Mô Hình Trồng Nấm Mang Lại Hiệu Quả Cao
Kinh tế chủ yếu của xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong những năm qua, tận dụng nguồn nguyên liệu rơm sẵn có tại địa phương, người dân An Ngãi Trung trồng nấm rơm và bước đầu đạt một số kết quả.
Để giúp người dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, cuối năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm cho 32 hội viên Hội LHPN xã, thời gian học là 3 tháng. Các học viên được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu tạo phôi, giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch.
Sau đó, Hội LHPN xã thành lập tổ liên kết sản xuất và đi vào hoạt động. Tổ phân chia làm 3 nhóm: nhóm chuyên tạo phôi, nhóm chuyên trồng nấm và nhóm thu mua sản phẩm.
Để tạo điều kiện trong hoạt động, các thành viên của tổ được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho vay 200 triệu đồng đầu tư trang bị lò sấy, nguyên liệu tạo phôi, giống và chi phí sản xuất. Phôi, giống sau khi tạo ra, ngoài cung cấp cho các thành viên trồng, còn bán cho nông dân các nơi trong và ngoài huyện.
Nấm thu hoạch được thành viên của Tổ thu gom để đem đi tiêu thụ. Được trang bị kiến thức và đầu tư kinh phí, đặc biệt là có sự liên kết với nhau trong sản xuất nên mô hình trồng nấm của tổ mang lại hiệu quả cao. Bình quân mỗi tháng, các thành viên tạo ra 10 ngàn bịch phôi, sau khi bán, trừ chi phí còn thu lợi 10 triệu đồng. Mỗi năm, nấm trồng được 3 đợt.
Mỗi đợt, hộ trồng nấm bào ngư từ 500 bịch đến 1,5 ngàn bịch phôi, giống, thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng; hộ trồng nấm linh chi từ 500 - 700 bịch, thu nhập 9 triệu đồng; hộ trồng nấm rơm từ 0,7 ha đến 1,5 ha thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Hiện tổ có 96 lao động tham gia, thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng/người. Nhờ có thu nhập, đời sống các thành viên được nâng lên. Trong năm qua, nhờ trồng nấm, 5 hộ nghèo cải thiện được cuộc sống.
Là thành viên của tổ trồng nấm bào ngư, chị Trần Thị Sành, ở ấp An Định 1 phấn khởi cho biết: “Được Hội LHPN và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng, tôi đầu tư trồng thử 500 bịch nấm bào ngư. Sau khi thu hoạch có hiệu quả, tôi đầu tư trồng tiếp 1,5 ngàn bịch. Sau 2 đợt thu hoạch, trừ chi phí, tôi còn lãi trên 10 triệu đồng”.
Anh Phan Văn Niền, ở ấp An Lợi, thành viên của tổ chuyên trồng nấm rơm không giấu được niềm vui, cho biết: “Trong năm qua, mỗi đợt tôi trồng 1,2 ngàn bịch meo, sau khi thu hoạch nấm bán, trừ chi phí, còn lãi trên 27 triệu đồng”. Có thu nhập, các thành viên tiết kiệm đóng góp quỹ tương trợ trên 44 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ cho các hộ gặp khó khăn và tích cực đóng góp thực hiện công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Bà Nguyễn Châu Sa - Chủ tịch Hội LHPN xã An Ngãi Trung cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục tranh thủ các lớp dạy nghề trồng nấm trong cụm để vận động hội viên, phụ nữ học nghề, tham gia mô hình nhằm tăng số hộ liên kết trồng nấm.
Hội cũng vận động các cấp, các ngành hỗ trợ vốn, dự án nhằm tạo ra nhiều sản phẩm kết nối doanh nghiệp tìm thị trường đầu ra ổn định cho mô hình; thường xuyên gắn kết với các ngành chức năng kịp thời phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật để mô hình mang tính khả thi, bền vững, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Đây là năm thứ 3 sản lượng cà phê của vùng Tây Nguyên liên tiếp giảm mạnh, cụ thể: Niên vụ 2012- 2013 giảm 10-15%; niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm 15% và niên vụ 2014- 2015 sẽ giảm nữa.
Trái xoài có hình thon dài vì một trong những giống xoài gốc để tạo ra nó là giống Irwin - loại xoài có trái dài màu đỏ. Giống xoài gốc còn lại thuộc giống xoài Kensington Pride, loại được giới trồng xoài ở Australia ưa chuộng vì quả to và hương vị đậm đà.
Từ đầu năm đến nay, các hộ nuôi được 3 lứa tằm , thu được trên 1,7 tấn kén, giá bán 120.000 nghìn đồng/kg, thu được trên 200 triệu đồng.
Giá nhím cảnh phụ thuộc vào màu lông. Nhím màu chocolate, muối tiêu, trắng có giá 250.000 - 500.000 đồng/con. Riêng nhím màu pintos (trắng đen hoặc trắng xám), giá lên đến 1 triệu đồng/con. Ngoài ra, những con màu cam hiếm có, khó tìm giá cao gấp 3 lần màu thường, giá lên đến 5 triệu đồng/cặp.
Theo báo cáo của Tổng công ty Tín nghĩa, doanh nghiệp này hiện đang đứng trong top 5 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với sản lượng 100 ngàn tấn/năm.