Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản xuất mía nâng chữ đường, nâng thu nhập

Sản xuất mía nâng chữ đường, nâng thu nhập
Ngày đăng: 18/07/2015

Niên vụ mía 2015 - 2016, toàn tỉnh xuống giống gần 11.500ha, hiện mía trong giai đoạn từ 6 - 7 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, bước vào thời điểm đầu mùa mưa như hiện nay, nhiều bà con trồng mía lại cảm thấy lo lắng vì tình trạng mưa to kèm theo gió lớn làm cho mía bị đổ ngã nên CCS giảm đáng kể khi đến ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Xuân Đại, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Năm nay, thời tiết rất bất thường. Hầu hết, đám mưa nào cũng có gió lớn nên làm cho nhiều nơi mía bắt đầu xiêu vẹo, với tình hình này, tôi sợ đến ngày thu hoạch (gần 2 tháng nữa) sẽ không còn cây nào đứng thẳng”.

Theo nhiều nông dân trồng mía, khi mía bị đổ ngã thì rễ của mía bắt đầu mọc ra, chồi non sẽ mọc lên để bắt đầu một quá trình sinh sống mới, khi đó CCS trong mía giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, hiện các nhà máy đường đều mua mía dựa vào CCS, nếu CCS cao (từ 10 CCS trở lên) thì mua giá cao và cộng thêm tiền khi mỗi CCS tăng, còn ngược lại sẽ mua giá thấp. Chính vì vậy, nông dân rất sợ mía bị đổ ngã và kéo dài trước ngày đốn.

Mặc dù hiện có không ít bà con lo lắng mía đổ ngã, thế nhưng chuyện này đối với ông Nguyễn Văn Trí, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thì vô cùng an tâm. Bởi, gần 2ha mía của gia đình ông nhờ áp dụng phương pháp vô chân mía kỹ càng ngay từ đầu vụ. Ông Trí cho biết: “Trước đây, tâm trạng của tôi cũng giống như mọi người lúc này, tuy nhiên những năm gần đây, nhờ được Casuco tập huấn kỹ thuật, nhất là được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những vùng mía lân cận mà bản thân đúc kết được kinh nghiệm sản xuất mía hiệu quả như hiện nay”.

Theo đó, để mía không bị đổ ngã do mưa bão hay gió to, vào thời điểm đưa đất vào chân mía ở lần đầu tiên (khoảng 3 tháng sau trồng), ông Trí tiến hành vệ sinh sạch lá ủ, sau đó bơm sình thật nhiều và mướn người đạp đất thật dẽ vào gốc mía để bộ rễ mía phát triển, tạo cứng cây. Ngoài ra, ông Trí còn thường xuyên đánh lá mía nhằm tạo sự thông thoáng cho gió lùa qua. Ông Trí cho biết thêm: “Mỗi khi cây mía có từ 4 - 5 lá ủ là tôi tiến hành đánh lá một lần, việc làm này tuy có tốn công nhưng bù lại cho hiệu quả rất nhiều, nhất là chữ đường luôn đạt cao do mía không bị sâu bệnh, đổ ngã hay bị lẫn tạp chất khi thu hoạch”.

Bên cạnh tìm giải pháp để mía hạn chế bị đổ ngã làm mất CCS, hiện bà con còn áp dụng việc bón phân đúng cách và thu hoạch mía đúng thời gian nhằm nâng cao chữ đường cho cây mía. Bởi theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người trồng mía nên ngưng bón phân từ 5 - 6 tháng trước khi thu hoạch để có CCS đạt ở mức cao. Tuy nhiên, trước đây vẫn có nhiều hộ, mía còn khoảng 2 tháng thu hoạch vẫn đem phân ra rải, nhất là urê. Việc làm này, sẽ làm giảm chữ đường đáng kể do mía chứa nhiều nước, trong khi nhà máy hay thương lái mua mía chỉ căn cứ trên chữ đường mà quyết định giá cả. Do đó, hiện bà con đã hạn chế vấn đề này, luôn áp dụng quy trình bón phân theo khuyến cáo của nhà máy đường, đặc biệt tăng cường bón kali vào giai đoạn cuối.

Ông Nguyễn Văn Quốc, ở cùng ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, chia sẻ: “Hiện nay, đa phần người dân nơi đây không còn sử dụng phân tự pha trộn như trước mà sử dụng phân chuyên dùng (pha sẵn) do Casuco giới thiệu. Tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía mà có loại phân chuyên dùng khác nhau nên rất thuận tiện. Và cũng từ khi dùng loại phân chuyên dùng mà CCS có trong cây mía của bà con nơi đây luôn đạt trên 10 CCS, năng suất mía hơn 150 tấn/ha, cho nguồn thu nhập tương đối”.

