Méo mặt vì nông sản tuột dốc
Đồng USD tăng giá mạnh, nhiều nước giảm giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn.
Xuất khẩu bế tắc không chỉ khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó mà nông dân cũng lao đao.
Khách hàng quan tâm đến sản phẩm thủy sản tại hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam 2015 (diễn ra từ ngày 24 đến 26-8 tại quận 7, TP.HCM).
Hàng loạt mặt hàng rớt giá
“Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu lỗ nặng. Chưa năm nào giá khoai lang tím lại rớt thê thảm như năm nay, có thời điểm chỉ còn 1.000 đồng/kg. Do thua lỗ nên nhiều nông dân đã bỏ khoai lang chuyển sang trồng cây khác” - ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành (Vĩnh Long), than thở.
Thương lái Trung Quốc (TQ) “ăn hàng” không ổn định, ép giá nông dân… là nguyên nhân chính khiến giá khoai lang xuất khẩu giảm mạnh.
“Tình hình tiêu thụ khoai lang cũng rất chậm. Năm trước một ngày đóng hàng đi TQ, TP.HCM, Hà Nội 1.000-2.000 tấn nhưng năm nay cao điểm một ngày chỉ được 600-700 tấn” - ông Luận cho biết thêm.
Không chỉ khoai lang, hàng loạt nông thủy sản khác như thanh long, cà phê, gạo, tôm, cá tra… cũng giảm giá mạnh.
Ông Trần Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), buồn rầu: “Giá cá tra vẫn ở mức thấp, chỉ 20.500-21.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lỗ 1.000-1.500 đồng/kg. Thua lỗ khiến nhiều nông dân treo ao, cho thuê lại đất. Hiện nay chỉ một số ít nông dân nuôi gia công cho DN xuất khẩu là có lợi nhuận”.
Đối với ngành cà phê, ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh, cho hay giá cà phê mấy tháng qua đều giảm sút. Giá cà phê nhân xô hiện chỉ 36.500 đồng/kg khiến nông dân lỗ 2.500-3.500 đồng/kg.
Buộc phải giảm giá
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh phân tích, đồng tiền tại các thị trường nhập khẩu nông thủy sản của Việt Nam mất giá mạnh. Như đồng euro mất giá 18%, bảng Anh 15%, rúp Nga 50%, yen Nhật 18%-20%...
“Điều này kéo theo giá tôm xuất khẩu Việt Nam giảm 25%-30%. Bởi muốn xuất khẩu được vào các thị trường trên, giá tôm Việt Nam buộc phải giảm. Tuy vậy, các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng phá giá đồng nội tệ nên giá tôm nguyên liệu xuất khẩu của họ vẫn thấp hơn 1-2 USD/kg so với tôm Việt Nam” - ông Lĩnh nói.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam từ các nước cũng không khả quan. Riêng TQ dù vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện chỉ mua nhỏ giọt.
Ngoài nguyên nhân là chính sách hạn chế nhập khẩu gạo bằng việc cấp quota cho từng DN nhập khẩu thì nguyên nhân chủ yếu là do TQ phá giá đồng nhân dân tệ. Việc phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu khiến nhà nhập khẩu TQ không mặn mà mua hàng từ Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trước tình hình trên, một số DN cho hay nếu mua giá nguyên liệu đầu vào cao trong khi giá đầu ra lại thấp sẽ khiến DN Việt xuất khẩu lỗ nặng. Vì vậy, DN buộc phải hạ giá mua nguyên liệu xuống thấp và nông dân chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ
Để thoát khỏi tình hình bế tắc hiện nay, các DN xuất khẩu Việt Nam đã dùng nhiều phương cách như tìm kiếm thêm thị trường mới, giảm giá xuất khẩu, tăng cường chăm sóc khách hàng ruột.
“DN chấp nhận giảm 15-20 USD/tấn để đối tác nước ngoài tiếp tục mua hàng cho mình. Đồng thời thay đổi dòng sản phẩm gạo xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chẳng hạn, thị trường TQ dù giảm mạnh mua gạo cấp thấp nhưng vẫn mua các loại gạo đặc sản, gạo thơm cấp cao. Do vậy, cần chú ý đến sản phẩm cấp cao, gạo đặc sản” - ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho hay.
Nhiều ý kiến khác thì cho rằng không nên quá lệ thuộc vào một vài thị trường. Ông Sơn Văn Luận dẫn chứng: “Trong khi xuất khẩu khoai lang sang TQ phập phù và bị ép giá thì hợp đồng bao tiêu của hợp tác xã ký kết với một công ty trung gian xuất qua Malaysia vẫn ổn định. Mỗi tuần xuất sang thị trường này một container, có khi hai, ba container ”.
Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng để nông sản nói chung và khoai lang nói riêng không bấp bênh trồi sụt thất thường như thời gian qua cần theo sát diễn biến thị trường, từ đó đề ra kế hoạch cho việc trồng trọt.
“Để nông dân không bị thiệt thòi, cần tổ chức chặt chẽ hơn khâu sản xuất, khuyến khích đầu tư sau thu hoạch, chế biến. Đặc biệt không nên bỏ hết trứng vào một giỏ, tức quá phụ thuộc vào thị trường TQ. Đây là điều cấm kỵ ” - ông Chiến nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Cần tách biệt khu nuôi tôm bố mẹ với các khu khác của trại giống để tránh tối đa việc lây nhiễm bệnh cũng như giảm thiểu các yếu tố stress (làm sốc tôm).
Chăm bón cực công, nông dân trồng hoa màu nuôi hy vọng tới kỳ thu hoạch. Nhưng trở ngại lớn nhất là khâu tiêu thụ, giá cả thất thường.
Đến thời điểm này, tại một số vùng tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu, nông dân vẫn chưa thể thả giống như đã dự kiến. Có tình trạng trên là do năm nay nguồn nước được điều tiết về chậm hơn mọi năm.
Ngày 13-3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lấy ý kiến các địa phương về mức hỗ trợ hộ nông dân chăn nuôi. Chính sách đó gồm hỗ trợ về giống, thuốc thú y, môi trường chuồng trại, đào tạo tập huấn cho nông dân.
Trong truyện cổ tích, xà tượng là con sò khổng lồ được con vua Thủy Tề dưới hải long cung làm nơi ẩn cư. Đầu năm mới, ngư dân Quảng Ngãi lao vào cơn lốc săn nhà con cháu Thủy Tề và mang vào bờ bán 10 - 15 triệu đồng/con.