Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Nấm Mang Lại Hiệu Quả Cao

Mô Hình Trồng Nấm Mang Lại Hiệu Quả Cao
Publish date: Wednesday. September 24th, 2014

Kinh tế chủ yếu của xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong những năm qua, tận dụng nguồn nguyên liệu rơm sẵn có tại địa phương, người dân An Ngãi Trung trồng nấm rơm và bước đầu đạt một số kết quả.

Để giúp người dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, cuối năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm cho 32 hội viên Hội LHPN xã, thời gian học là 3 tháng. Các học viên được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu tạo phôi, giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch.

Sau đó, Hội LHPN xã thành lập tổ liên kết sản xuất và đi vào hoạt động. Tổ phân chia làm 3 nhóm: nhóm chuyên tạo phôi, nhóm chuyên trồng nấm và nhóm thu mua sản phẩm.

Để tạo điều kiện trong hoạt động, các thành viên của tổ được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho vay 200 triệu đồng đầu tư trang bị lò sấy, nguyên liệu tạo phôi, giống và chi phí sản xuất. Phôi, giống sau khi tạo ra, ngoài cung cấp cho các thành viên trồng, còn bán cho nông dân các nơi trong và ngoài huyện.

Nấm thu hoạch được thành viên của Tổ thu gom để đem đi tiêu thụ. Được trang bị kiến thức và đầu tư kinh phí, đặc biệt là có sự liên kết với nhau trong sản xuất nên mô hình trồng nấm của tổ mang lại hiệu quả cao. Bình quân mỗi tháng, các thành viên tạo ra 10 ngàn bịch phôi, sau khi bán, trừ chi phí còn thu lợi 10 triệu đồng. Mỗi năm, nấm trồng được 3 đợt.

Mỗi đợt, hộ trồng nấm bào ngư từ 500 bịch đến 1,5 ngàn bịch phôi, giống, thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng; hộ trồng nấm linh chi từ 500 - 700 bịch, thu nhập 9 triệu đồng; hộ trồng nấm rơm từ 0,7 ha đến 1,5 ha thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Hiện tổ có 96 lao động tham gia, thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng/người. Nhờ có thu nhập, đời sống các thành viên được nâng lên. Trong năm qua, nhờ trồng nấm, 5 hộ nghèo cải thiện được cuộc sống.

Là thành viên của tổ trồng nấm bào ngư, chị Trần Thị Sành, ở ấp An Định 1 phấn khởi cho biết: “Được Hội LHPN và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng, tôi đầu tư trồng thử 500 bịch nấm bào ngư. Sau khi thu hoạch có hiệu quả, tôi đầu tư trồng tiếp 1,5 ngàn bịch. Sau 2 đợt thu hoạch, trừ chi phí, tôi còn lãi trên 10 triệu đồng”.

Anh Phan Văn Niền, ở ấp An Lợi, thành viên của tổ chuyên trồng nấm rơm không giấu được niềm vui, cho biết: “Trong năm qua, mỗi đợt tôi trồng 1,2 ngàn bịch meo, sau khi thu hoạch nấm bán, trừ chi phí, còn lãi trên 27 triệu đồng”. Có thu nhập, các thành viên tiết kiệm đóng góp quỹ tương trợ trên 44 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ cho các hộ gặp khó khăn và tích cực đóng góp thực hiện công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Bà Nguyễn Châu Sa - Chủ tịch Hội LHPN xã An Ngãi Trung cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục tranh thủ các lớp dạy nghề trồng nấm trong cụm để vận động hội viên, phụ nữ học nghề, tham gia mô hình nhằm tăng số hộ liên kết trồng nấm.

Hội cũng vận động các cấp, các ngành hỗ trợ vốn, dự án nhằm tạo ra nhiều sản phẩm kết nối doanh nghiệp tìm thị trường đầu ra ổn định cho mô hình; thường xuyên gắn kết với các ngành chức năng kịp thời phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật để mô hình mang tính khả thi, bền vững, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.


Related news

Hiệu Quả Của Công Nghệ Phun Tưới Tự Động Hiệu Quả Của Công Nghệ Phun Tưới Tự Động

Tiết kiệm tối đa nhân công, thời gian tưới nước, chi phí mua nhiên liệu chạy máy bơm… do hệ thống phun tưới tự động mang lại, đã khiến một bộ phận nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở thành những chủ nhân của công nghệ tưới nước hiện đại này trên ruộng của mình.

Monday. December 30th, 2013
Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Theo Quy Trình VietGap Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Theo Quy Trình VietGap

Tại hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc” diễn ra hôm 4-12, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, nếu dự án này được triển khai rộng rãi thì người dân sẽ được lợi nhiều mặt.

Monday. December 9th, 2013
Thực Hiện Cánh Đồng Liên Kết Trên 50.000 Ha Thực Hiện Cánh Đồng Liên Kết Trên 50.000 Ha

Ngoài ra, để góp phần vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực nông nghiệp, các ngành hữu quan đã xây dựng nhiều mô hình quản lý rầy nâu bằng biện pháp sinh học kết hợp công nghệ sinh thái, mô hình sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ...

Monday. December 30th, 2013
Quảng Nam Thiếu Giống Trước Vụ Đông - Xuân Quảng Nam Thiếu Giống Trước Vụ Đông - Xuân

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2013-2014 bắt đầu triển khai xuống giống trà 1 vào ngày 25/12. Thế nhưng, nhiều nông dân huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam vẫn loay hoay với nỗi lo thiếu giống và tình hình vật tư nông nghiệp tăng cao.

Monday. December 30th, 2013
Mít Thái Bị Thiệt Hại Do Sâu Đục Trái Mít Thái Bị Thiệt Hại Do Sâu Đục Trái

Thời gian gần đây, cây mít Thái được trồng ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) bị bệnh sâu đục trái, gây thối nhũn làm giảm năng suất, chất lượng trái. Đồng thời giá mít rớt mạnh gây thiệt hại nặng về kinh tế cho nông dân.

Monday. December 9th, 2013