Xác định nâng 1 CCS là góp phần nâng thu nhập cho người trồng mía, thời gian qua khi chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, Casuco đều tổ chức khoảng 40 buổi trình diễn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu một số giống mía mới triển vọng, những cải tiến trong sản xuất, nhất là mô hình “2 giảm 5 phải” do Casuco khởi xướng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cho cây mía. Anh Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: “2 giảm là: giảm lượng giống, giảm thất thoát sau thu hoạch; 5 phải là: phải bón phân kali, áp dụng cơ giới hóa, tưới đủ nước vào mùa nắng, đánh lá, thu hoạch đúng thời điểm và đúng cách. Với mô hình này, đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, từ đó tạo ra cây mía đảm bảo năng suất và chất lượng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp”.

Cũng theo anh Vũ, từ đầu vụ đến nay, Bộ phận khuyến nông của Casuco đã tổ chức được hơn 70% số buổi tư vấn cho nông dân theo kế hoạch, chủ yếu tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, bón phân và chăm sóc mía. Đặc biệt, từ nay đến cuối vụ, là thời điểm chuẩn bị và bước vào thu hoạch mía, do đó việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch mía như thế nào đạt năng suất và CCS được xem là nhiệm vụ trọng tâm của công ty.

Theo khuyến cáo của Casuco, người dân nên thu hoạch mía đúng độ tuổi của từng loại giống nhằm đảm bảo năng suất và CCS. Bởi qua thử nghiệm tại vùng mía Phụng Hiệp đối với giống ROC 16, nếu mía thu hoạch đủ tuổi sẽ đạt năng suất ít nhất 100 tấn/ha, với chữ đường 10 CCS, trong khi thu hoạch mía non từ 8 - 9 tháng thì năng suất chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha và chữ đường chỉ là 8 CCS. Như vậy, thu hoạch sớm thì nông dân sẽ mất đi một khoản thu nhập khá lớn, còn doanh nghiệp phải chạy lỗ do lượng đường thu được khá ít.


Có thể bạn quan tâm

Tất Bật Nước Mắm Nam Ô (Đà Nẵng) Tất Bật Nước Mắm Nam Ô (Đà Nẵng)

Những ngày này, bà con các hộ làm mắm truyền thống ở Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ Tết. Không khí rộn ràng tràn ngập khắp làng nghề nước mắm đã nức tiếng từ thuở nào.

07/02/2015
Năm 2015 Thị Trường Xuất Khẩu Cá Tra Việt Nam Sẽ Còn Nhiều Thách Thức Năm 2015 Thị Trường Xuất Khẩu Cá Tra Việt Nam Sẽ Còn Nhiều Thách Thức

Năm qua, sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy thị trường của các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu cá tra ngày càng tăng, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của các nước nhập khẩu ngày càng nhiều, các yêu cầu, điều kiện ngày càng khắc khe... nhưng DN xuất khẩu cá tra trong tỉnh Đồng Tháp đã năng động trong việc tìm kiếm thị trường mới.

07/02/2015
Xuất Khẩu Thủy Sản Sẽ Vượt Mốc 8 Tỷ USD Xuất Khẩu Thủy Sản Sẽ Vượt Mốc 8 Tỷ USD

Trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất (27%) và chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,4%) nhờ lượng sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu tăng, trong khi thị trường thế giới thiếu nguồn cung do dịch bệnh EMS.

07/02/2015
Tôm Cà Mau Giảm Giá Trị Do Xuất Khẩu Sản Phẩm Thô Tôm Cà Mau Giảm Giá Trị Do Xuất Khẩu Sản Phẩm Thô

Giá trị xuất khẩu con tôm Cà Mau luôn tăng qua các năm, đạt trên 1,2 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, phần lớn được xuất dưới dạng sản phẩm thô, mới qua sơ chế, làm giảm giá trị sản phẩm, chỉ có khoảng 40% sản phẩm có giá trị gia tăng được xuất khẩu.

07/02/2015
Lô Cá Ngừ Thứ Hai Xuất Sang Thị Trường Nhật Có Giá Bình Quân 190.000 Đồng/kg Lô Cá Ngừ Thứ Hai Xuất Sang Thị Trường Nhật Có Giá Bình Quân 190.000 Đồng/kg

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) cho biết: Lô hàng cá ngừ đại dương thứ hai của tỉnh ta xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được bán đấu giá tại Trung tâm Đấu giá thành phố Osaka (Nhật Bản) vào sáng 2.2, với giá bình quân 1.000 JPY/kg (khoảng 190.000 đồng/kg).

07/02/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.