Mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 cơ hội giảm nghèo cho người dân miền núi
Hiệu quả kinh tế bước đầu
Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng bè mang lại hiêu quả kinh tế, tạo thu nhập khá lớn cho đồng bào bản địa.
Kết quả đó đã tạo động lực khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư mở rộng nguồn vốn, tìm hướng giảm nghèo bền vững.
"Khi thị trường đầu ra tương đối ổn định, trừ tất cả chi phí lợi nhuận mỗi năm người dân thu về từ 50 - 60 triệu đồng/lồng/hộ từ mô hình nuôi cá lồng bè theo gối vụ, nhiều ần thả nuôi trên năm.
Do vậy, đã giải quyết được trên 25 lao động, đảm bảo cuộc sống" - ông Tuấn cho hay.
Cơ hội giảm nghèo
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho rằng, với thu nhập hằng năm từ 50 - 60 triệu đồng/lồng/hộ cho thấy mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân miền núi Bắc Trà My tìm hướng thoát nghèo trong tương lai.
Đây thực sự là cơ hội để địa phương giải bài toán khó về công tác giảm nghèo, từng bước tạo nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào bản địa trên hành trình hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống ở người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Trà My.
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 tích nước hồ chứa, tạo nên diện tích mặt nước khoảng trên 2.000ha.
Tận dụng từ hồ chứa này, bắt đầu từ năm 2012, UBND huyện Bắc Trà My đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng tại hồ thủy điện nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho những người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2.
Bằng rất nhiều cơ chế khuyến khích hỗ trợ, chính quyền địa phương đã từng bước đẩy mạnh mô hình, tìm nguồn vốn hỗ trợ để các hộ dân mua cá giống và chuyển giao kỹ thuật, kinh phí làm lồng bè,...
Nhờ vậy, từ quy mô chỉ có 1 hộ nuôi với 4 lồng thí điểm ban đầu, đến nay tại các lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện đã có 13 hộ với 120 lồng được triển khai, đang phát triển nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Nên, một hộ dân địa phương nuôi cá lồng bè ở xã Trà Tân cho biết, không chỉ thả nuôi cá diêu hồng như trước đây, mô hình hiện nay đang được đa dạng hơn về con giống như: cá lăng, cá thác lác, cá trám cỏ, cá trê… đảm bảo chất lượng.
Ngoài công việc nuôi cá, các hộ dân cũng tận dụng diện tích ngoài vạch trên hệ thống hồ chứa thủy điện để tăng gia sản xuất, thông qua các mô hình phụ trồng cây ngắn hạn và chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo lợi ích "kép" về phát triển kinh tế.
"Trung bình chỉ sau nửa năm, cá nuôi lồng bè có thể thu hoạch, giá trị mỗi lồng thu về hàng chục triệu đồng, tùy theo mức độ cá sinh trưởng của từng hộ gia đình" - ông Nên cho biết thêm.
Tìm cơ chế phù hợp
Thành công từ mô hình thí điểm nuôi cá lồng bè đã bước đầu đem lại hướng sinh kế mới cho người dân miền núi Bắc Trà My, giúp tìm được hướng đi mới, khắc phục dần tình trạng tái nghèo do thiếu đất sản xuất tại vùng tái định cư công trình dự án thủy điện.
Đây được xem là tín hiệu khả quan trong việc tìm kiếm những giải pháp giảm nghèo cho đồng bào miền núi tại địa phương.
Do vậy, cùng với việc duy trì và phát triển mô hình, huyện Bắc Trà My đang tiếp tục mở rộng quy hoạch vùng, triển khai nhân rộng, tạo điều kiện giúp đồng bào tiếp cận với mô hình kinh tế mới.
Mặc dù hiệu quả kinh tế đã dần được khẳng định, nhưng theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều hộ dân tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa có điều kiện tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện, do không có nguồn lực đầu tư.
Trong khi đó, ngân sách địa phương cũng còn nhiều khó khăn, không có khả năng hỗ trợ theo hướng mở rộng vùng.
Vì vậy, để mô hình tiếp tục được nhân rộng và phát triển, địa phương mong muốn có thêm những cơ chế hỗ trợ phù hợp, cũng như việc đầu tư lồng ghép từ các dự án của tỉnh, nhằm khuyến khích giảm nghèo bền vững trong cộng đồng người dân bản địa.
Theo bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, cùng với các mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai trên địa bàn, mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 luôn được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế gia đình.
Mặc dù mô hình còn mang hình thức nhỏ lẻ, chưa đáp ứng với nhu cầu của người dân bản địa, song từ chính kết quả thu nhập hằng năm từ mô hình này đã tạo ra bước chuyển mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế vùng tại các điểm dân cư thủy điện trên địa bàn.
Do vậy, để khuyến khích phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, giải quyết được áp lực giảm nghèo ở địa phương miền núi, theo bà Dung, tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để cùng địa phương hoàn thiện và nhân rộng mô hình theo hướng bền vững.
Cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh mới đây, huyện Bắc Trà My kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm có chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2 đầu tư sản xuất, giảm một phần áp lực cho các hộ dân do thiếu đất sản xuất dẫn đến tái nghèo.
Cụ thể như: hỗ trợ 100% chi phí làm lồng nuôi (khoảng 90 triệu đồng/bè/4 lồng); hỗ trợ con giống ban đầu cho các hộ tham gia thực hiện (100% con giống khoảng 20 triệu đồng/bè/4 lồng);
Hỗ trợ 20% chi phí thức ăn nuôi cá (khoảng 60 triệu đồng/bè/4 lồng);
Mở lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia nuôi lần đầu và tạo điều kiện cho các hộ tham gia thực hiện được tiếp cận vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn huyện, với mức vay khoảng từ 100 - 200 triệu đồng/hộ, trong đó hỗ trợ lãi xuất vay 2 năm đầu tiên.
Có thể bạn quan tâm
Sở hữu 1.500 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập trên 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang,TP Tuyên Quang đang được biết đến như một địa chỉ tin cậy cho những ai muốn làm giàu.
Ngày 8/10, ông Lê Mộng Ngọc, phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, thời gian gần đây rất nhiều thương lái đổ về địa phương đua nhau thu mua cả sầu riêng non với giá lên tới 26.000đ/kg, cao gấp đôi so với niên vụ trước.
Trên sàn giao dịch CBOT ở Chicago, đậu tương và ngô giao dịch ở mức thấp nhất trong 4 năm qua do triển vọng vụ mùa ở Mỹ bội thu. Trong 2 năm trở lại đây, tất cả các nông sản được theo dõi trong chỉ số hàng hóa của Bloomberg, ngoại trừ gia súc, thịt và cà phê, đều giảm giá, trong đó dẫn đầu là đà lao dốc của ngô, lúa mì và đậu tương.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) đang giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.Hồ Chí Minh kết nối với các nhà mua hàng, nhà phân phối lớn như Aeon, Metro, Big C, CoopMart, chuỗi các cửa hàng tiện lợi và 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu (XK) sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…