Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Từ Một Cách Làm Táo Bạo

Thành Công Từ Một Cách Làm Táo Bạo
Ngày đăng: 11/03/2011

Khi ông làm đơn gửi cho UBND xã để xin nhận thầu mấy ha khúc sông Luỹ Thầy đoạn chảy qua trước nhà ông, không chỉ vợ con, mấy người trong làng mà cả mấy cán bộ của xã cũng hết sức can ngăn vì họ cho rằng ông hơi “liều” khi dám đem hàng chục triệu đồng bỏ xuống sông, xuống bể… Không mảy may lo lắng như suy nghĩ của mọi người, bằng bản lĩnh của một người lính đã từng vào sinh ra tử, ông vẫn quyết tâm thực hiện phương án đã định với một niềm tin rằng mình sẽ thành công bằng cách thức nuôi cá mới mà cả vùng này chưa có ai từng làm. Ông chính là Bùi Mạnh An, một người lính Trường Sơn nắm xưa, hiện đang sinh sống ở thôn Lệ Kỳ I, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình…

NỖI NIỀM CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH

Cũng giống như nhiều thanh niên khác cùng thời, đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1974, Bùi Mạnh An đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và sẵ sàng vào chiến trường Miền Nam đánh Mỹ. Vì tình hình chiến sự có nhiều thay đổi, sau khi nhập ngũ anh đã được biên chế về Sư đoàn 470, Bộ đội Trường Sơn và tham gia mở đường Hồ Chí Minh đoạn từ Đắc Lắc đi Bù Đăng (Sông Bé).

Sau khi đất nước đã hoà bình, mỗi lần về phép thăm nhà, nhìn thấy vợ con, gia đình và bà con làng xóm còn nghèo khó, cuộc sống thiếu thốn đủ bề do chỉ biết trồng lúa, chăn nuôi thêm một vài con lợn, con gà theo lối thả rong nhỏ lẻ, manh mún, nên Bùi Mạnh An đã có nhiều trăn trở, suy nghĩ. Năm 1994, trong một chuyến về phép, sau khi đi khảo sát một vòng trong thôn, ngoài đồng, Bùi Mạnh An nhận thấy, vì nằm gần con sông Luỹ Thầy, có nguồn nước ngọt dồi dào, nên ở quê anh có thể phát triển được nghề nuôi cá nước ngọt để cải thiện cuộc sống, anh đã bàn với gia đình là cải tạo ao hồ nuôi cá. Sau khi được mọi người trong gia đình ủng hộ, ông đã tận dụng những ngày phép còn lại cải tạo được 600m2 ao hồ của để chuẩn bị thả nuôi cá nước ngọt và 8 sào ruộng để cấy lúa nhằm cung cấp lương thực cho gia đình và phục vụ cho chăn nuôi. Khi ao và ruộng đã được cải tạo xong cũng là lúc ông An vừa hết phép và tiếp tục trở lại đơn vị công tác. Trước lúc lên đường, Bùi Mạnh An còn kịp dặn lại vợ và các mình con là ở nhà cố gắng mua cá giống về thả dưới ao để cải thiện cuộc sống. Nghe theo lời anh, năm đó, vợ con anh đã thả 2 vạn con cá trắm cỏ và thu về được trên 2 triệu đồng tiền lãi.

