Xuất khẩu thuỷ sản giảm nguyên nhân tôm rớt giá
Diện tích nuôi tôm công nghiệp đến nay là 8.860 ha, tăng 701 ha so với đầu năm; tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 277 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản tỉnh Cà Mau (CASEP), cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới giảm. Một số nước lân cận đã phục hồi sản xuất sau thời gian dài tôm bị dịch bệnh. Trong khi đó, do không có điều kiện để bảo quản nên các nước này đã bán hết tôm bằng mọi giá. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến giá tôm giảm, xuất khẩu giảm trong thời gian qua”.
Lại điệp khúc “đụng hàng dội chợ”
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, để hoàn thành kế hoạch của năm, ngành sẽ gặp nhiều khó khăn. Giá tôm hiện nay biến động theo hướng bất lợi cho sản xuất, cao điểm giảm mạnh nhất vào giữa tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân được xác định là một số nước như Thái Lan, Ấn Ðộ… có sản lượng tôm lớn, nhưng khác Việt Nam là những nước này bán thẳng tôm đi chứ không trữ tôm lại, chính vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Cà Mau cũng không nằm ngoài tác động ấy.
Tận dụng lúc giá tôm xuống thấp, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chọn giải pháp trữ hàng để ổn định nguồn nguyên liệu trong thời gian tới. (Trong ảnh: Thu mua tôm nguyên liệu tại Công ty XNK thuỷ sản Anh Khoa).
Ngoài ra, sự biến động của tỷ giá đồng đô-la Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thuỷ sản trong thời gian qua (thị phần của thị trường này chiếm đến 60%), đó cũng là lý do vì sao sản lượng thuỷ sản những tháng đầu năm tăng mà xuất khẩu thì lại giảm.
Ông Phan Thanh Sang, Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công thương, thông tin: “Tuy sản lượng xuất khẩu thuỷ sản có giảm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được, bởi nắm bắt được xu thế của thị trường thế giới hiện nay, các doanh nghiệp thuỷ sản trong tỉnh đã tiến hành trữ hàng, chuẩn bị tốt nhất điều kiện cho những tháng tiếp theo”.
Tranh thủ lúc tôm xuống giá, từ đầu năm đến nay, các công ty chế biến thuỷ sản trong tỉnh Cà Mau đã nhập hơn 2.900 tấn tôm nguyên liệu từ nước ngoài. Như vậy, trong thời gian tới, khi các nước đã hết vụ tôm và giá tôm phục hồi trở lại thì các doanh nghiệp của ta sẽ có nguồn nguyên liệu dồi dào để chế biến. Thực tế này cũng sẽ đồng nghĩa với việc giá tôm ở những tháng tiếp theo sẽ không tăng cao ngất ngưỡng như vụ mùa năm 2014.
Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh, bức xúc: “Với việc nhập khẩu tôm nguyên liệu dễ dàng như hiện nay của các doanh nghiệp thì người nông dân sẽ tiếp tục gặp khó về giá trong thời gian tới. Người nuôi tôm sẽ lại “thua trên sân nhà” khi mà các doanh nghiệp của ta mua nguyên liệu từ nước ngoài”.
“Lỗ hỏng” từ xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại (XTTM) là việc chính của Sở Công thương nhưng trong nhiều năm qua, hoạt động này trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản ngày càng thu hẹp. Thực tế cho thấy, ngoài việc tham dự các hội chợ quảng bá sản phẩm thì Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (nay đã giải thể) chưa có động thái tích cực nào trong kết nối cung, cầu hay tìm hiểu, xâm nhập thị trường mới… Kinh nghiệm cho thấy, xúc tiến đầu tư dàn trải sẽ không đem lại hiệu quả.
