Năm 2011, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư đã xây dựng mô hình ương cua khay thí điểm ở xã Hương Phong (Hương Trà) và Quảng Phước (Quảng Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình mới
Sau nhiều năm liên tiếp nuôi tôm thất bại, người dân ở ven biển và đầm phá chuyển sang hình thức nuôi xen ghép tôm, cá và cua. Trong khi đó, cua giống người nuôi phải thu gom tự nhiên và mua từ các tỉnh phía Nam, không đảm bảo về số lượng và chất lượng. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình ương cua khay nhằm giúp người dân chủ động và có nguồn giống đảm bảo chất lượng để thả nuôi. Từ nguồn kinh phí của địa phương, năm 2011, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư xây dựng mô hình ương cua khay thí điểm ở 2 hộ gia đình La Tiềm (Hương Phong) và Nguyễn Thừa (Quảng Phước). Mô hình được thực hiện trên diện tích 200 m2/hộ, kinh phí hỗ trợ hơn 8 triệu đồng/hộ.
Anh La Tiềm, hộ thực hiện mô hình ương cua khay cho biết: “Trước đây, gia đình tui nuôi chuyên nuôi tôm sú nhưng tôm bị dịch bệnh chết triền miên, được ngành chức năng hướng dẫn, tui chuyển sang nuôi tôm sú xen ghép các đối tượng cá, cua. Nguồn cua giống phải dựa vào tự nhiên nên mỗi khi bước vào vụ nuôi gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, được Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cách chăm sóc; sau 45 ngày ương, cua đạt kích cỡ 40 - 50 con/kg, lợi nhuận gần 5 triệu đồng”.
Anh Châu Ngọc Phi, Trưởng phòng Thủy sản, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư cho biết: “Nhằm giúp bà con chủ động nguồn giống và có nguồn giống đảm bảo chất lượng để thả nuôi, năm 2011, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư xây dựng mô hình ương cua khay ở 2 hộ gia đình, thả nuôi 6.000 con cua sinh sản nhân tạo được mua từ Viện Nuôi trồng Thủy sản III Nha Trang, với mật độ 30 con/m2. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống đạt trên 60%, con giống khỏe, nhanh lớn, sạch bệnh, độ đồng đều cao, kích cỡ trên 1,2 - 1,5 cm, đảm bảo tiêu chuẩn thả nuôi”.
Chủ động nguồn giống
Thực hiện mô hình ương cua khay thí điểm bằng nguồn giống sinh sản nhân tạo, đã giúp bà con ở vùng ven biển và đầm phá tiếp cận, làm quen với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới so với cách nuôi truyền thống từ nguồn cua giống tự nhiên. Qua mô hình này, bà con sẽ chủ động được nguồn giống, chuyển đổi đối tượng nuôi trồng nhằm giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Sau khi mô hình ương cua khay thành công, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 hộ ương với 1,2 triệu con cua giống. Được biết, hiện cua giống có giá từ 800 - 1.500 đồng/con (tùy theo thời gian ương và kích cỡ của cua).
Anh Châu Ngọc Phi, cho biết thêm: “Kỹ thuật ương cua khay đơn giản, quá trình cải tạo ao hồ cần tạo giá thể, giúp cho cua có nơi để trú ẩn. Cua dưới 15 ngày tuổi cho ăn cá tạp nấu chín, xay nhỏ; cua từ 15 ngày tuổi trở lên sử dụng các loại thức ăn tổng hợp; cho ăn nhiều bữa trong ngày. Trong quá trình ương, cua đạt kích cỡ 40 - 50 con/kg là đưa vào hồ để nuôi xen ghép với tôm sú và cá”. Theo kinh nghiệm của anh Tiềm, mô hình ương cua khay chi phí thấp, có nguồn giống đảm bảo chất lượng, chủ động cung ứng nhu cầu nuôi cua thương phẩm cho bà con ở địa phương. Hình thức nuôi tôm sú xen ghép cua và cá dễ nuôi, đầu ra ổn định; sau 2 tháng thả nuôi, bà con có thể thu tỉa cua và cá để bán dần, tránh tình trạng thu tập trung, bán mất giá.
Để nghề ương cua khay phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả; giúp người dân chủ động nguồn giống để thả nuôi, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư cần tiếp tục hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật cải tạo ao hồ, cách chăm sóc, cho ăn… và thường xuyên khuyến cáo cho bà con về mật độ thả nuôi.