Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

May áo giáp cho nông dân trước cơn bão thị trường

May áo giáp cho nông dân trước cơn bão thị trường
Publish date: Thursday. November 26th, 2015

Phát biểu tại buổi Tọa đàm Tiến sỹ Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, để giúp nông dân có sức mạnh liên kết chặt chẽ với các đối tác ngành nông nghiệp cần phải “may” cho nông dân 3 tấm “áo giáp” để bảo vệ họ trước những “bão tố” của thị trường.

““Áo giáp” thứ nhất là nhóm các liên minh, liên đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội ngành hàng nông nghiệp.

“Áo giáp” thứ hai là nhóm các cơ quan tư vấn, thực thi chính sách phát triển trong sản xuất thương mại nông sản.

“Áo giáp” thứ ba là các tổ chức nghề nghiệp mang tính dẫn dắt và định hướng hộ nông dân, ở đây chính là các mô hình hợp tác xã,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Thịnh phân tích thêm, hai tấm áo đầu tiên có vai trò tác động vào việc soạn thảo và thực thi các chính sách của Nhà nước đồng thời bảo vệ nông dân trước sự chèn ép của các đối tác, đối thủ trên thị trường.

Chẳng hạn vừa rồi, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm, các doanh nghiệp chế biến sữa bỏ mua sữa của nông dân, thì cần có tổ chức đứng ra can thiệp.

Theo Tiến sỹ Thịnh các mô hình liên kết như hợp tác xã của chúng ta hiện đang bị “lai” giữa tổ chức chính trị với tổ chức nghề nghiệp.

Vì vậy, phải chuyển sang hợp tác xã kiểu mới, là đơn vị cung cấp dịch vụ điều phối hoạt động, kiểm soát hoạt động sản xuất của nông dân.

“Trong hợp tác xã là một thị trường kép, xã viên vừa là người góp vốn vừa là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, vì vậy phải cân bằng giữa lợi nhuận của xã viên và hợp tác xã.

Chúng ta đang thiếu những hợp tác xã như thế.

Theo ông Thịnh, hỗ trợ từ phía Nhà nước cần xem là chất xúc tác, chính quyền không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của từng hợp tác xã,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm ông Lưu Quang Định, Chủ tịch Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn cũng cho rằng nông nghiệp-nông dân-nông thôn hiện nổi lên 3 vấn đề quan trọng.

Một là, hội nhập sẽ tác động mạnh mẽ vào thị trường nông sản, đòi hỏi nông dân phải thay đổi để thích ứng và tận dụng được cơ hội.

Hai là, tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, người nông dân phải tổ chức lại sản xuất.

Ba là, liên kết nông dân tạo chuỗi sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh là xu thế tất yếu, điều này đòi hỏi vai trò của kinh tế hợp tác.

“Liên kết nông dân bền vững được xác định là mấu chốt chính sách quan trọng, nhằm đổi mới tổ chức sản xuất sau một thời gian dài không thực sự đem lại hiệu quả.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy hợp tác liên kết nếu được tổ chức tốt sẽ giúp phát huy nội lực của người nông dân và hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, từ đó đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn giữa các bên,” ông Định nêu rõ.

Tại buổi tọa đàm, Nhà báo Lưu Quang Định cũng thông báo về giải báo chí “Nông dân và Hội nhập.

" Đây là lần đầu tiên Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn tổ chức giải báo chí.

Những tác phẩm dự thi là các tác phẩm được viết bằng tiếng Việt, được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 1/1 đến 30/12.

Giải báo chí “Nông dân và Hội nhập" năm 2015 được gắn với chủ đề “Nông dân và Hợp tác,” các tác phẩm dự thi là những tác phẩm có tính phát hiện, phản ánh chính xác kịp thời các nội dung:

Những vấn đề của nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong mối quan hệ với những chính sách lớn ảnh hướng đến cuộc sống của họ, đặc biệt là các chính sách về hợp tác, hội nhập quốc tế, chính sách đất đai, giảm nghèo, phát triển bền vững.

Ban tổ chức cũng cho biết cơ cấu giải thưởng dự kiến sẽ bao gồm: một giải nhất: 15 triệu đồng, hai giải nhì: 10 triệu đồng, ba giải ba: 7 triệu đồng; trong trường hợp đặc biệt, Ban tổ chức và ban giám khảo Giải báo chí có thể quyết định trao thêm giải đặc biệt hoặc giải chuyên đề.

Địa chỉ nhận bài các tác phẩm dự giải báo chí gửi về: Ban tổ chức giải báo chí “Nông dân và Hội nhập”, Báo Nông thôn ngày nay, 13 Thụy Khuê, Hà Nội hoặc qua địa chỉ email: nongdanvachinhsach@gmail.com.


Related news

Hướng Dẫn Hỗ Trợ Lãi Suất Vay Mua Thóc, Gạo Tạm Trữ Vụ Đông Xuân Hướng Dẫn Hỗ Trợ Lãi Suất Vay Mua Thóc, Gạo Tạm Trữ Vụ Đông Xuân

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 65/2012/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2011-2012.

Wednesday. May 2nd, 2012
Cá Tra - Cơ Hội Tiến Xa Cá Tra - Cơ Hội Tiến Xa

Ngày 12/9/2011, Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) công bố danh sách 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010. Cá tra, basa của Việt Nam đứng vị trí thứ 9, tăng một bậc so với năm 2009.

Thursday. October 6th, 2011
Phập Phù Nuôi Vẹm Phập Phù Nuôi Vẹm

Sau trận đại dịch đầu năm 2009 làm khoảng 4.000 tấn vẹm xanh của người dân xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hoà (Khánh Hoà) bị chết, đến nay nghề nuôi vẹm trên đầm Nha Phu đã dần hồi phục.

Wednesday. March 7th, 2012
Trồng Nhãn Muộn: Hiệu Quả Và Phương Pháp Ghép Cải Tạo Trồng Nhãn Muộn: Hiệu Quả Và Phương Pháp Ghép Cải Tạo

Ưu điểm của cây nhãn muộn là sinh trưởng khoẻ, ra hoa không cách năm. Quả to mẫu mã đẹp, cùi dày, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Do có năng suất cao, chất lượng tốt, chín sau các giống nhãn chính vụ khoảng gần 1 tháng nên giá bán của nhãn muộn thường cao gấp 2-3 lần giống chính vụ.

Thursday. March 8th, 2012
Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ

Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với ngư dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, trong đó có xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Tuy nhiên, chi phí đầu tư để nuôi ốc hương rất lớn, trong khi nghề nuôi ốc hương rất bấp bênh.

Wednesday. May 16th, 2012