Mất Mùa, Rớt Giá
Hiện tại, nhiều nhà vườn trồng vú sữa trên địa bàn huyện Châu Thành A đang bước vào thời điểm thu hoạch vú sữa đầu vụ. Tuy nhiên, khác hẳn với các năm trước, hiện người dân đang hái vú sữa trong nỗi lo về năng suất giảm và giá bán đang tuột dốc.
Theo các nhà vườn trồng vú sữa tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ vú sữa năm nay, tỷ lệ đậu trái rất thấp.
Dự báo, năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với năm ngoái. Ông Đỗ Văn Thành, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho hay: “Vào thời điểm để trái, thấy cây ra bông mà mừng trong bụng, vì nghĩ rằng năm nay sẽ trúng mùa. Nhưng không hiểu vì sao, tuy có ra bông nhưng số trái đậu rất thấp và trái bị rụng khá nhiều, mặc dù đã không ít lần xịt thuốc phòng chống sâu bệnh”.
Do tỷ lệ đậu trái thấp và trái bị rụng nhiều, nên 50 gốc vú sữa Lò Rèn của ông Thành dự kiến chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn trái, trong khi mọi năm không dưới 7 tấn. Theo quan sát của chúng tôi, hiện không riêng gì vườn vú sữa của ông Thành bị giảm năng suất, mà hầu hết các vườn vú sữa của bà con nơi đây đều rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Ông Phạm Văn Chiến, ở cùng ấp Nhơn Phú 1, cho biết: “Khi nhìn cây mới ra bông và theo kinh nghiệm nhiều năm trồng vú sữa của bản thân, tôi đánh giá mỗi cây vú sữa năm nay thấp gì cũng cho thu hoạch khoảng 150-200kg, với 20 gốc vú sữa Lò Rèn tím của mình thì cho thu hoạch hơn 2 tấn trái. Thế nhưng, đến ngày chuẩn bị hái thì tối đa chỉ có khoảng 50-60kg/cây mà thôi”.
Bên cạnh nỗi lo về năng suất giảm, nhà vườn trồng vú sữa còn lao đao khi giá bán liên tục giảm. Hiện thương lái cân vú sữa tại vườn chỉ có giá từ 15.000-17.000 đồng/kg, giảm hơn phân nửa so với cách nay gần một tháng và giảm từ 10.000-12.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá hiện tại, sau khi trừ chi phí, nguồn lợi nhuận mà nhà vườn có được không đáng kể, bởi năng suất năm nay thấp cộng với chi phí đầu tư tăng cao.
Ông Phạm Văn Chiến, ở ấp Nhơn Phú 1, cho biết thêm: “Cách nay mấy ngày, gia đình tôi thu hoạch vú sữa lứa đầu bán được 27.000 đồng/kg, những hộ may mắn hái trước đó khoảng nửa tháng giá đến 38.000 đồng/kg. Không ai ngờ, trong một thời gian ngắn, giá lại tuột thảm và hiện chỉ còn dưới 17.000 đồng/kg”.
Theo một số thương lái thu mua vú sữa trên địa bàn huyện Châu Thành A, nguyên nhân giá giảm là do thị trường tiêu thụ của mặt hàng này năm nay không được thuận lợi. Trong lúc này, trên thị trường có nhiều loại trái cây để người tiêu dùng lựa chọn như: vú sữa, cam sành, quýt đường, nhãn,… để sớm bán được thì buộc lòng các mặt hàng trên phải đồng loạt hạ giá.
Được biết, huyện Châu Thành A là một trong những địa phương thu hoạch vú sữa sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Theo bà con nơi đây, để có vú sữa bán trong lúc này thì nhà vườn đã tranh thủ cắt nước (rút nước trong mương ra) sớm hơn những nơi khác.
Việc làm này, giúp cây ra hoa sớm và có thể thu hoạch trước Tết Nguyên đán để bán giá cao. Mọi năm, nếu bán vào dịp tết thì giá chỉ từ 8.000-10.000 đồng/kg, do nhiều nơi thu hoạch đồng loạt, nhưng bán vào thời điểm này thì giá ở mức 25.000-27.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tình hình năm nay không mấy khả quan, bởi đầu vụ mà giá đã thấp thì khả năng vào thời điểm thu hoạch rộ giá còn giảm nhiều hơn.
Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A Đặng Kiềm cho biết: Hiện toàn huyện có khoảng 13ha trồng vú sữa, tập trung chủ yếu ở các xã Nhơn Nghĩa A, Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh,… Hầu hết, diện tích vú sữa không được bà con trồng tập trung chuyên canh, mà phần lớn là trồng xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác.
Do sản xuất với quy mô nhỏ nên một số nhà vườn không đủ điều kiện để liên kết tiêu thụ với các thị trường lớn, mà chủ yếu là tiêu thụ ở các chợ tỉnh và một số chợ của các tỉnh lân cận. Thế nên, giá cả cho mặt hàng này vẫn còn bấp bênh và nhà vườn phần nhiều là những người chịu thiệt…
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183238/Mat_mua_rot_gia.aspx
Có thể bạn quan tâm
Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.
Mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô nhỏ được ông Cao Văn Hùng, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), áp dụng 3 năm, cho thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm. Từ cách nuôi đơn giản, hiệu quả, ông đang mở rộng quy mô nuôi đối tượng này.
Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.
Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.
Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.