Mở Trại Nuôi Chim Trĩ
Tốt nghiệp đại học ngành Việt Nam học nhưng anh Trần Minh Thiệp ở thôn Cẩm Lãnh (Tiên Cẩm - Tiên Phước - Quảng Nam) lại đam mê nuôi chim trĩ. Đây là trại nuôi chim trĩ đầu tiên ở Quảng Nam và đang gặt hái được nhiều thành công.
Cuộc sống của người dân Cẩm Lãnh trong những năm gần đây có phần khởi sắc hơn là nhờ vào cây keo. Thiệp cũng trồng được hơn 20.000 cây keo 2 năm tuổi, ước tính trong vòng 4 - 5 năm nữa, anh có thể thu nhập vài trăm triệu đồng từ cây keo. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, với niềm đam mê động vật hoang dã từ nhỏ, cộng với việc nghiên cứu tìm tòi qua sách báo, anh đã quyết định đầu tư nuôi chim trĩ. Để có tiền mua con giống, anh không ngần ngại bán chiếc xe máy được 30 triệu đồng, sau đó vay mượn thêm của người thân mua 50 con giống gần 1 tháng tuổi.
Sau gần 8 tháng kiên trì chăm sóc, theo dõi đến nay 30 con chim trĩ mái của anh bắt đầu sinh sản và cho thu nhập. Anh tiếp tục đầu tư 6 triệu đồng để mua máy ấp trứng nhằm nhân rộng số lượng chim trĩ, cung cấp nhu cầu con giống và thịt cho thị trường. Trung bình 1 con chim trĩ mái có thể đẻ từ 80 - 120 trứng/năm, tỷ lệ nở và sống khỏe mạnh đạt khoảng 100 con. Hiện nay, mỗi con chim 10 ngày tuổi anh bán ra thị trường với giá 90 nghìn đồng. Thị trường cung cấp con giống của anh chủ yếu ở các huyện trong tỉnh và TP.Đà Nẵng.
Thiệp cho biết anh bắt đầu nuôi chim trĩ từ tháng 6/2012, đến nay đã gần hoàn lại vốn. Chim trĩ dễ nuôi, không khác nuôi gà là mấy nhưng con giống này có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh và ăn ít. Trung bình một ngày 39 con cả trống lẫn mái chỉ ăn hết gần 2kg lúa, ngoài ra anh còn cho ăn thêm rau xanh hoặc chuối cây băm nhỏ. Hiện trại nuôi chim của anh chỉ đủ cung cấp con giống cho thị trường, còn thịt thương phẩm thì chưa có. Trong khi đó, giá thịt thương phẩm hiện nay trên thị trường từ 300 - 400 nghìn đồng/kg, vì thế anh dự định sẽ nhân rộng mô hình bằng cách giữ lại 1.000 con giống để nuôi lấy thịt nhằm đáp ứng những đơn đặt hàng từ trước. Chim trĩ chỉ cần nuôi từ 3 - 4 tháng là có thể cho trọng lượng từ 1,5 - 2kg thịt.
Thấy anh Thiệp nuôi chim trĩ thành công, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã tìm tới muốn được học hỏi kinh nghiệm. Anh sẵn lòng chia sẻ, tư vấn kỹ thuật mà mình đã tìm tòi trong sách vở và tích lũy kinh nghiêm từ thực tế, đồng thời còn hỗ trợ về nguồn giống cho thanh niên bằng việc chỉ lấy 70% tiền mua giống, phần còn lại thu sau khi con giống đã phát triển. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Thiệp còn là một đoàn viên năng nổ trong các phong trào hoạt động của thanh niên địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thắm - Bí thư Đoàn xã Tiên Cẩm nhận xét: “Thiệp là một đoàn viên rất nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn, mô hình trại nuôi chim trĩ của Thiệp là một mô hình mới lạ tại địa phương và có hiệu quả cao. Sắp tới chúng tôi có kế hoạch tổ chức cho thanh niên trong xã tới tham quan, đồng thời mở lớp tập huấn mời Thiệp tư vấn kỹ thuật cho anh em”.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 28/10, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và xây dựng giải pháp nhân rộng mô hình gấc lai đen.
Nhằm giúp người trồng rau màu có thu nhập ổn định và từng bước sản xuất theo yêu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp Đồng Tháp triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại nhiều huyện, thị.
Với những thành công đã đạt được, năm 2016, nông dân các huyện: Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên (An Giang) sẽ ký kết với Công ty TNHH Angimex Kitoku trồng 3.200 héc-ta lúa Nhật (các giống lúa: Hana, Akita, Kinu, DS1).
Trồng rau màu vốn chỉ được coi là một nghề phụ để người dân kiếm thêm thu nhập. Nhưng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì ông Vũ Văn Sáu, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội lại biến trồng rau thành cơ hội phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình mình.
Những năm gần đây, bà con nông dân thị trấn Lộc Thắng nói riêng và các xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) nói chung đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.