Hướng chuyển dịch kinh tế hộ và trang trại
Từ bước chuyển chăn nuôi tập trung...
Để nâng cao giá trị kinh tế hộ, một trong những yêu cầu đặt ra là bên cạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung, các hộ cần tăng cường liên kết để cùng nhau chăm lo đầu vào đến kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi và đầu ra cho sản phẩm. Đây được xem là “mũi nhọn” để phát huy giá trị kinh tế của các vùng nông thôn theo từng mặt hàng cây, con có lợi thế.
Chăn nuôi theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, quảng canh không còn phù hợp khi nhu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm của thị trường cũng như đòi hỏi về đảm bảo môi trường sinh thái ngày càng cao. Nhận thức rõ điều này, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung.
Theo ông Nguyễn Công Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (Nghệ An), chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung được huyện xác định từ năm 2000 trên cơ sở Nghị quyết số 07 của HĐND huyện và Quyết định số 20 của UBND huyện với các chính sách đi kèm như miễn thuế thuê đất trong 3 năm đầu; hỗ trợ lãi suất 5% tiền vay 30 triệu đồng; đồng thời tạo điều kiện để các chủ chăn nuôi thuê đất, mượn đất từ quỹ đất 5% và dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất khoán theo Nghị định 64. Cùng với chính sách và sự nỗ lực của người dân, chăn nuôi trên địa bàn huyện Đô Lương có sự phát triển khá mạnh.
Tính đến nay, toàn huyện có tổng đàn trâu bò trên 46.000 con, lợn 96.000 con, gia cầm 1,7 triệu con, trong đó có 306 trang trại, gia trại tổng hợp. Có nhiều trang trại quy mô tổng đàn lợn khoảng trên 500 lợn nái, lợn thịt và hàng nghìn con gà, vịt, kết hợp chăn nuôi cá như trang trại của các gia đình ông Hỗ Sỹ Dụ (xã Thượng Sơn); Hoàng Văn Sơn (xã Yên Sơn);
Phạm Văn Tuất (xã Hiến Sơn); Đặng Ngọc Tuấn (xã Xuân Sơn)... Chăn nuôi lợn đã dần chuyển hướng sang chăn nuôi tập trung chiếm 70% tổng đàn trong toàn huyện. Cũng nhờ phát triển chăn nuôi tập trung giảm được dịch bệnh trên vật nuôi, đảm bảo con giống, kỹ thuật chăm sóc nên nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường, tỷ trọng thu nhập từ chăn nuôi chiếm 51% trong ngành Nông nghiệp.
Ở huyện Quỳnh Lưu cũng phát triển chăn nuôi lợn ngoại sinh sản, lợn thịt, bò sinh sản và bò thịt theo hướng tập trung. Điển hình như cơ sở chăn nuôi lợn ngoại có quy mô 400 - 500 con của gia đình ông Hồ Tất Quý (xã Quỳnh Đôi) và Nguyễn Văn Long (xã Ngọc Sơn). Ông Hồ Tất Quý cho biết: “Gia đình đã phải quây khu vực chăn nuôi thành một khu vực riêng để hạn chế người ra vào, xung quanh đào mương dẫn nước để tạo môi trường lưu thông. Bản thân tôi cũng phải học hỏi thêm các kỹ thuật thú y cần thiết để phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi”.
Riêng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, nhất là vịt phát triển tập trung ở các vùng đất hoang hóa dọc các kênh tiêu như Quỳnh Giang. Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hoa, Quỳnh Diện, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn... Xã Quỳnh Văn là một xã bán sơn địa có diện tích rộng, phát triển chăn nuôi hàng hóa cũng được xã quan tâm. Địa phương đã quy hoạch khu đất xa và khuyến khích người dân đầu tư xây dựng chuồng trại, hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi, thú y.... Hiện tại trên địa bàn xã có 2 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN & PTNT, như trang trại có diện tích 14 ha của gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn và trang trại 5,5 ha của gia đình ông Đậu Đức Kính, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, cá; doanh thu bình quân mỗi trang trại vài tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT nhận định: Chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An đang phát triển tích cực và đi đúng định hướng. Chăn nuôi nhỏ lẻ đã dần chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, từ chỉ chiếm 10%, đến nay sản phẩm chăn nuôi trong các trang trại, gia trại đã chiếm khoảng 30 - 40% tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi toàn tỉnh.
Hiện tại, tỉnh có khoảng trên 350 trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô của mỗi trang trại có khoảng 100 con lợn nái, 500 - 1.000 con lợn thịt trở lên hoặc 2.000 con gà, vịt; chưa kể chăn nuôi trang trại bò sữa của Công ty sữa T.H; trang trại bò sữa của Công ty Vinamilk và trang trại bò thịt ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).
