Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mổ xẻ nguyên nhân tôm chết hàng loạt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Mổ xẻ nguyên nhân tôm chết hàng loạt ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 27/05/2015

Tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), nhận định tình trạng trên xảy ra do hệ thống thủy lợi của khu vực này còn nhiều bất cập.

Hệ thống thủy lợi yếu kém

Theo tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh, hệ thống thủy lợi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là ngọt hóa phục vụ trồng lúa nhưng nay phát triển sản xuất đa ngành khiến bất cập nảy sinh.

Các tỉnh ven biển từ Long An đến Kiên Giang vừa trồng lúa và nuôi tôm nước lợ phát sinh nhiều bất cập. Mùa khô không trồng được lúa nên người dân lấy nước lợ phục vụ nuôi tôm. Chính cách làm này đã phát sinh mâu thuẫn giữa người trồng lúa và nuôi tôm. Bởi, nếu lấy nước lợ phục vụ nuôi tôm sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa.

Nhiều nơi ở huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình (tỉnh Cà Mau), người dân phản ứng tiêu cực với chính quyền địa phương để đưa nước mặn vào vùng ngọt nuôi tôm những tháng mùa khô.

Không riêng gì tại Cà Mau, ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu... khi tôm thẻ chân trắng có giá cao người dân cũng thi nhau đào ao, hồ trong vùng ngọt hóa để nuôi tôm nước lợ.

Do nuôi ngoài quy hoạch, hệ thống thủy lợi, điện, đường không thể đáp ứng nên năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 hàng nghìn hécta nuôi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cả nước hiện có 30 tỉnh thành nuôi tôm nước lợ, với diện tích thả nuôi khoảng 699.700ha và sản lượng là 661.000 tấn, riêng 8 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nuôi gần 605.000ha, chiếm 90% diện tích.

Năm 2014 giá tôm nguyên liệu đứng ở mức cao, khoảng 120.000-180.000 đồng/kg, nhiều tỉnh có diện tích thả nuôi tăng đột biến như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau...

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh cho biết phần lớn các hộ nuôi tự phát với diện tích nhỏ lẻ nên không có điều kiện để xử lý nguồn nước, chất thải nên tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh chết. Bà con thường xả nước trực tiếp ra kênh rạch, không xử lý nguồn nước ô nhiễm.

Đồng bộ các giải pháp

Đồng bằng sông Cửu Long tuy có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước nhưng năng suất lại thấp nhất. Cụ thể, mỗi hécta mặt nước nuôi tôm nước lợ ở khu vực này chỉ đạt 7 tạ/ha, trong khi đó, các khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung năng suất đạt 2,9 tấn/ha/năm.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản đều cho rằng nguyên nhân chính là môi trường nước, hay nói cách khác là thủy lợi phục vụ cấp, thoát và xử lý nguồn nước chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo nghiên cứu của tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh, ngành nông nghiệp các địa phương cần xây dựng mô hình thủy lợi cấp, thoát nước riêng biệt trong điều kiện có thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu nuôi của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, người dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khu nuôi và quy hoạch mỗi khu nuôi giới hạn khoảng 50ha, như vậy mới có giải pháp kỹ thuật hợp lý.

Tiến sỹ Quỳnh cho rằng trước mắt nhà nước phải khuyến khích việc dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất có sự quản lý, đầu tư của một chủ thể (có thể giao cho doanh nghiệp hay hình thành các hợp tác xã). Nếu giao doanh nghiệp phải đảm bảo việc làm và thu nhập cho người nông dân mất đất. Trường hợp thành lập hợp tác xã, nhà nước tạo cơ chế cho hợp tác xã phát triển, khắc phục sự trì trệ, thiếu vốn như hiện nay.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nêu quan điểm các cán bộ kỹ thuật, nông nghiệp phải theo dõi thường xuyên sự khuyến cáo về môi trường nước, khuyến nông trực tiếp cho nông dân. Việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn cho tôm xuất khẩu, tạo nguồn tôm giống phát triển trong điều kiện độ mặn thấp phải được tiến hành.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) cho biết tỉnh đang triển khai thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ theo mô hình khép kín. Cái khó của địa phương là hạ tầng thủy lợi còn nhiều bất cập.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc đào tạo cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng được thực hiện, tăng cường năng lực cán bộ kiểm dịch, vấn đề an toàn thực phẩm tôm nuôi.

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất, khuyến khích phát triển nhanh về số lượng kinh tế trang trại, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch trong ngành nông nghiệp và các ngành khác. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý tôm chân trắng.

Ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường hợp tác quốc tế, xã hội hóa vốn đầu tư bằng việc huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép với các chương trình mục tiêu, dự án...

Thông tin từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi khép kín tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị nông sản và làm hàng xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Trồng đu đủ ruột vàng Trồng đu đủ ruột vàng

Giống đu đủ ruột vàng F1 Sinta và Carinosa do Cty TNHH East-West seed (Hai mũi tên đỏ) cung cấp với đặc điểm ăn ngon, thịt chắc, đang được thị trường ưa chuộng và bán được giá cao.

27/10/2015
Liên kết sản xuất lúa ST20 Liên kết sản xuất lúa ST20

ST20 mang nhiều đặc điểm nổi trội của các giống tham gia tổ hợp lai như có mùi thơm; hạt gạo trong, cơm dẻo, vị ngọt; hàm lượng đạm cao ( ≥ 10%) lớn hơn gấp rưỡi gạo thường.

27/10/2015
Bình Định đặt mục tiêu mới Bình Định đặt mục tiêu mới

Thực hiện xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015, Bình Định đã gắn kết chặt chẽ với việc đổi mới trong SXNN.

27/10/2015
Vân Sơn giỏi giảm nghèo Vân Sơn giỏi giảm nghèo

Giảm nghèo nhanh là một trong những kết quả đáng ghi nhận mà xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đạt được trong giai đoạn 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

27/10/2015
41 xã sắp cán đích 41 xã sắp cán đích

Đến nay, bình quân các xã trên địa bàn TP. Hải Phòng đạt 14 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó 41 xã (chiếm 30% tổng số xã) cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia.

27/10/2015