Lừng Chừng Tôm Thẻ
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được gần 35.500 ha tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng (TTCT) hơn 22.000 ha, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại gần 13.000 ha do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy, chiếm hơn 36% diện tích thả nuôi, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm bị thiệt hại nặng là do không khí lạnh kéo dài vào những tháng đầu vụ rồi chuyển sang nắng gay gắt làm môi trường biến động, dịch bệnh phát sinh...
Cù Lao Dung vốn là huyện có diện tích mía lớn nhất của tỉnh, ổn định trên 8.000 ha. Tuy nhiên, trong năm nay, việc chuyển đổi diện tích mía sang nuôi tôm trở nên nóng hổi.
Nguyên nhân do giá mía quá thấp, nông dân không còn mặn mà, họ chuyển sang nuôi tôm với hy vọng đổi đời. Thành công từ những hộ nuôi đầu tiên đã kéo theo sự chuyển đổi ồ ạt của các hộ khác, với trên 1.000 ha; trong đó phần lớn diện tích TTCT.
Thế nhưng, giấc mộng đổi đời đã nhận phải một sự thật cay đắng. Giá TTCT giảm từ trên 140.000 đồng/kg (thời điểm năm cuối năm 2013) xuống còn 80.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Với giá bán thấp, cộng với thức ăn tăng, chi phí đầu tư cao, nên đa phần người nuôi ở Cù Lao Dung không có lãi, thậm chí lỗ vốn.
Tại các vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên, dù người dân lâu nay đã quen SX 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong năm và có nhiều bài học “cay đắng” khi nuôi tôm sú, nhưng sức hấp dẫn từ TTCT vẫn không thể cưỡng được họ. Dù chi phí đầu tư không hề rẻ, sự rủi ro không hề nhỏ, họ vẫn bất chấp, cứ lao vào nuôi TTCT.
Anh Huỳnh Sơn Minh ở ấp Đào Viên, xã Thạnh Quới đã chuyển gần 2.000 m2 đất sang nuôi TTCT. Do thiếu vốn và kinh nghiệm nên sau gần 2 tháng hy vọng, chỉ thu hoạch gần 600 kg, cộng với giá bán thấp, chỉ đạt 80.000 đ/kg, nên chỉ huề vốn.
Anh Huỳnh Sơn Minh chia sẻ: “Sau vụ này sẽ không nuôi tiếp nữa vì giá thấp quá, càng nuôi càng lỗ. Tạm thời đành phải treo ao đợi giá lên rồi mới tính tiếp”.
Cùng chung tâm trạng với anh Minh, hàng chục hộ dân trong ấp cũng đang thấp thỏm chờ giá tôm nhích dần lên. Nếu giá tôm không tăng thì số hộ treo ao sau vụ nuôi này sẽ càng đông. Hộ ông Huỳnh Văn Keo hết sức băn khoăn chưa biết nên thả tiếp hay treo ao.
Vụ nuôi đầu, ông Keo thu lãi trên 40 triệu đồng. Vụ thứ hai, giá tôm rớt nên ông có ý định không nuôi nữa. Giờ ông muốn nuôi lại tôm sú cũng khó, vì đất đã đào ao nuôi TTCT rồi.
Ông Võ Văn Bé, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: “Các diện tích nuôi TTCT bị thiệt hại do thả giống dày; nhiều hộ nuôi chưa có kinh nghiệm. Tại các vùng mới phát sinh và mở rộng diện tích, người nuôi luôn gặp nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, chi phí đầu tư tăng cao, rủi ro cao”.
Giá tôm thấp, ao treo, nguồn nước không đảm bảo, thời tiết không thuận lợi đã làm cho người nuôi TTCT Sóc Trăng lưỡng lự trước khi thả nuôi vụ mới. Cái khó của nhiều người nuôi là nửa muốn quay lại nuôi tôm sú như trước vì giá tôm sú đang hấp dẫn; nửa muốn nuôi TTCT thêm vài vụ rồi mới quyết định sẽ nuôi con nào?
Có thể bạn quan tâm
Việc cấp giấy phép hoạt động khai thác vùng biển cho chi hội nghề cá ven biển xã Quảng Công sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân khai thác, bảo vệ tài nguyên thủy sản vùng biển.
Đồng Nai có tổng đàn gà trên 11,6 triệu con với 88% chăn nuôi trang trại; đàn heo gần 1,4 triệu con với 60% nuôi trang trại. Những ổ dịch xuất hiện tại Đồng Nai vừa qua đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trong khu dân cư. Chăn nuôi hộ gia đình theo kiểu tự phát tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại gây ra thiệt hại lớn cho cả ngành chăn nuôi của tỉnh.
Do nằm ven phá Tam Giang, nên 70ha ruộng lúa vùng Thất Tộc của xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất ở xã Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) thường xuyên bị ngập úng nặng.
Xã Vũ Trung (Kiến Xương - Thái Bình) được nhiều người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh biết đến bởi đây là một trong những nơi chuyên cung cấp con giống gia cầm lớn. Mỗi năm các trang trại chăn nuôi trong xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng triệu con giống gia cầm chất lượng cao.
Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.