Hạt Giống Đồng Tiền Vàng
Trên vùng đất nông nghiệp khá xa xôi, hẻo lánh ở thôn Đông Hòa, xã Tân Hà, Hàm Tân bây giờ đã hình thành cơ sở nhân hạt giống các loại cây trồng nông nghiệp nổi tiếng trong nước mang tên Đồng Tiền Vàng. Chính người con của vùng đất khô cằn này sau khi tốt nghiệp đại học cùng người bạn thân của mình đã quay về gầy dựng nên thương hiệu cho quê nhà…
Chàng thanh niên lớn lên trên vùng đất Tân Hà là Thái Tăng Quý hiểu rõ nơi mình sinh sống còn gặp rất nhiều khó khăn; anh thi vào ngành nông học Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM để có điều kiện giúp ích cho quê nhà.
Tốt nghiệp đại học không lâu, anh cùng người bạn thân của mình Vũ Quốc Trưởng (học khoa Bảo vệ thực vật Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội), thành lập Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát (trụ sở chính số 53/7, KP 3, QL 22, thị trấn Hóc Môn, TP.HCM) vào năm 2008 chuyên về nghiên cứu, nhân, ươm, chăm sóc giống cây nông lâm nghiệp cho các tỉnh, thành cả nước.
Với mục tiêu trọng điểm nghiên cứu cần mở rộng cơ sở vệ tinh, lai tạo giống phát triển, chỉ một năm sau, công ty do Quý làm chủ đã quyết định đầu tư về thôn Đông Hòa, Tân Hà, Hàm Tân nguồn vốn 20 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm nhân giống Thịnh Phát trực thuộc đơn vị chủ quản. Vốn là người con của vùng đất nghèo này, Quý tiên phong rủ thêm Trưởng về quê gầy dựng cơ sở…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng thăm cơ sở và động viên công ty mở rộng đầu tư..
Những đồng đất bạc màu, khô cằn, thiếu nước hàng chục năm qua được sang nhượng từ nhiều người dân trong vùng như thử thách hai người bạn trẻ. Trước tiên họ thuê thợ khoan ba giếng lấy nước sinh hoạt, phục vụ ươm cây giống sau này. “Dòng nước đầu tiên dưới mặt đất sâu khô cằn tuôn lên quả thật là niềm vui sướng nhất trong đời với chúng tôi khi ấy, bởi đây là yếu tố quan trọng, cần thiết cho mọi loại cây trồng, nhân giống”, Quý và Trưởng vui mừng nhớ lại.
Thế là hai người bạn trẻ cho triển khai những công đoạn tiếp theo: xây dựng nhà làm việc tạm, nhà ăn, ở công nhân, tuyển những người nông dân trong vùng vào làm việc như cày xới đất, lên luống, lên giàn, ươm những hạt giống ban đầu nhập từ nước ngoài, ủ rơm chống nắng, phun nước tưới đều đặn mỗi ngày…
Hàng ngày, hai ông chủ trẻ trực tiếp ra vườn hướng dẫn công nhân thao tác đúng kỹ thuật, đảm bảo cho hạt giống nảy chồi xanh. Vậy là dưới bàn tay chuyên cần chăm sóc của người ươm mầm lấy hạt, những chồi xanh bầu, bí, cà, dưa, đậu… đầu tiên dần dần vươn lên, đón ánh nắng mặt trời. Hai người bạn vui mừng lắm. Mảnh đất Tân Hà cằn cỗi ngày nào như đang hồi sinh trở lại…
“Cùng với đó, trung tâm tiếp tục đầu tư cho công nhân áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt mang nhiều tiện ích như tiết kiệm nước, nước và phân cung cấp đều đến từng cây, chống đóng váng làm tăng năng suất cây trồng lên 20%. Mùa vụ thứ hai chúng tôi đã thành công cách làm này”, Quý cho hay.
Mô hình cũng đang được áp dụng trên diện tích 25 ha của đơn vị hiện nay. Hai ông chủ trẻ dẫn chúng tôi tham quan vườn cây giống rộng lớn, tận mắt chứng kiến những luống hàng thẳng tăm tắp, khá nhiều loại cây xanh mướt tỏa khắp liếp giàn.
Những trái bí đao to, dài như nổi bật trong đám lá xanh, nhiều trái lủng lẳng phía dưới. Phía ngoài, giàn mướp đắng cũng “đua nhau” ra trái, trĩu giàn. Từng luống cây đều có bảng ký hiệu riêng treo bên trên để cán bộ kỹ thuật, công nhân chăm sóc theo dõi chu kỳ phát triển từ khi ươm cây, ra hoa, kết trái…
Anh Trưởng đi cùng giải thích thêm, công nhân phụ trách vườn chỉ để lại những quả to, da xanh láng, hình thù đẹp để thu hoạch lấy hạt; những hạt giống được phơi nắng, qua khâu tuyển chọn lại kỹ càng, làm giống tốt. Ở đây trung tâm thực hiện cải tiến quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm, xuất tiêu thụ; cũng là đầu não chính của Công ty Tân Lộc Phát trong quá trình lai tạo giống mới…
Cùng với đó, trung tâm phối hợp huyện Hàm Tân mời nhiều hộ nông dân trong vùng tham quan mô hình vườn cây, truyền đạt kinh nghiệm gieo trồng giống mới, tưới nước, bón phân, chăm sóc cây, cải tạo vườn tạp thành vườn rau, tăng thu nhập hộ gia đình.