Nhìn sang những nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, mỗi năm họ đổi mới hình thức XTTM theo hướng rất đa dạng. Cụ thể, ngay khi còn là quốc gia có nền nông nghiệp chưa phát triển, Thái Lan đã xác định phải ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực XTTM với sự hình thành Cục Xúc tiến xuất khẩu. Cục có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở 5 lĩnh vực: thông tin thị trường, đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm (chú trọng mẫu mã thiết kế), tổ chức sự kiện XTTM, phát triển mạng lưới văn phòng đại diện ở nước ngoài (để thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, sự biến động của thị trường). Với chiến lược này, Thái Lan đã trở thành một trong những quốc gia có công nghệ XTTM mạnh nhất trong khu vực.
Ông Lý Văn Thuận cho rằng, đã qua thông tin thị trường một phần được chia sẻ từ hội nghề nghiệp, còn đa số là các doanh nghiệp "tự bơi", tự tìm kiếm thông tin, thị trường. Trong khi đó, hằng năm, ngân sách Nhà nước phải chi hàng tỷ đồng để làm công việc XTTM. Số tiền này nếu dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc hỗ trợ nông dân củng cố vùng nuôi thì có ý nghĩa hơn.
Ðó là những chuyện trước đây, hiện tại thì Trung tâm XTTM đã giải thể và bàn giao lại cho Sở Công thương. Ông Phan Thanh Sang cho biết: “Trước thực trạng tình hình xuất khẩu giảm như hiện nay, ngành cũng chẳng biết làm gì hơn là tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình giá cả và thị trường các nước. Còn vấn đề định hướng XTTM trong thời gian tới thì do mới được bàn giao nên chúng tôi cũng chưa có kế hoạch gì” (!?).
Thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau, thực tế đã qua, ngành này đã đóng góp rất lớn vào quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì thế, song song với những nỗ lực về phát triển nguồn nguyên liệu, Cà Mau cũng cần nỗ lực hơn trong các hoạt động XTTM. Ðặc biệt, cần tăng cường hơn nữa tính trách nhiệm, sự chủ động, năng động của các sở, ngành, nhưng vai trò chủ đạo vẫn là Sở Công thương.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã hoạt động trở lại. Khác với nhiều năm trước, năm nay thời tiết trước và sau tết Nguyên đán khá thuận lợi, các loại rau xanh, củ, quả phát triển tốt, nguồn cung dồi dào nên được bày bán phong phú, giá cả nhìn chung vẫn ổn định.
Ban Quản lý vườn Quốc gia Tràm Chim huyện Tam Nông vừa thả con chim Già đãy trở vào vườn Quốc gia Tràm Chim, sau hơn một tháng chăm sóc, nuôi dưỡng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 2 tháng đầu năm 2015 gồm: cà phê (28.483 tấn/49,09 triệu USD, giảm 16,05% về lượng, giảm 29% về giá trị); mì lát (8.000 tấn/2 triệu USD, giảm 63,5% về lượng, giảm 63,51% về giá trị); mủ cao su (1.543 tấn/ 2,39 triệu USD, tăng 78,94% về lượng, tăng 14,68% về giá trị); gỗ tinh chế (1,05 triệu USD, tăng 13,61%); các mặt hàng khác (đạt 7,47 triệu USD, gấp 2,13 lần so với cùng kỳ năm 2014).
Các loại cây trồng có diện tích gieo trồng đạt cao như: lúa nước 26.107 ha, đạt 98,1%; bắp 3.637 ha, đạt 72%, mía trồng mới 6.726 ha, đạt 84% và đậu các loại 2.406 ha… Các địa phương xuống giống đạt và vượt kế hoạch cao như: Kông Chro 3.497 ha, đạt 102%; Phú Thiện 8.401 ha, đạt 100%; Ia Pa 7.718 ha đạt 103%...
Đã thành truyền thống, sau những ngày vui Xuân, nông dân các địa phương trong tỉnh quay trở lại với việc đồng áng. Những ngày đầu Xuân đi khắp các cánh đồng lúa nước, cà phê, hồ tiêu… đâu đâu cũng thấy sự phấn khởi trên nét mặt của người nông dân, ai cũng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi điều suôn sẻ sẽ đến trong năm mới 2015.