Mất tiền tỷ vì thiếu chuối xuất khẩu
Chuối Việt ngày càng có giá
Những ngày này, về các huyện Khoái Châu, Văn Giang… (Hưng Yên), đi trên triền đê đâu cũng thấy những vườn chuối trải dài, xanh ngắt ven bờ sông Hồng.
Gặp những người trồng chuối nơi đây, ai nấy đều hớn hở, bởi những năm gần đây chuối liên tục được giá.
Thời điểm này, dù chuối vẫn còn non nhưng nhiều thương lái đã đến vườn đặt cọc.
Người dân tự mày mò chăm sóc, bảo quản, nên chất lượng chuối còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Ảnh chụp tại Xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên.
Anh Phạm Năng Thành ở xã Đại Tập (Khoái Châu) là một trong những tỷ phú trẻ, đi đầu trong nghề trồng chuối ở đây.
Anh cho biết đã trồng chuối hơn chục năm nay, lúc đầu chỉ 1 – 2ha và hiện nay là 50ha, mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hàng tỷ đồng.
“Những năm trước, chuối chủ yếu được tiêu thụ trong nước vào dịp cuối năm là chính, nhưng hiện nay đã có một số doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu ở Trung Quốc và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhờ đó giá chuối cũng tăng hơn trước, nếu trước đây chỉ 6.000 đồng/kg, thì nay 7.000 – 8.000 đồng/kg” – anh Thành cho hay.
Hiện ở Hưng Yên có khoảng gần 10 doanh nghiệp lớn gom chuối xuất khẩu.
Mặc dù đơn hàng đến nườm nượp, nhưng các doanh nghiệp đều phải từ chối, bởi đã nhiều lần phải “khóc” vì ký hợp đồng nhưng không đủ đơn hàng cho đối tác.
Anh Nguyễn Văn Toàn - Công ty TNHH Toàn Thắng, đơn vị đã nhiều năm đưa chuối đi Trung Quốc và đang xuất khẩu đi Nhật Bản nói: “Khách hàng Trung Quốc đòi hỏi không cao, thậm chí có lúc họ mua cả chuối non và chính điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, khi họ đột ngột ngừng mua.
Hơn năm nay, tôi đang lấn sang thị trường Nhật Bản, đây là một thị trường rất khó tính.
Mẫu mã phải đẹp, quả căng mọng, mỗi nải phải đạt từ 20 – 30 quả, nặng 3 – 5kg và đặc biệt là không có chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… nên chúng tôi rất khó đáp ứng.
Vừa rồi họ đặt tôi đơn hàng 10 tấn, giao trong vòng 5 ngày, dù xoay xở khắp nơi gom hàng nhưng vẫn không đủ”.
Tương tự, tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai… các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang “đau đầu” vì cung không đủ cầu.
Ông Lê Sĩ Công – Giám đốc Công ty La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, 3 tháng gần đây gần như “cháy” chuối, do đó công ty đành chấp nhận tuột nhiều hợp đồng xuất chuối.
Về vấn đề này, ông Trần Danh Thế - Giám đốc Công ty CP Sinh học Xanh Việt (Đồng Nai) cho biết, hồi đầu năm ông đã để tuột mất đơn hàng nhiều tỷ đồng đưa gần 2.000 tấn chuối đi Dubai, Nhật Bản vì không gom đủ hàng.
“Lượng chuối trong nước không phải là quá khan hiếm, nhưng chuối đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu thì quá khan.
Doanh nghiệp nước ngoài họ làm ăn rất chặt chẽ, mình thực hiện hợp đồng mà không đủ số lượng, chất lượng, thời gian cho họ, họ phạt rất nặng.
Nên chúng tôi phải rất căn cơ, quả thực để mất các hợp đồng lớn là rất tiếc, nhưng lực bất tòng tâm” – ông Thế chia sẻ.
Tiềm năng bị lãng quên
Mặc dù tiềm năng tiêu thụ, xuất khẩu là như vậy, nhưng cây chuối chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, thậm chí bị coi là cây phụ.
Bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên chia sẻ, nhưng năm gần đây, tỉnh đã có rất nhiều chính sách ưu đãi trong việc phát triển cây chuối, đặc biệt là chuối tiêu hồng.
Tuy nhiên, diện tích chuối sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn rất ít, đặc biệt là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn rất hạn chế, do đó chất lượng chuối chưa thực sự cao.
“Để quả chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cần phải thay đổi rất nhiều từ giống, kỹ thuật chăm sóc, cho đến bảo quản, song hiện người dân vẫn tự mò mẫm làm là chính” – bà Chải cho hay.
Lý giải về nguyên nhân không đủ chuối để xuất khẩu, ông Trần Văn Căn - chủ cơ sở xuất khẩu chuối ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, do diện tích trồng chuối manh mún, chất lượng không đồng đều, nên khi có đơn hàng lớn thì các công ty phải đi gom khắp nơi, dẫn đến chi phí cao, chất lượng giảm.
“Có lý do nữa là chúng ta chưa có công nghệ bảo quản, kỹ thuật thu hái còn hạn chế, nên chuối thường bị dập, mất màu.
Trong khi đó, khách hàng đòi hỏi rất cao, nải quả đều, từ 30 quả trở lên, nặng 5kg mới đạt tiêu chuẩn xuất đi Nhật” – ông Căn cho hay.
Anh Nguyễn Văn Đạt đang trồng 10ha chuối ở xã Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) cho rằng, để quả chuối thực sự trở thành quả thế mạnh xuất khẩu, người dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc mở rộng diện tích, kỹ thuật chăm sóc và bảo quản…
Mới xuất khẩu được 3.000-4.000 tấn chuối/năm
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện diện tích chuối chiếm gần 20% diện tích cây trái cả nước, với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện chúng ta mới xuất khẩu được khoảng 3.000 – 4.000 tấn chuối/năm, tiềm năng để chúng ta xuất khẩu còn rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường lúa gạo ĐBSCL đang nóng lên trước tin Việt Nam ký hợp đồng xuất 200.000 tấn gạo sang thị trường Philippines và tiếp theo là Indonesia.
Đồng bào dân tộc Mông ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn… của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang rất phấn khởi, bởi gừng tươi được giá, lại rất dễ tiêu thụ.
Phát huy lợi thế trong vùng hồ Thủy điện Sơn La và các công trình thủy điện trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Mường La (Sơn La) chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng cho các xã vùng lòng hồ, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân...
Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) đã được Tổng thống Obama ký thành luật từ ngày 1/4/2011, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa đưa ra được các quy định cụ thể trong vòng 18 tháng sau khi đạo luật được thông qua.
Số liệu của Trung tâm kinh doanh ảo của Colombia (CVN) cho biết trong năm 2013, nước này nhập 78.000 tấn cá, trị giá 188 triệu USD, tăng 41% về khối lượng so với năm trước đó. Nổi lên trong các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Colombia có cá ngừ và cá tra, chiếm lần lượt 19% và 16% thị phần cá đông lạnh tại nước này.