Mô Hình Canh Tác Ngô Bền Vững Trên Đất Dốc
Với gần 24.000 ha, cây ngô đang là một trong những cây chủ lực trong kinh tế nông nghiệp của huyện Sông Mã - Sơn La, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Trước đây, bà con thường đốt nương và cày bừa trước khi gieo trồng, nên đất bị xói mòn, rửa trôi, thoái hóa bạc màu, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả kinh tế giảm. Thực hiện mô hình sản xuất ngô bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đã chọn xã Chiềng Cang để triển khai mô hình, thực hiện tại 3 bản: Chiềng Cang, Hin Phon và Bó Bon, quy mô 250 ha, 210 hộ tham gia, trồng giống ngô NK7328.
Tại đây, áp dụng phương pháp trồng ngô có che phủ và làm đất tối thiểu đã hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, giảm cỏ dại; lớp che phủ ngăn cản ảnh hưởng của thời tiết đến bề mặt đất, giữ ẩm cho đất khi gặp nắng hạn.
Các hộ thực hiện mô hình cho hay dù có đợt nắng hạn kéo dài đầu vụ, nhưng nhờ có lớp che phủ nên không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngô; sau 2-3 tháng, lớp che phủ bị phân hủy, tạo thành nguồn dinh dưỡng cho cây ngô trong giai đoạn nuôi bắp, năng suất ngô của mô hình tăng 20-30% (khoảng 8 tấn/ha, tập quán cũ chỉ đạt 6 tấn/ha). Cái lợi khi che phủ, số lần phun và lượng thuốc trừ cỏ ít hơn, giảm công lao động và tác hại của thuốc BVTV đến môi trường.
Ông Cầm Văn Phát, bản Chiềng Cang chia sẻ: Việc để lại tàn dư thực vật làm cho đất màu mỡ hơn nên năng suất đạt cao hơn. Ngoài ra, làm đất tối thiểu đã giảm được 2/3 chi phí lao động phát dọn nương, đốt nương và cày bừa trước khi gieo trồng.
Triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông Sông Mã đã thực hiện tốt vai trò cầu nối, đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà, vận động các công ty, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho các hộ xây dựng mô hình và tiêu thụ sản phẩm, đứng ra chọn đại lý có uy tín cung cấp giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho bà con.
Theo ông Hoàng Mạnh Đoàn, cán bộ khuyến nông xã Chiềng Cang: bà con yên tâm vì mua được giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Hộ khó khăn được đại lý cung ứng cho mua với hình thức trả chậm, lãi suất ưu đãi...
Ông Cầm Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cang đánh giá: Mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc vừa mang lại lợi ích về kinh tế, vừa cải tạo đất, chống xói mòn và tạo cơ hội để các hộ khó khăn được tiếp cận với tiến bộ khoa học. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động cả 38 bản áp dụng mô hình... nhằm bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Qua hơn một năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được ngư dân tham gia hưởng ứng tích cực.
Vừa qua Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế cuối cùng cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam (VN) giai đoạn POR9
Mùa nước nổi, bên cạnh các nghề ăn theo con nước như đặt trúm, đẩy côn, kéo lưới, cắm câu, đặt dớn…, thì việc bắt ốc bươu vàng cũng trở thành nghề “làm chơi ăn thật”...
Không ngoài dự kiến của người chăn nuôi có kinh nghiệm ở Bình Định, sau thời gian dài “tuột dốc”, hiện giá các loại gia súc, gia cầm đang bắt đầu tăng cao.
Thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch rộ măng tre Mạnh Tông. Giá bán dao động từ 5.000 – 7.000đ/kg (còn nguyên vỏ).