Mở Hướng Đi Mới Cho Cây Tỏi Lý Sơn
Nghiên cứu thành công quy trình lên men tỏi tươi thành tỏi đen từ tỏi Lý Sơn của Học viện Quân y hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho cây tỏi nổi tiếng ở vùng đảo này.
Các nhà khoa học của Học viện Quân y đã ứng dụng thành công quy trình lên men của tỏi tươi thành tỏi đen, cũng như thành phần hóa học và tác dụng sinh học của tỏi đen.
Tiến sỹ Vũ Bình Dương, Chủ nhiệm đề tài ''Nghiên cứu lên men tạo tỏi đen từ tỏi Lý Sơn và đánh giá tác dụng sinh học của sản phẩm tạo ra'' cho biết ở Việt Nam, có nhiều loài tỏi quý. Trong đó, tỏi Lý Sơn có những giá trị đặc biệt so với các loại tỏi khác. Tuy nhiên, tỏi Lý Sơn mới chỉ được sử dụng ở dạng tươi.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu lên men tạo tỏi đen từ tỏi Lý Sơn.
Sau khi tỏi tươi được lên men trong quy trình từ 40-60 ngày, những tép tỏi tươi màu trắng sẽ chuyển thành màu đen, có vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi tươi.
Ngoài ra, các nhóm hợp chất có trong tỏi tăng đáng kể sau khi lên men. Trong đó hàm lượng đường tăng khoảng 13 lần, fructose tăng 52 lần, đặc biệt là SAC (sallyllcystein) - chất đã được chứng minh có tác dụng mạnh của tỏi đen - tăng 6 lần so với tỏi tươi.
Nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất hình thành dự án sản xuất thử nghiệm, bào chế và sản xuất các sản phẩm từ tỏi đen dưới dạng viên nang mềm, nước uống… để bán với giá thành từ 250-300.000 đồng/150g, rẻ hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu tỏi đen từ Nhật Bản.
Nếu hiệu ứng tốt, sẽ nâng quy mô sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tổ chức ngay tại vùng trồng tỏi Lý Sơn. Thành công này không những góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà còn giúp tăng thu nhập cho người trồng tỏi ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển thương mại mới cho cây tỏi trong tương lai gần.
Từ năm 2005, Nhật Bản đã phát minh ra công nghệ lên men tỏi tươi thành tỏi đen có tác dụng như vị thuốc đặc trị chống oxy hóa, chống lão hóa, phòng chống bệnh ung thư, các bệnh nan y…
Các nghiên cứu về tác dụng sinh học của tỏi đen cũng cho thấy, hợp chất sulfur hữu cơ, dẫn chất của tetrahydro-carboline được hình thành từ quá trình lên men có hoạt tính mạnh dạng gốc tự do và ức chế quá trình peroxy hóa lipid cao hơn tỏi thường.
Dịch chiết tỏi đen có hiệu lực mạnh kháng lại các tế bào khối u do vậy có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị ung thư. Nghiên cứu cũng chỉ ra, tỏi đen giàu SAC, làm giảm sự phát sinh của khối u ruột kết và các tụ điểm ẩn khác thường, những dấu hiệu lâm sàng sớm nhất của ung thư ruột kết. Ngoài ra, tỏi đen còn có tác dụng điều hòa đường huyết.
Hiện nay trên thế giới, tỏi đen đã được sử dụng khá phổ biến không chỉ làm thức ăn mà còn làm thuốc chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 80 tấn hóa chất sát trùng Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ 2 tỉnh: Bến Tre và Trà Vinh phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong nhiều năm qua, Australia luôn nằm trong nhóm 10 thị trường NK tôm hàng đầu của Việt Nam.
Từng thua lỗ và tay trắng trên thương trường, anh Giáp tái khởi nghiệp với 40 triệu đồng vay mượn và khu vườn 200m2 để nuôi chim trĩ đỏ.
Tình cờ xem mô hình trồng nấm bào ngư trên tivi, Nguyễn Sĩ Luận (sinh năm 1982) mày mò tìm hiểu, vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện Châu Thành (An Giang) để mua phôi và thành công ngay sau 3 tháng thử nghiệm.
Nghề nuôi tôm hùm lồng tại các tỉnh Nam Trung bộ đã có hơn 20 năm nay, mang lại giá trị gần 4.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nghề này đang gặp khó khăn.