Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Buôn Choáh Mối Liên Kết 4 Nhà Vẫn Chưa Được Tạo Lập
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là hình thức sản xuất tập trung, đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông).
Thông qua mối liên kết đó, giúp cho nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo “đầu ra” ổn định và có nguồn lợi nhuận cao để luôn yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng ruộng; còn về phía nhà doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất…
Thế nhưng, sau 2 năm thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) thì thực tế mối liên kết giữa “4 nhà” vẫn chưa được tạo lập, nên chưa tạo được sức bật lớn trong quá trình sản xuất của nông dân.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, ngoài sự định hướng chung từ phía cơ quan nhà nước thì hầu hết nông dân tham gia mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Buôn Choáh vẫn “tự bơi” trong quá trình sản xuất. Cụ thể, về phía nhà khoa học, hiện nay chưa có một ai về địa phương để nghiên cứu, phát triển “cánh đồng mẫu lớn”.
Ngoài việc địa phương chưa có những chính sách ưu đãi để thu hút thì do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu thốn nhiều bề, không thể đáp ứng điều kiện nghiên cứu, làm việc của các nhà khoa học. Do vậy, thời gian qua, để “cánh đồng mẫu lớn” phát huy hiệu quả thì chỉ có ngành nông nghiệp huyện cùng nhân dân tích cực bám đồng ruộng, tự mày mò, nghiên cứu và giải quyết những vấn đề khó khăn trong quá trình sản xuất.
Về phía nhà doanh nghiệp, từ khi “cánh đồng mẫu lớn” ra đời thì cũng chưa có một đơn vị nào đặt vấn đề đầu tư cung ứng vật tư nông nghiệp cũng như bao tiêu các sản phẩm. Vì vậy, ngay từ bước khởi đầu, nông dân đã phải “tự cung, tự cấp” hạt giống, phân bón và loay hoay tìm kiếm “đầu ra”.
Qua thực tế cho thấy, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở Buôn Choáh không có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác về cơ sở vật chất, hạ tầng. Do đó, doanh nghiệp không mặn mà về địa bàn ký kết, đầu tư vào vì sợ không có được lợi nhuận cao hoặc có thể bị thua lỗ nặng nề.
Theo ý kiến của nhiều nông dân đang tham gia mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở Buôn Choáh thì ngay từ khi bắt đầu sản xuất, đa phần họ còn thiếu các thông tin về khoa học kỹ thuật. Thậm chí, nông dân còn “mù mờ” về việc bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP (sản xuất sạch) để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Còn đến khi thu hoạch thì “đầu ra” của sản phẩm cũng còn bấp bênh, thất thường, bị tư thương ép giá.
Về phía địa phương, do còn thiếu kinh phí nên cũng chưa xây dựng được bản đồ chi tiết để phát triển “cánh đồng mẫu lớn”. Vì vậy, hiện nay, công tác chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng, kênh mương thủy lợi… cũng chưa được thực hiện một cách bài bản.
Mọi hoạt động sản xuất của người dân chỉ dựa trên định hướng chung chứ chưa mang tính chất cụ thể theo đặc thù của địa phương. Hiện nay, niềm vui lớn nhất đối với nông dân khi tham gia thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là với sự định hướng của Nhà nước thì chi phí cho sản xuất đã giảm xuống, còn năng suất lúa luôn đạt mức cao, lên đến 9 tấn/ha.
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì do điều kiện cơ sở vật chất, trình độ canh tác của nông dân còn hạn chế… nên việc tạo dựng mối liên kết giữa “4 nhà” vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nan giải, chưa thể thực hiện được trong ngày một ngày hai.
Vì vậy, cùng với việc tìm nguồn lực để xây dựng hạ tầng, dồn điền đổi thửa thì việc tổ chức tập huấn cho nông dân những kiến thức về kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch, thương mại, thị trường cũng như tham quan, học hỏi việc thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở các địa phương khác là điều hết sức cần thiết. Đến khi đó mới mong các nhà doanh nghiệp quan tâm, ký hợp đồng, liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn với bao tiêu sản phẩm mang tính bền vững cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình anh Hồ Văn Tuệ ở ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là hộ nông dân điển hình trong phong trào nuôi cá lóc mang lại thu nhập cao.
Thông thường vào dịp đầu năm, các vùng chăn nuôi thủy sản trên địa bàn Hà Nội sẽ bước vào vụ sản xuất cá thương phẩm mới.Việc chuẩn bị đầy đủ các yếu tố kỹ thuật trước khi thả cá giống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo tỷ lệ cá sống cao, tăng trọng nhanh trong thời gian nuôi.
Cá bống dừa có hình dạng bên ngoài giống như cá bống tượng và cũng là một loài cá dữ. Cá bống dừa có màu đen đậm hay nhạt tùy vào môi trường nước đang sống. Cá bống dừa (CBD) là sản phẩm mà tự nhiên ban tặng cho vùng sông nước tiếp giáp với biển.
Tại hội nghị tổng kết 1 năm triển khai dự án Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản do Đan Mạch tài trợ được Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 3-4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia thủy sản đều khẳng định rằng nguồn lợi thủy sản trên biển đang bị cạn kiệt nhanh chóng và rõ rệt.
Trong những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Trị phát triển mạnh và đem lại nhiều thu nhập cho nông dân. Hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển và những nơi có điều kiện.