Cuối năm 1995, Bùi Mạnh An đã được Nhà nước cho về nghỉ chế độ. Cũng giống như nhiều người lính khác, ngày xuất ngũ, trở về địa phương, trong hành trang của người lính Bùi Mạnh An vốn liếng chẳng có được bao nhiêu. Trong khi đó, vợ anh là một giáo viên giảng dạy mầm non, thu nhập cũng khá thấp, các con lại đang tuổi ăn, tuổi học nên cuộc sống gia đình ông còn gặp rất nhiều khó khăn. Thấy ao, hồ, ruộng lúa đã cải tạo xong, vụ nuôi cá đầu tiên đã thắng lợi, vừa đặt ba lô khỏi vai là Bùi Mạnh Anh đã bắt tay vào thực hiện dự định của mình. Vay mượn khắp nơi, cuối cùng vợ chồng ông cũng có đủ tiền đề cải tạo, mở rộng thêm 2,5 sào ao để thả các loại cá nước ngọt, như trắm cỏ, trê phi, cá lóc, còn lại dành 6 sào để cấy lúa. Năm thứ 2 nuôi cá, tuy kinh nghiệm chưa có, vốn liếng eo hẹp, lại thiếu kiến thức, nhưng nhờ chăm sóc chu đáo, ao cá của gia đình anh đã cho thu nhập gần gấp đôi năm đầu tiên, còn 6 sào ruộng thu hoạch về cũng đã cung cấp đủ lương thực cho gia đình anh trong vòng 1 năm. Từ những thành công ban đầu, những năm tiếp theo, nguồn thu nhập từ cá và lúa của gia đình ông đã ngày càng tăng lên. Nhận thấy nhu cầu cá giống chủ thị trường khá lớn, hàng năm, ông An đều đầu tư sản xuất 20 ngàn con cá giống cung cấp cho người nuôi cá trong vùng và thả thêm 7 - 8 ngàn con cá trắm cỏ và cá chép. Nhờ tự túc được nguồn thức ăn tại chỗ từ cám gạo, rau, cỏ, thức ăn từ mấy sào ruộng đã gặt xong nên hàng năm chi phí cho việc nuôi cá của gia đình ông An không lớn lắm. Đến nay, từ mấy sào ao nuôi cá kết hợp trồng lúa, mỗi năm, gia đình ông Bùi Mạnh Anh đã có một nguồn thu kha khá trên 20 triệu đồng và 4 tấn lúa với trị giá gần 40 triệu đồng.

THÀNH CÔNG TỪ MỘT CÁCH LÀM TÁO BẠO

Nhà ông vốn ở gần con sông Luỹ Thầy từ nhiều đời nay. Đây là một con sông có nguồn nuớc ngọt khá dồi dào, luồng chảy vừa phải, không mạnh, lượng phù du, rong rêu, tảo sinh sống trong nước khá nhiều. Vốn có nhiều gắn bó với con sông này từ lúc còn thơ ấu, nên Bùi Mạnh An rất hiểu, khúc sông ngắn chảy qua trước mặt nhà ông có rất nhiều lợi thế để thả nuôi cá nước ngọt. Cho nên ngay từ những ngày còn tại ngũ, nhiều lần Bùi Mạnh An đã suy nghĩ đến một hướng làm ăn mới, trong vùng chưa có ai từng làm, đó là ngăn sông thả nuôi cá nước ngọt, nhưng chỉ có vợ ông và mấy đứa con còn nhỏ ở nhà thì chưa thể thực hiện được.

Năm 2005, sau khi được UBND xã Vĩnh Ninh cho nhận thầu 3 ha mặt sông Luỹ Thầy đoạn chảy qua thôn Lệ Kỳ I, ông Bùi Mạnh An đã đầu tư 18 triệu đồng mua lưới rào sông thả nuôi cá trắm, cá chép. Vụ đầu tiên, ông quyểt định chỉ thả 3000 con cá trắm giống để thử nghiệm. Tuy rất nhiều người, kể cả những người có chuyên môn về nuôi trồng thuỷ sản cũng đều cho rằng ông sẽ thất bại, nhưng theo tính toán khoa học, có căn cứ của ông, cá thả nuôi trên sông chỉ mất chi phí mua đăng và mua giống, không cần chi phí thức ăn và công chăm sóc, nên khả năng thu lãi là rất cao. Chính nhờ tính quyết đoán của một người lính, vụ thả nuôi cá sông đầu tiên của gia đình ông An đã thành công và thu được trên 20 triệu đồng.

