Đồng Bào Khmer Được Mùa Khoai Lang
Với năng suất đạt từ 2 tấn/công trở lên, bán tại ruộng khoảng 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng khoai còn lời 7,5 triệu đồng. Đó là hạch toán của người trồng khoai lang ở một số xã của huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Đồng bào Khmer còn thông tin với nhau, năm nay, khoai lang Bảy Núi được mùa nhờ có bạn hàng “ăn vô” và họ “xuất khẩu” sang Takeo, Phnom Penh (Campuchia).
Kích thích cây trồng cạn:
Thông tin anh Chau Tuot (tổ 6, ấp Mằng Rò) vừa “trúng đậm” vụ khoai lang lan truyền khắp các phum, sóc ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên). Chia sẻ niềm vui này, đồng bào Khmer phấn khởi, toan tính cách làm và ứng dụng vào thực tế. Bà Neáng Sabon nói, vụ khoai lang mới đây, em bà là anh Chau Tuot lời 20 triệu đồng, thấy ham dữ lắm. “Với 4 công đất ruộng trên, Chau Tuot thu được 120 bao, bán lúc 4.000 đồng/kg.
Tổng cộng được 26 triệu đồng, trừ chi phí hết 6 triệu đồng…” – bà Neáng Sabon cho hay. Vả lại, bà còn tổ chức điểm “ăn vô” khoai lang, vừa bán sang Canpuchia theo yêu cầu bạn hàng bên đó. Trung bình mỗi ngày, đưa lên Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – Phnom Den vài trăm ký, lắm lúc lên tới cả tấn, kéo dài 2 – 3 tháng nay.
Việc nông sản miền núi bán sang Campuchia ngày càng trở nên phổ biến, nhất là mấy năm gần đây, bạn hàng từ Takeo còn qua tận điểm tập kết để lấy hàng hóa. Song, vụ đông xuân sớm năm nay lại có thêm khoai lang, kích thích tâm lý nông dân Khmer chuyển đổi “2 lúa + 1 màu” và “2 màu + 1 lúa” trên nền đất ruộng trên. Theo nhiều người dân, khoai lang này được lấy giống từ bên Tri Tôn, đem về trồng rồi nhân ra.
Nếu trồng 1 công đất phải cấy 1.000 dây, tốn 250.000 đồng. Đó là giống khoai đỏ, ruột trắng, năng suất trung bình trên 2 tấn/công và ruộng trúng trên 3 tấn/công. Anh Trần Ngọc, Trưởng trạm Khuyến nông Tri Tôn, tỏ ra vui mừng trước hiệu quả thử nghiệm và mô hình có sức lan tỏa mạnh, xuất phát từ Chương trình Khuyến nông An Giang dành cho miền núi và vùng đồng bào Khmer.
Với phương pháp canh tác không mấy gì phức tạp và cộng thêm tập quán bón phân chuồng, hầu hết ruộng khoai lang của đồng bào Khmer trồng đều đạt năng suất. Anh Chau Uonl (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) khoe, gia đình có 3 công đất ở Kẹt Cần Đước, đã ăn được 2 vụ khoai lang, bán giá dao động 3.500 đồng – 4.500 đồng/kg. Vụ đầu tiên (cỡ tháng tám âm lịch) đạt trên 3,5 tấn/công; vụ kế tiếp vừa xong (tháng mười một âm lịch) năng suất giảm dưới 2 tấn/công. “Nếu tính kỹ, năm 2013, vợ chồng tôi trồng được 1 vụ rau dưa và 2 vụ khoai lang. Sướng hơn trồng lúa” – anh Chau Uonl thiệt tình.
