Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Tôm - Lúa Bền Vững

Mô Hình Tôm - Lúa Bền Vững
Ngày đăng: 24/09/2012

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK. 
Từ “con tôm ôm gốc lúa”…

Mô hình “con tôm ôm gốc lúa” được một số hộ nông dân ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu phát hiện khá tình cờ. Khi thu hoạch lúa họ thấy rất nhiều tôm, tép trong ruộng. Từ đó, nhiều người đã nảy sinh sáng kiến đưa nước mặn vào ruộng ở mức vừa phải để con tôm phát triển "song hành" cùng cây lúa. Hiệu quả kinh tế được nâng lên, mô hình nhanh chóng lan rộng ra toàn vùng. 
Ông Nguyễn Văn Bảy, huyện Năm Căn, Cà Mau, người đã có hàng chục năm SX theo mô hình “con tôm ôm gốc lúa” cho biết: “Do là vùng ven biển, đồng ruộng bị xâm nhập mặn nên trước đây mỗi năm nông dân chỉ làm được 1 vụ lúa mùa, năng suất rất thấp. Mang tiếng là nhà có vài chục công ruộng nhưng làm lúa cũng chỉ đủ ăn, không khá lên được. Nhờ có người “phát minh” ra mô hình "con tôm ôm gốc lúa” mà thu nhập của người dân đã được nâng lên đáng kể”. 
Theo ông Bảy, khi mới bắt đầu làm mô hình này ai cũng phấn khởi, vì làm là có ăn, không có tình trạng tôm bị dịch bệnh nhiều như bây giờ. Hồi đó, môi trường không bị ô nhiễm, mật độ thả tôm nuôi rất thưa nên hoàn toàn không phải cho ăn, xử lý thuốc gì cả nên vốn đầu tư rất thấp. Cuối vụ nhà nào cũng lãi vài chục triệu đồng. Nhà tôn, nhà tường lần lượt mọc lên thay cho những căn nhà bằng cây lá xiêu vẹo. 
Song “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Liên tục nhiều năm liền con tôm có giá, nông dân không còn chú trọng đến cây lúa mà thả nuôi nối vụ trong năm làm đất nhiễm mặn. Hấp lực từ con tôm đã khiến nông dân bất chấp tất cả. Họ thi nhau phá đê, đào mương “dẫn mặn nhập điền” để nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch SX. 
Tranh chấp lúa tôm xảy ra nhiều nơi và ngày càng gay gắt, nước mặn từ những vuông tôm ngấm qua làm nhiều ruộng lúa bị thiệt hại. Dịch bệnh trên tôm xảy ra ngày càng nhiều, không ít hộ bị kiệt quệ sau vài vụ nuôi tôm thất bại. Nhiều người đã bừng tỉnh sau những năm tháng “say” con tôm và quay lại trồng lúa... 
... Đến tôm - lúa