Từ những thành công ban đầu, những năm tiếp theo, ông Bùi Mạnh An quyết định đầu tư mua thêm cá giống để thả nuôi trên sông và cũng đã thu được hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2007 sau tháng 10, khi đã không còn lũ lụt, gia đình ông Bùi Mạnh An lại tiến hành thả 2,5 ngàn con cá trắm cỏ, cá chép trên 3 ha mặt sông. Chỉ trong vòng 6 - 7 tháng, bằng cách nuôi mới, táo bạo, độc đáo này, mỗi năm gia đình ông An đã thu về trên 20 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, ông Bùi Mạnh An còn có ý định sẽ xin phép chính quyền thành phố Đồng Hới nhận thầu luôn cả đoạn sông thuộc địa phận xã Đức Ninh ở khu vực phía bắc để mở rộng diện tích nuôi cá trên sông. Cũng theo tính toán của ông, nếu được chấp thuận, chỉ cần đầu tư thêm 20 triệu đồng để mua lưới ngăn sông, thả cá, thì mỗi năm, ông cũng sẽ thu về được sẽ khá lớn …Ngoài ra ông còn có dự định sẽ đắp đập, trồng cây ăn quả ven sông và xây dựng ở đây một khu dịch vụ giải trí câu cá…Tuy nhiên, đến nay, điều làm cho ông An băn khoăn nhất chính là việc có nhiều người ở trong vùng vẫn còn có thói quen đem cá bị bệnh, cá chết vứt bừa bãi trên sông Luỹ Thầy, nên từng làm lây bệnh và ảnh hưởng đến khu vực ao nuôi của gia đình ông.

Nghe những dự định làm giàu của ông Bùi Mạnh An, tôi luôn có niềm tin rằng ông sẽ thành công, bởi ở trong ông có ý chí, nghị lực và đức tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của một người lính Trường Sơn trở về sau chiến tranh.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Điên Điển Lấy Bông Mùa Lũ Trồng Điên Điển Lấy Bông Mùa Lũ

Mấy ngày này, đi từ hướng thành phố Tây Ninh về Bến Cầu, vừa qua cầu Gò Chai chừng trăm mét, nhìn hướng tay phải tỉnh lộ 786, nhiều người thấy một vùng xanh um điên điển, lại thấy lấp loá ánh vàng của những chùm hoa vừa nở. Nếu để ý kỹ, người qua đường sẽ thấy vùng điên điển này gồm nhiều hàng thẳng tắp, như được trồng tỉa chứ không phải mọc tự nhiên trong mùa nước nổi như một số nơi khác.

25/07/2014
Nuôi Sá Sùng Ở Cam Lâm Người Dân Chưa Mặn Mà Nuôi Sá Sùng Ở Cam Lâm Người Dân Chưa Mặn Mà

Theo một số hộ dân ở Cam Lâm (Khánh Hòa), nuôi sá sùng kết hợp với một vài đối tượng khác trong ao không mất nhiều công chăm sóc và chi phí, lại có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ chưa mặn mà bởi không chủ động được khâu thu hoạch...

26/07/2014
Cựu Chiến Binh Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Cựu Chiến Binh Làm Giàu Từ Chăn Nuôi

Ông Lê Minh Đồng ở ấp Bào Cỏ, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo không chỉ là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu mà còn làm kinh tế giỏi. Từ phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi heo, mỗi năm gia đình ông thu nhập được hàng trăm triệu đồng.

05/08/2014
Vĩnh Phúc Nâng Cao Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới Vĩnh Phúc Nâng Cao Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản thông qua các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Mô hình nuôi cá giống mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống thủy sản;

26/07/2014
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Quýt Đường Trái Vụ Hiệu Quả Kinh Tế Từ Quýt Đường Trái Vụ

Chúng tôi đến thăm cơ ngơi khang trang của lão nông Lê Văn Phấn tại ấp 3, xã Trừ Văn Thố (Bàu Bàng). Ít ai biết, ông từng là một ông chủ cơ sở mía đường đang ăn nên làm ra tại Long An rồi về Bình Dương mua đất trồng cây ăn trái từ năm 1999. Sau nhiều phen trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái khác nhau, cây quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

05/08/2014