Chế thuốc diệt sâu khoang bằng đường, rượu, giấm
Sau khi triển khai thành công tại 10 điểm năm 2014, năm 2015 Chi cục BVTV Hà Nội tiếp tục triển khai sử dụng bẫy bả chua ngọt để phòng trừ sâu khoang tại 15 điểm nhằm khuyến khích, động viên nông dân áp dụng biện pháp sinh học an toàn trong canh tác rau.
Sâu khoang là loài sâu đa thực có thể phá hại đến 290 loại cây trồng thuộc 99 họ thực vật bao gồm các loại rau đậu, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây lương thực, cây phân xanh...
Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm, chiều mát và phá hại suốt đêm, ban ngày khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá và dưới đất để ẩn nấp.
Sâu khoang gây hại nặng nhất rau ngót, rau muống, rau họ hoa thập tự (cải bắp, su hào, súp lơ, cải các loại), đậu rau (đậu đũa, đậu trạch, cô ve), song việc sử dụng thuốc BVTV luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Ngài (trưởng thành) hoạt động mạnh vào ban đêm, có xu tính với mùi chua ngọt, lợi dụng đặc tính này để diệt trưởng thành bằng bẫy bả chua ngọt. Việc sử dụng bẫy có ưu điểm chỉ pha thuốc vào bả để dẫn dụ trưởng thành bay đến ăn rồi ngộ độc thuốc mà chết, không phải phun xịt thuốc trực tiếp trên ruộng rau.
Vì vậy, cây rau sẽ không bị ảnh hưởng, nhiễm thuốc BVTV. Cách làm này rất phù hợp với chủ trương SX rau an toàn.
Anh Nguyễn Minh Công, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục BVTV Hà Nội) cho biết, cách thức làm bả chua ngọt khá đơn giản, trước khi tiến hành đặt bả từ 3 - 4 ngày thì tiến hành làm bả theo tỷ lệ các thành phần như sau: Trộn 4 phần mật (đường), 4 phần dấm, 1 phần rượu và 1 phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều.
Cho vào can nhựa, xô nhựa… đậy kín, chờ 3 - 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu, với liều lượng cứ 1 lít bả dung dịch chua ngọt cho 1 gói thuốc trừ sâu Regent 800WG (gói 1 gram), khuấy đều hỗn hợp là đem ra sử dụng được. Lượng sử dụng cho mỗi hộp bẫy từ 0,1 - 0,15 lít bả chua ngọt.
“Cách thức đặt bẫy là treo bẫy vào thanh ngang, sao cho bẫy ngang với tầm cao nhất của cây (chú ý không để hộp bẫy bị nghiêng). Số lượng bẫy được treo từ 3 - 5 bẫy/sào Bắc bộ; bẫy được đặt ở các vị trí để mùi chua ngọt được lan tỏa rộng nhằm thu hút trưởng thành sâu khoang. Nên tiến hành đặt bẫy khi điều tra phát hiện thấy trưởng thành sâu khoang bắt đầu phát sinh hoặc thấy đẻ trứng và duy trì liên tục trên đồng”, anh Công nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Danh Tâm, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) chia sẻ, vào các tháng 2, 3 khi thời tiết ẩm ướt, sâu khoang, sâu ăn lá hại rau rất nhiều. Phun thuốc trừ sâu gần ngày thu hoạch không đảm bảo quy trình SX rau an toàn, sử dụng các biện pháp thủ công, bẫy bả sinh học khác thì không có hiệu quả.
"Hiện chúng tôi sử dụng bẫy bả chua ngọt dưới sự hướng dẫn của Chi cục BVTV cho hiệu quả bất ngờ. Ngày mới bắt đầu bẫy bả, số lượng bướm sâu khoang vào nhiều vô kể khiến bà con rất yên tâm, sâu hết sạch mà vẫn đảm bảo được rau sạch", ông Tâm khẳng định.
Là hộ áp dụng bẫy bả chua ngọt, anh Cao Đắc Dậu ở thôn Tiền Lệ tâm sự: “Chỉ với 4 kg đường + 4 lít giấm + 1 lít rượu + 1 lít nước ủ trong 4 ngày lại cho hiệu quả tuyệt vời. Cứ cho hỗn hợp này vào cái lọ treo trên luống rau là ngày nào cũng nhìn bướm sâu khoang chui vào chết mà thấy phấn khởi. Sử dụng bẫy bả chua ngọt vừa an toàn cho rau, vừa đỡ vất vả cho bà con. Vì thế chúng tôi sẽ nhân rộng cách làm này để không phải lo lắng sâu bệnh hại rau nữa”.
Theo kinh nghiệm của Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hoài Đức, Đặng Thị Thu Thủy, một điểm cần lưu ý khi sử dụng bẫy bả chua ngọt là phải thường xuyên tiến hành kiểm tra bẫy trên ruộng, tốt nhất là kiểm tra định kỳ 2 ngày/lần, nếu có nhiều trưởng thành sâu khoang trong hộp bẫy phải vớt ra ngoài để tiếp tục thu hút.
Bả chua ngọt phải được duy trì liên tục trong hộp bẫy, thời gian thay bả là 7 ngày/lần. Cách thức chuẩn bị bả chua ngọt như đã hướng dẫn ở trên. Tiến hành làm vệ sinh bẫy khi bị bẩn do đất hoặc do xác chết của trưởng thành sâu khoang gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Cây dây leo rừng Amazon được sử dụng làm gốc ghép có tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ, được nhập từ Campuchia, Thái Lan về để ghép, chúng có hình thái khá giống cây trầu nên thường được bà con gọi nôm na là cây trầu Nam Mỹ.
Lượng gạo thơm này được tạo ra chủ yếu từ các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mà nông dân thường gọi là cánh đồng liên kết. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là nền tảng tạo ra cơ sở vũng chắc cho một hướng đi mới để tạo lập thương hiệu gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo, giúp nhà nông có thể yên tâm trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 ngành nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng GDP của tỉnh 1,1%. Trong đó đóng góp lớn nhất là cây lúa.
Trong đó trồng nấm bào ngư, nấm mèo là một trong những mô hình đem lại hiệu qủa kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, địa phương đang nhân rộng mô hình này, bước đầu đã đem lại tín hiệu khả quan cho nghề trồng nấm ở một số xã trên địa bàn huyện.
Ngày 5-8, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.