Không chỉ tăng về số lượng và quy mô tổng đàn trong mỗi trang trại, gia trại mà các tiến bộ KHKT cũng được ứng dụng mạnh mẽ và hiệu quả, từ việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc, chú trọng về bảo vệ môi trường.... Đặc biệt, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao như giống bò zêbu, giống lợn ngoại, bò sữa... đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, tăng giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Chính vì vậy, đề án quy hoạch chăn nuôi lợn và trâu, bò đến năm 2020 và những năm tiếp theo đang được Sở NN&PTNT xây dựng, đi cùng đó là những đề xuất về chính sách kích cầu phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững được kỳ vọng đem tới những động lực cho các nông hộ đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập...
...đến “chuyển dịch” của kinh tế hộ
Kinh tế hộ ở nông thôn đã có cơ chế để phát triển một cách tự chủ, nhưng nếu không có sự định hướng, quy hoạch vùng, tạo thuận lợi vay vốn cũng như giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thì gia trại vẫn đang phát triển tự phát, thiếu tính bền vững. Một vấn đề mấu chốt hiện nay là các nông hộ chưa nắm bắt được diễn biến của “cung - cầu”, thị phần hiện nay của sản phẩm, ngành nghề đang nắm giữ. Nhất là ở miền núi và vùng sâu, nơi thông tin về kinh tế, chính sách còn hạn chế.
Chị Vi Ngọc ở xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, từ khi được vay vốn ngân hàng mua 1 con bò sinh sản chăn nuôi. Sau 3 năm tích lũy, gia đình chị đã có 18 con bò. Đang phát triển bò thuận lợi ở trại thì chủ trương của huyện thu hẹp vùng chăn thả bò, chị bán gần hết đàn bò và đầu tư vào trang trại lợn thịt. Người phụ nữ dân tộc thiểu số với tư duy táo bạo đã thành công khi nuôi được đàn lợn thịt trên 40 con và xuất chuồng 3 lứa/năm. Chị cho biết, một lứa lợn sau khi xuất chuồng lãi 27,8 triệu đồng. Ngoài lợn chị còn nuôi trên 200 con gà, trồng 5 ha keo, kinh tế gia đình nhờ vậy thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Qua trao đổi, chị Ngọc cho biết, khó khăn nhất là quỹ đất, cùng đó là cần được tư vấn về đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, sản xuất.
Còn ông Võ Văn Sinh, ở thôn Thung Mòn, xã Đồng Văn (Tân Kỳ) cho biết: “Khi biết tôi đầu tư vườn cam chi phí cao, phòng Nông nghiệp huyện, Hội Trang trại huyện đã vào thăm, sau đó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ vào động viên và có chính sách hỗ trợ. Điều đó khích lệ gia đình tôi rất nhiều”. Để có được đủ diện tích trang trại, ông Nguyễn Văn Sinh đã thu nhận nguồn đất chuyển nhượng của nhiều hộ dân trong vùng. Đến nay, ông đã nâng cấp gia trại thành trang trại tổng hợp, trồng rừng, nuôi hàng trăm con dê, hàng ngàn con gà và đầu tư nuôi 20 con bò nhốt.
Bên cạnh đó ông còn trồng bí xanh, cam. Chắt chiu tất cả vốn liếng, công sức để đổ dồn vào trang trại, ngay cả con trai ông đang lao động ở Hàn Quốc gửi được bao nhiêu tiền về ông đều đầu tư mua bò, xây dựng chuồng trại. Theo ông Sinh để gia trại phát triển thành trang trại, ngoài yếu tố về đất đai, không thể thiếu được sự đầu tư, quan tâm của chính quyền, chính sách cho vay vốn của Nhà nước.
Thực tế, có nhiều gia trại muốn nâng cấp thành trang trại để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng gặp trở ngại do quỹ đất không nhiều. Điều này có thể thấy rõ ở các gia trại chăn nuôi bò sữa ở Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) khi nhà nhà đều nuôi bò nhưng không có đủ diện tích đất. Ông Bùi Văn Vinh, Chủ nhiệm HTX sữa Đồng Tiến, Quỳnh Thắng cho biết: “Không chỉ các gia đình ở đây mà bản thân tôi cũng mong có thêm đất để mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển thành trang trại, song chưa thể thực hiện được”.
Đến nay, huyện Tân Kỳ đã xây dựng được 47 trang trại đạt tiêu chí quy định theo Thông tư số 27/2011/TT- BNN - PTNT (ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT). Diện tích bình quân là 27,5 ha/trang trại; giá trị sản lượng hàng hóa bình quân 1.391,25 triệu đồng/trang trại/năm. Các trang trại cũng đã tạo thêm việc làm cho gần 500 lao động. Trên địa bàn huyện còn có 474 hộ làm kinh tế gia trại, tổng thu nhập các gia trại là 102.071 triệu đồng, bình quân 1 gia trại có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Đây là những “nguồn” trang trại mới để Tân Kỳ tạo sức bật cho sản xuất hàng hóa và động lực cho tích lũy ruộng đất, một xu thế đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó, bên cạnh sự chuyển nhượng đất của các hộ dân thì việc liên kết nhóm hộ là hướng đi tích cực, tạo nên hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn. Ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khẳng định: “Huyện có thế mạnh là vườn đồi và rừng, đây là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế trang trại.
