh trên đất trồng vải thiều, sau gần 8 năm anh Lê Duy Chứ thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/3ha/năm.
Một nông dân ở Đồng Tháp đã thoát cảnh nghèo túng, vươn lên trở thành “đại gia nuôi vịt” và có cơ ngơi tiền tỷ ở vùng quê Tháp Mười.