Cần Giải Pháp Lâu Dài Cho Trái Cây Đặc Sản
Măng cụt được xem là một trong loại trái cây ngon, đặc sản của vùng ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Thế nhưng, giá bán của loại trái cây đặc sản này có xu hướng ngày càng giảm trong những năm gần đây, nhất là khi vào mùa thu hoạch rộ.
Theo nhiều nhà vườn tại ĐBSCL cho biết, chưa bao giờ măng cụt trúng mùa như năm nay, nhưng nhà vườn không vui vì giá măng cụt đang ở mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Năm 2013, giá măng cụt vào mùa thu hoạch rộ tuy có giảm nhưng vẫn có giá 15.000-16.000 đồng/kg.
Năm nay, mùa thu hoạch rộ, giá măng cụt giảm mạnh, nhà vườn bán cho các vựa trái cây chỉ 10.000-11.000 đồng/kg, còn thương lái đến thu mua tận vườn giá càng rẻ hơn. Đối với nhiều loại cây trồng mau cho trái, bán được với mức giá trên rất lý tưởng, nhưng măng cụt thì khác, phải mất khoảng 7-10 năm cây mới cho trái.
Giá cây giống cũng cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác nên nhà vườn phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Năm nay, giá măng cụt giảm mạnh không chỉ do trúng mùa, mà còn do diện tích trồng mở rộng, trong khi khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa tốt, thiếu sự liên kết, gắn kết giữa các địa phương.
Hiện trái măng cụt chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Một số địa phương như tại tỉnh Bến Tre có xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch, nhưng số lượng hạn chế.
Hơn nữa, cây măng cụt hầu như chưa được nông dân xử lý cho ra trái nghịch mùa hoặc rải vụ quanh năm như một số loại trái cây đặc sản khác như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi… mà chủ yếu được nhà vườn để cho ra trái tự nhiên. Diện tích trồng tăng, vào mùa thu hoạch rộ, măng cụt bị thừa hàng dội chợ và giá giảm mạnh là chuyện khó tránh khỏi.
Khâu bảo quản chưa tốt, để vận chuyển trái măng cụt đi được xa và giữ cho trái tươi ngon tự nhiên trong khoảng 7-10 ngày, hiện nhà vườn phải hái lúc trái vừa mới điểm một vài chấm tím. Còn nếu hái trái chín thì chỉ có thể đem ra các chợ và điểm kinh doanh gần nhà để bán, chứ khó có thể bán thương lái và các vựa trái cây thu mua đem tiêu thụ ở xa.
Trái măng cụt không chỉ ăn ngon mà có nhiều vitamin và dưỡng chất tốt cho sức khoẻ con người. Đặc biệt, nhiều địa phương vùng ĐBSCL lại có tiềm năng phát triển trồng loại trái cây này. Hơn bao giờ hết, các cấp chính quyền và các địa phương cần ngồi lại để tìm giải pháp đầu ra cho trái măng cụt trong ngắn hạn và về lâu dài. Tránh để điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” lặp lại trong các năm tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần gắn kết sản xuất với các khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng có quy hoạch và kế hoạch cụ thể, đồng thời quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ra các thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 25.2, sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế dịch bệnh và công tác triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm (DCGC) tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn); Tây Vinh (Tây Sơn), Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng chống DCGC. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cùng lãnh đạo một số sở, ngành chức năng của tỉnh.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân xã Cát Hiệp triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn xã.
Thời gian gần đây, cảng cá Quy Nhơn luôn ở trong tình trạng quá tải, khiến cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng cá gặp rất nhiều khó khăn; việc neo đậu tàu thuyền để bán sản phẩm và lấy tổn để mở chuyến biển mới cũng không phải là chuyện dễ…
Trong 3 năm thực hiện mô hình, dự án, hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm giai đoạn 2011-2013, 7 xã ngoại thành của TP Cà Mau có nhiều nông dân được đầu tư các dự án trồng hoa màu, rau an toàn, ruộng lúa bờ hoa, lúa trên đất nuôi tôm, nuôi cá chình, bống tượng,… Có hơn 600 hộ vươn lên khá giàu, hơn 300 hộ thoát nghèo.
Từ Lâm Đồng đến Cà Mau lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, hiện nay ông Phan Trung Tâm, cư ngụ tại ấp 3, thị trấn Trần Văn Thời sở hữu hơn 5 ha đất chuyên trồng hoa màu cho năng suất cao.