Mô Hình VACR Cho Thu Nhập Gần 100 Triệu Đồng / Năm
Với sự siêng năng, cần cù, chịu khó, mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng (VACR) của ông Trần Văn Khải ngụ ấp Ông Gồng, xã Tân Đông (Tiền Giang) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Ông cũng là một trong hơn 7000 nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp năm 2010, vừa được báo cáo điển hình về mô hình trồng sơ ri đạt hiệu quả tại hội nghị điển hình Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của huyện Gò Công Đông mới đây.
Nói về kinh nghiệm trồng, ông Khải cho biết: sơ ri là loại cây có khả năng cho trái quanh năm nếu có nước tưới và được chăm sóc tốt, khoảng cách trồng mỗi gốc 5 m x 5 m, thường xuyên tỉa nhánh cho vườn thông thoáng để hạn chế sâu bệnh, mỗi năm bón 2 đợt phân chuồng, phân hữu cơ, mỗi đợt từ 20 - 30 kg/gốc, tới mùa nắng ủ rơm dày dưới gốc để giữ nước, sau mỗi đợt hái trái thì bón khoảng 0,5 kg NPK 16-16-8 cho một gốc. Về phòng trừ sâu bệnh, ông làm đúng hướng dẫn theo khuyến cáo của Công ty Thịnh Phát để đạt chất lượng xuất khẩu.
Trung bình mỗi năm sơ ri thu hoạch 8 đợt, nhờ làm tốt trong khâu chăm sóc, 5 công sơ ri hàng năm thu hơn 20 tấn trái, tính bình quân 3.500 đồng/kg, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm, trừ chi phí thuê mướn nhân công và phân thuốc, hàng năm còn lãi khoảng 40 triệu đồng, hiệu quả từ trồng sơri cao gấp 3 lần trồng lúa. Khoảng tháng nay, sơ ri có giá, đầu đợt ông bán 3.500 đồng/kg, mấy ngày gần đây giá lên từ 3.800 đến 4.500 đồng.
Theo ông, nghề trồng sơri tuy lãi cao hơn trồng lúa nhưng cũng bấp bênh, vì chỉ phụ thuộc vào Công ty Thịnh Phát (nơi thu mua), có khi Công ty ngưng mua hoặc thu mua giá thấp thì người trồng cũng điêu đứng. Ông cho biết: hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng sơri, nhưng chưa năm nào như năm vừa rồi, giá mua của Công ty quá thấp, không đủ tiền trả công hái, có đâu lời, vì thế một số nhà vườn ở Tân Đông, Bình Ân, Bình Nghị đã đốn bỏ sơ ri, riêng gia đình ông đã đốn bỏ 3 công để chuyển sang trồng màu kiếm thêm thu nhập, ông trồng các loại rau màu như: cải, đậu bắp, cần, quế, tính ra lãi khoảng 25 triệu đồng. Trên 3 công đất này, ông gầy lại giống sơri mới (giống Braxin) với đặc điểm độ chua và nước cao, đến nay bắt đầu cho trái. Ngoài ra, ông còn canh tác thêm 3 công đất lúa, hằng năm ngoài lúa ăn, chăn nuôi gà vịt cải thiện bữa ăn trong gia đình, còn lãi hơn chục triệu; tận dụng đất xung quanh nhà ông trồng cỏ nuôi thêm dê. Tuy diện tích sản xuất gia đình không lớn, nhưng nhờ cần cù chịu khó, gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Trong quá trình sản xuất, ông luôn coi trọng việc nắm bắt khoa học - kỹ thuật, vì đây là yếu tố quyết định việc nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất phù hợp với sự phát triển của thị trường hiện nay; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như: trồng cây theo đúng mật độ, bón phân không thừa, không thiếu, tỉa cành để cây có ánh nắng, quản lý sâu bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... sẽ là điều kiện để cho mô hình đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, ông trăn trở: sơri là loại giống đặc sản vùng Gò Công, những năm gần đây được Nhà nước quan tâm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhưng đến nay, trái sơri vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện về chất lượng và số lượng như: chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; độ đồng đều, kích cỡ trái chưa đạt; kỹ thuật đóng gói bao bì còn thô sơ, không bảo quản lâu và vận chuyển xa được... Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển vùng chuyên canh sơ ri, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để nông dân phát triển kinh tế vườn, nạo vét hệ thống kênh mương phục nước tưới để sơ ri cho trái quanh năm; tạo điều kiện cho các HTX tiêu thụ hoạt động mạnh...
Là một hội viên nông dân, ông còn được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp, trong 3 nhiệm kỳ của mình, ông tích cực vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thực hiện quy chế dân chủ nơi cư trú, nhiều năm liền ấp vẫn giữ vững danh hiệu ấp văn hóa. Được biết, 4 người con trai của ông đều đã có gia đình riêng và có việc làm ổn định tại TP.HCM.
Hơn 10 năm qua, ông Trần Văn Khải đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen trong phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của các cấp.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mùa năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp 20 ha giống lúa lai Syn 6 tại xã Nham Sơn.
Câu hỏi niên vụ mía đường năm nay đắng hay ngọt vẫn còn là ẩn số. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết: Quyết tâm của Hiệp hội cũng như đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là làm sao không để nông dân bị thiệt đơn, thiệt kép trong sản xuất mía.
Từ cây bưởi tổ, nhiều năm nay, giống bưởi Quế Dương đã ăn sâu bén rễ ở vùng đất xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) với diện tích ngày một tăng, trở thành cây ăn quả có thế mạnh.
Theo các cơ quan chuyên môn, sau nhiều năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, hiện nay, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.676 ha, tăng 2,97% so với cùng kỳ.
Khi mới lập gia đình, anh được bên vợ cho 2.400 m2 đất sản xuất. Lúc đầu trồng lúa nhưng do thu nhập thấp nên anh chuyển sang trồng cây màu. Nhờ “có tay” trồng màu, nên anh mạnh dạn thuê 1,5 ha đất, mỗi năm trồng 4 vụ màu, chủ yếu là dưa leo và khổ qua. Nhờ được chăm sóc tốt nên các vụ rau màu đều cho năng suất cao và bán có giá.