Không ít hộ áp dụng đúng quy trình đã cho những vườn rau xanh tốt, năng suất cao. Đối với Trung tâm Thịnh Phát là nơi thực nghiệm, sản xuất chính của Công ty Tân Lộc Phát, hàng năm đã sản xuất, chế biến gần 100 tấn hạt giống rau các loại, gồm các cây họ (bầu, bí, cà, đậu, mướp, dưa, hòa thảo…) với gần 60 mặt hàng mang thương hiệu Đồng Tiền Vàng có mặt khắp mọi miền đất nước và một số nước châu Á, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó những năm qua, hạt giống Đồng Tiền Vàng đã được nhiều người làm vườn ở khắp nơi biết đến…
Còn ở xã Tân Hà, hơn 100 bà con nông dân được trung tâm thu nhận vào làm công nhân, có thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người /tháng. Cùng với 30 bạn trẻ ở Bình Thuận có trình độ đại học, cao đẳng, hoặc được công ty đào tạo lại đang giữ các vị trí chủ chốt về điều hành, kỹ thuật có mức lương 5 triệu đồng/người/ tháng.
Trung tâm cũng đã thành lập chi đoàn trực thuộc Huyện đoàn Hàm Tân, tham gia tích cực các phong trào Đoàn ở địa phương. Mới đây, bạn Hoàng Thị Thùy được Tỉnh đoàn Bình Thuận tặng giấy khen “Tuổi trẻ hăng say sáng tạo”; đơn vị đang xúc tiến hình thành chi hội phụ nữ để chị em sinh hoạt…
Tôi được biết, công việc “khai phá, mở đường” của hai bạn trẻ ở Tân Hà đã có những thành công nhất định. Bây giờ Quý trở về Sài Gòn làm nhiệm vụ điều hành chung: Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát; cuối tuần anh thường ra Hàm Tân hỗ trợ kỹ thuật cho anh em. Còn Vũ Quốc Trưởng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm nhân giống Thịnh Phát, trực tiếp lo mọi công việc ở đây…
Lúc gặp ở trang trại, Quý tự tin nói với tôi: “Từ điểm nhấn Tân Hà, công ty chúng tôi có định hướng rõ ràng: Đến năm 2020, Tân Lộc Phát sẽ trở thành doanh nghiệp đứng hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất, khoa học ứng dụng, tạo ra nhiều giống rau ưu việt; chuyển giao tiến bộ nông nghiệp tới nông dân”.
“Chỉ có người Việt, đất Việt mới tạo ra các giống rau phù hợp với địa phương và quê hương mình, anh à!”, Quý đúc rút kinh nghiệm bảo. “Khi đã có các sản phẩm tốt, công ty tăng diện tích sản xuất hàng năm lên vài trăm ha, đưa được nhiều giống tốt ra thị trường.
Trước mắt, cơ sở ở Hàm Tân, công ty đang xúc tiến thuê thêm 30 ha đất, đầu tư làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động, áp dụng khoa học kỹ thuật cao sản xuất rau sạch, rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP cung cấp thị trường trong ngoài tỉnh; áp dụng hệ thống sơ chế đóng gói hiện đại; ứng dụng kỹ thuật điện di kiểm tra chất lượng sản phẩm rút ngắn thời gian thanh toán cho nông dân vùng sản xuất. Công ty đang xúc tiến liên kết với các đối tác trong ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh cho hay.
Trong buổi gặp mặt lãnh đạo Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát tại Hàm Tân cuối tháng 8 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã biểu dương doanh nhân trẻ Thái Tăng Quý cùng đồng sự của mình đã chọn quê hương Hàm Tân đầu tư, sản xuất hạt giống bằng kỹ thuật tiên tiến, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Ông đề nghị đơn vị tiên phong đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế nguồn đất đai dồi dào ở Hàm Tân, thu hút lao động. Đây cũng là ngành Bình Thuận đang ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành liên quan cùng địa phương tạo điều kiện cho công ty thuê đất, mở rộng sản xuất. Thái Tăng Quý chân thành cám ơn sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, anh cho biết công ty sẽ đầu tư nhiều hơn nữa trên vùng đất quê hương Hàm Tân, biến những vùng đất cằn cỗi sớm đơm hoa, kết trái…
Có thể bạn quan tâm
Tối 23.10, Festival Nông nghiệp 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chính thức khai mạc tại TP.Hồ Chí Minh.
Sau gần 1 năm, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trước thời cơ và thách thức mới của nền nông nghiệp, năm 2008, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) đã ra Nghị quyết 26 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Sau gần 5 năm xây dựng Chương trình nông thôn mới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ mới có 8/43 xã hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ở đây làm chậm nhưng chắc.
Hơn 10 năm trước cánh đồng thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hoang hóa bạc màu. Từ năm 2010, ND thôn Tuấn Tú đã mạnh dạn trồng cây măng tây. Nhờ vậy, thu nhập của bà con tăng lên đáng kể.
Đó là tuyến đường bê tông nội thôn chỉ mất 12 ngày cho việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thôn Ngầu 1 xã Võ Lao (Văn Bàn, Lào Cai). Đây là một dấu ấn mới, một thành tích đáng tự hào trong việc huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới của thôn Ngầu 1.