Triển vọng cách làm mới:
Do đặc thù vùng đất cao, Trung tâm Khuyến nông An Giang đưa về nhiều loại cây trồng, như: Rau dưa, họ đậu, mè đen… và nay thêm khoai lang có khả năng thích ứng với khí hậu miền núi. Được chuyển giao kỹ thuật, đồng bào Khmer nhanh chóng tiếp cận, khiến cánh đồng hai bên Tỉnh lộ 948, đoạn đi qua Châu Lăng, Núi Tô, Cô Tô (Tri Tôn) và Tân Lợi, Vĩnh Trung, Văn Giáo (Tịnh Biên) trở nên xanh tươi đầu mùa khô này.
Đặc biệt, khu vực Hương lộ 17B (giáp chân núi Cấm và núi Dài), Thổ Phi (đoạn Tỉnh lộ 955B) xuất hiện nhiều đám ruộng khoai lang được tưới từ trạm bơm điện và nước chứa theo kênh lộ. Ông Chau Kim Sary hồ hởi: “Vụ tới, tui cũng sẽ trồng khoai lang nữa, thấy ham quá. Đối với khu vực trạm bơm điện, hổng sợ thiếu nước, chắc chắn khoai sẽ trúng hơn”.
Khuyến khích đồng bào Khmer trồng rau màu (trong đó có khoai lang), Ban Quản lý Trạm bơm điện Văn Giáo đưa ra phương án phục vụ, bằng cách giảm thu thủy lợi phí xuống còn 50%. Ông Chau Kim Sary cho rằng, đây là vấn đề lớn được anh em bàn thảo, được sự chấp thuận của Đảng ủy và UBND xã mới dám công khai. Như vậy, đồng bào Khmer dựa vào nền đất, chọn lựa cây trồng tùy theo ý thích.
Đối với khoai lang, chi phí tương đối thấp, năng suất tốt nên cho lợi nhuận cao, được đồng bào ưa chuộng nhiều hơn. Điều quan trọng là khoai lang đang được tiêu thụ mạnh và nhu cầu số lượng lớn. Trong khi đó, diện tích trồng vẫn còn khiêm tốn, thời vụ thu hoạch lại tập trung một hai, ngày kể như xong nên số lượng cung không đủ cầu.
Dự kiến vụ đông xuân 2013-2014, nông dân huyện Tịnh Biên trồng 10 héc-ta khoai lang, còn Tri Tôn trồng 94 héc-ta. Nếu tính cả năm 2014, huyện Tri Tôn xây dựng kế hoạch trồng 170 héc-ta khoai lang tại cánh đồng vùng cao ở các xã Ô Lâm, An Tức, Cô Tô và Núi Tô.
Trạm Khuyến nông Tri Tôn tiếp tục theo dõi phương pháp canh tác, phối hợp huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân Khmer. Anh Trần Ngọc, Trưởng trạm Khuyến nông Tri Tôn, cho biết, huyện cũng đang tìm đường tiêu thụ ổn định hơn, khuyến khích chuyển đổi đất ruộng trên theo mô hình “2 màu + 1 lúa”, góp phần nâng cao đời sống và sinh hoạt của đồng bào Khmer trong các phum, sóc.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 25/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) về triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ bằng khay tự động và cấy máy trên địa bàn.
Chỉ vài sào đất bãi bồi, nhưng qua bàn tay cần mẫn của ông, nó cũng đủ sức nuôi sống 4 người. Lý do là, rau, quả của ông không phải hạng xoàng, mà toàn hàng độc đáo nên dù giá bán có nhỉnh hơn, bạn hàng vẫn tranh nhau mua. Ông chính là Huỳnh Văn Khanh ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, giá hồ tiêu những ngày gần đây trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dao động ở mức 146.000 - 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng 9/2013.
Có lẽ, tết này đối với đồng bào Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lak (Dak Lak) niềm vui được nhân đôi khi giá ca cao lên gần 50.000 đồng/kg. Cây ca cao bén duyên trên vùng đất này được xem như “cú hích” thúc đẩy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước cho cây trồng trong mùa khô, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông) đã thự hiện luân canh lúa – khoai; giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa thuần.