Không thể phủ nhận con tôm sú mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa. Tuy nhiên, yếu tố môi trường mới là điều rất quan trọng, quyết định sự thành bại và đặc biệt là tính bền vững của mô hình. Chính vì vậy, việc luôn canh trồng lúa trên nền đất nuôi tôm đã được các nhà khoa học khuyến cáo. 
Vì sau mỗi vụ tôm, các chất hữu cơ, bùn lắng đọng lại rất nhiều. Đây là nguồn dịnh dưỡng tốt cho cây lúa. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa sẽ làm cho môi trường sạch hơn. Đồng thời gốc rạ sau khi thu hoạch là nơi sinh sôi, trú ngụ của các loài sinh vật, cung cấp nguồn thức ăn cho tôm con phát triển. 
Tại Kiên Giang, trong tổng số 86.500 ha nuôi tôm nước lợ có 68.300 ha theo mô hình tôm - lúa. Từ năm 2010, với sự hỗ trợ kinh phí của Bộ KH-CN, Trung tâm KN-KN Kiên Giang đã triển khai mô canh tác ổn định 1 vụ tôm sú - 1 vụ lúa cho vùng U Minh Thượng. Kết quả cho thấy, khi nông dân tuân thủ tốt lịch thời vụ, nắm vững kỹ thuật thì hiệu quả SX tăng lên rõ rệt, năng suất cả tôm và lúa đều tăng cao so với mức bình quân. 
Ông Ba Đông (Trương Văn Đông), một hộ tham gia mô hình ở xã Đông Hòa, huyện An Minh cho biết: “Làm lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm là rất quan trọng. Chỉ cần một năm không làm lúa là vụ tôm năm sau rất khó nuôi, không dịch bệnh thì tôm nuôi cũng không lớn. Chính vì vậy, bằng mọi giá nông dân chúng tôi cũng phải cấy lại vụ lúa sau mỗi mùa nuôi tôm”. 
Theo ông Đông, nếu mình tham nuôi tôm kéo dài thì đất sẽ bị nhiễm mặn rất khó làm lúa. Tốt nhất là nên tuân theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Việc tuân thủ đúng lịch thời vụ không chỉ nuôi tôm mau lớn mà ít bị rủi ro về dịch bệnh. Khi trời mưa nhiều, nước không còn độ mặn con tôm lớn rất chậm. Lúc này cần thu hoạch và xả bỏ nước để rửa mặn, ít nhất phải cắt vụ tôm khoảng 1 tháng trước khi làm lại vụ lúa thì mới hiệu quả. 
“Việc luân canh tôm - lúa sẽ bền vững hơn nhiều so với chỉ chuyên canh con tôm. Hơn nữa, đây là mô hình hiệu quả nhất đối với vùng đất ngập mặn ven biển. Mặc dù giá tôm mấy năm nay lên xuống thất thường nhưng hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại vẫn cao hơn hẳn so với đất chuyên lúa 2 vụ/năm”, Ba Đông khẳng định. 
Từ hiệu quả kinh tế cũng như tính bền vững mà mô hình tôm - lúa mang lại, nhiều tỉnh, thành đã tập trung đầu tư để mở rộng diện tích canh tác theo mô hình này. Bên cạnh con tôm sạch do được nuôi theo hình thức quảng canh (không sử dụng thức ăn công nghiệp) thì sản phẩm lúa đặc sản, lúa hữu cơ cũng được nhiều địa phương hướng đến. 
Ngoài ra, nhiều nơi nông dân còn tận dụng đất bờ vuông để trồng các loại rau màu tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Từ đó, mô hình làm ăn đa canh trên vùng đất ngập mặn được hình thành, mở ra hướng đi bền vững cho nông dân ĐBSCL. 
Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền. Dự báo sẽ có khoảng 2,4 triệu ha đất của khu vực này bị nước biển xâm nhập, lấn nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 - 3 vụ/năm sẽ không thể SX được nữa. Trong bối cảnh đó thì mô hình tôm - lúa sẽ là mô hình SX hiệu quả nhất.


Có thể bạn quan tâm

Ngân Hàng Dê Ngân Hàng Dê

Qua nhiều năm làm từ thiện tôi thấy cho người nghèo bao nhiêu gạo thì hết bấy nhiêu và không mang lại hiệu quả cao. Đi nhiều nơi và cuối cùng tôi nghĩ ra ý tưởng là: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá. Thực tế qua 10 năm công tác tại địa phương tôi nhận thấy bà con muốn có nghề để thoát nghèo nhưng lại thiếu tư liệu SX và vốn đầu tư.

25/02/2015
“Thủ Phủ” Dê Núi “Thủ Phủ” Dê Núi

Không biết từ bao giờ, vùng quê Sơn Tiến lại được mệnh danh “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê núi nổi tiếng nhất ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề nuôi dê ở đây không chỉ trở thành thương hiệu, thành một phong trào toàn xã, mà còn giúp nhiều hộ dân từ chỗ thiếu ăn nhanh vươn lên làm giàu.

25/02/2015
Công Nghệ Cao Trên Vùng Đất Núi Công Nghệ Cao Trên Vùng Đất Núi

Đối với huyện Tri Tôn (An Giang), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải gắn với hiệu quả thiết thực. Với lợi thế còn quỹ đất rộng, địa phương có điều kiện phát huy các mô hình sản xuất lớn, liên kết làm ăn theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và người dân.

25/02/2015
Hiệu Quả Nuôi Cừu Vỗ Béo Ở Xã Phước Thái (Ninh Thuận) Hiệu Quả Nuôi Cừu Vỗ Béo Ở Xã Phước Thái (Ninh Thuận)

Tham gia mô hình, có 140 con cừu được triển khai cho 10 hộ nuôi. Theo đó, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua con giống và làm chuồng trại. Trong quá trình nuôi, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và cử cán bộ thường xuyên xuống từng hộ theo dõi trong quá trình nuôi.

25/02/2015
Hương Sơn Được Mùa Nhung Hươu Hương Sơn Được Mùa Nhung Hươu

Hiện nay, tổng đàn hươu của Hương Sơn trên 31.000 con, trong đó khoảng 15.000 con hươu đực đang vào thời kỳ cho lộc nhung tốt, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Châu, Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Giang, Sơn Tây, Sơn Lệ, Sơn Hồng…

25/02/2015