Để khuyến khích phát triển gia trại, huyện đã có nhiều chính sách thực sự quan tâm lĩnh vực này. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở, cũng như sự tham gia vào cuộc của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các ngành liên quan vào phát triển kinh tế hộ và trang trại”.
Cần tăng cường liên kết
Hiện toàn tỉnh có 4.200 gia trại và trang trại; trong đó có 600 trang trại, lĩnh vực chăn nuôi có trên 200 trang trại, còn lĩnh vực kinh doanh tổng hợp 259 trang trại. Các trang trại đã giải quyết việc làm cho 1,7 vạn lao động. Doanh thu bình quân chung của 1 trang trại hiện đạt trên 1 tỷ đồng/năm, diện tích mỗi trang trại chưa tới 10 ha. Kinh tế trang trại đã phát huy tối đa lợi ích của đất đai, đồi núi, khe suối, mặt nước, góp phần tạo nguồn hàng hóa lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, do tiêu chí để đạt được một trang trại rất khó khăn, nên nhiều mô hình gia trại chưa có tính lan tỏa và chưa đóng góp mạnh mẽ vào giá trị kinh tế chung. Bên cạnh đó, các trang trại đang phát triển theo mô hình giống nhau là tổng hợp, phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa, tạo ra khối lượng hàng hóa “thô” và vẫn đang “mạnh ai người nấy lo”. Cùng đó, khâu chế biến, bảo quản khép kín trong dịch vụ trang trại chưa phát triển nên thị trường chưa bền vững.
Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 mà Bộ NN&PTNT đã phê duyệt, trang trại là một hướng phát triển được quan tâm để đảm bảo cho sản xuất, chăn nuôi phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu đặt ra là “đến năm 2020, ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang sản xuất phương thức trang trại, công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu”. Bởi vậy, để các trang trại phát triển bền vững đòi hỏi quan tâm nhiều hơn nữa đến công đoạn đầu ra, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm từ gia trại, trang trại.
Các trang trại, gia trại cần kết nối, trao đổi thông tin, tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi theo nhóm sản phẩm thị trường cần và theo các chuỗi liên kết vùng, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khi tính chủ động của các công đoạn trên được các trang trại đứng ra làm “chủ chòm” thì chắc chắn các nông hộ, gia trại sẽ trở thành vệ tinh tốt nhất, cùng mục tiêu phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bính, Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại Nghệ An cho rằng: Để phát triển thêm các trang trại từ “ nguồn” là các gia trại, đồng thời để trang trại phát triển bền vững thì cần phải đảm bảo các yếu tố: Trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thứ hai, phải có đất ổn định lâu dài cho trang trại, đồng thời là phải có nguồn vốn nhất định để đầu tư cho kinh tế trang trại. Chủ trang trại phải có ý chí, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới theo hướng năng động, sáng tạo và hiệu quả.
Chủ trang trại phải ứng dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đặc biệt sản phẩm sạch để cạnh tranh mới đứng vững được trên thị trường. Thứ tư, phải biết liên kết hợp tác đoàn kết trong cộng đồng trang trại, giữa trang trại với doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh tổng hợp, nhất là về thị trường, thông qua đó phải tham gia vào tổ chức hội; “buôn có bạn, bán có phường”, từ đó chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Cho đến thời điểm này, sản lượng khai thác hải sản 8 tháng đầu năm được 125.912 tấn, đạt 67,35% kế hoạch năm và tăng 101,5% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá từ Chi cục Thủy sản, những tháng đầu năm do thời tiết và ngư trường không thuận lợi, gió bấc thổi mạnh nên hoạt động khai thác theo đó gặp không ít khó khăn, hầu như tàu thuyền ít hoạt động trên biển.
Từ một người làm thuê trở thành chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Đãi (SN 1958), phường Mũi Né, TP Phan Thiết không chỉ tham gia đánh bắt hải sản xa bờ mà còn trao đổi những kinh nghiệm về kỹ năng vượt sóng gió và cách phát hiện luồng cá cho ngư dân.
Cách nay hơn 2 tháng, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau chọn xã Tân Thành làm điểm chỉ đạo xây dựng điểm trình diễn thực hiện mô hình nuôi gà chuyên đẻ trứng giống Ai Cập.
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, năm 2014, huyện Hà Quảng đầu tư 6 tỷ 506 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, vụ đông xuân 2013-2014, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng ngắn ngày chính trong vụ là 1.165 ha, đạt 101% kế hoạch. Sản lượng lương thực quy thóc trong vụ đạt 1.883 tấn, đạt 115% kế hoạch, tăng 582 tấn so với vụ trước.