Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúng túng trong chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới

Lúng túng trong chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới
Ngày đăng: 16/11/2015

HTX Nông nghiệp Đồng Văn, xã Đức Thủy (Đức Thọ) tập trung xây dựng trụ sở, hệ thống nhà bảo quản vật tư sau thu hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh có 545 HTX nông nghiệp, trong đó, 109 HTX được thành lập mới theo Luật HTX 2012.

Các HTX kiểu mới này đã có sự tham gia góp vốn, tài sản, hoạt động thực chất hơn, bước đầu khắc phục được những hạn chế, yếu kém của HTX kiểu cũ.

Hạn chót để số HTX còn lại (436 HTX) bắt buộc phải chuyển đổi hoặc giải thể theo qui định của T.Ư là tháng 7/2016.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh chưa chuyển đổi được HTX nào.

Khó khăn, vướng mắc đầu tiên đó là năng lực quản lý, điều hành bộ máy cán bộ quản lý HTX, đặc biệt là đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dung - Giám đốc HTX Quỳnh Lương (Trung Lương - TX Hồng Lĩnh), khó khăn nhất hiện nay là xây dựng phương án tổ chức SXKD có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho xã viên.

Ngoài ra, khi thực hiện chuyển đổi, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý HTX phải tăng lên nên sẽ gặp khó khăn về chi phí tiền lương, tiền công.

Cũng theo ông Dung, thực tế hiện nay, tính tự chủ của nông hộ ngày càng cao, vai trò và tính hiệu quả các dịch vụ này đang giảm dần và nếu không khéo, việc chuyển đổi HTX kiểu mới chỉ là “bình mới, rượu cũ”, chỉ khác ở chỗ, xã viên góp vốn, kiện toàn bộ máy ban chủ nhiệm, còn cách vận hành sẽ như cũ.

Thực tế hiện nay, HTX chỉ mới lo được khâu bảo vệ thực vật, thủy lợi và một phần cung cấp vật tư nông nghiệp chứ chưa tham gia vào chuỗi hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm kết nối nông dân với doanh nghiệp.

Khó khăn tiếp theo là kêu gọi xã viên góp vốn.

Ông Trần Quốc Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Văn (xã Đức Thủy, Đức Thọ) cho biết, nhiệm vụ chính của HTX là vận hành thủy lợi, bảo vệ hoa màu, dịch vụ vật tư nông nghiệp và là cánh tay nối dài của chính quyền trong chỉ đạo, triển khai sản xuất.

Vai trò, hiệu quả của HTX đối với sản xuất nông nghiệp của các xã viên khá rõ nét, tạo sự đồng thuận cao trong xã viên.

Tuy nhiên, khi HTX chuẩn bị cho chuyển đổi, dù nhiều xã viên viết đơn xin tiếp tục gia nhập HTX kiểu mới, nhưng khi nói đến chuyện góp vốn thì không ai mặn mà hưởng ứng.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương Ích (Đức Thọ) cũng cho biết, ngay cả những người trong bộ máy quản lý HTX cũng không mặn mà với công việc vì đóng góp trả lương cho bộ máy được thu qua đầu người/sào với tỷ lệ rất thấp, bình quân mỗi cán bộ khoảng 600 kg thóc/năm.

Hiện, HTX đã vận động xã viên viết đơn gia nhập HTX và chuẩn bị góp vốn nhưng chưa có ai tham gia.

Một lý do khiến việc chuyển đổi các HTX hoạt động theo luật năm 2012 chậm là công tác tuyên truyền, phổ biến về HTX kiểu mới tới các địa phương, xã viên còn hạn chế, dẫn đến nhiều cán bộ HTX chưa hiểu đúng bản chất của HTX kiểu mới; công tác tổ chức quản lý nhà nước về HTX còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu đổi mới.

Luật HTX năm 2012 xác định rõ bản chất của HTX là phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của thành viên, coi trọng lợi ích hơn lợi nhuận; khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn sẽ hình thành các doanh nghiệp HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trọng Hảo - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đây là vướng mắc mà các HTX đang gặp phải khi bắt buộc điều chỉnh hoạt động theo đúng bản chất của HTX theo Luật HTX năm 2012 về mối quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối và quan hệ quản lý.

Ông Nguyễn Trọng Hảo cho biết thêm, trước những khó khăn, vướng mắc, vừa qua, liên ngành: Kế hoạch - Tài chính - Liên minh HTX đã tổ chức tập huấn hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển đổi, giải thể HTX theo Luật HTX 2012 và những nội dung liên quan cho cán bộ ban quản lý HTX trên toàn tỉnh.

Trong tháng 11 này, Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức thí điểm chuyển đổi cho 6 HTX ở 6 huyện, sau đó, tổ chức rút kinh nghiệm, triển khai đại trà.

Quan điểm của tỉnh là tổ chức chuyển đổi đạt kết quả cao nhất, hạn chế giải thể.


Có thể bạn quan tâm

Khốn Khổ Vì Ruộng Ngập Úng Khốn Khổ Vì Ruộng Ngập Úng

Dẫn chúng tôi đi xem ruộng lúa xứ Rộc Đồn (thôn Hòa Phước, xã Bình Trị) nằm sát con đường bê tông dẫn vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Công Tọa chua chát nói: “Trước đây, kênh mương nội đồng gần như ngang bằng với mặt đường, mưa lớn, nước còn rút đi kịp. Giờ mặt đường cao hơn mặt ruộng đến hơn 2m, mưa xuống, nơi đây chẳng khác gì biển nước”.

20/08/2014
"Tam Nông" Hỗ Trợ Nông Thôn Mới

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7, Khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông) và 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân trong tỉnh có nhiều khởi sắc…

20/08/2014
Gừng Non Chạy Lũ Gừng Non Chạy Lũ

Ông Hồ Thanh Tuyền, quê ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), nhưng lại trồng gừng ở ấp 1, xã Long Trị (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) dẫn chúng tôi ra ruộng gừng đang thu hoạch nhộn nhịp.

20/08/2014
Nga Dỡ Bỏ Lệnh Tạm Đình Chỉ Nhập Khẩu Thủy Sản Của Việt Nam Nga Dỡ Bỏ Lệnh Tạm Đình Chỉ Nhập Khẩu Thủy Sản Của Việt Nam

Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) mới đây cũng thông báo dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga và Liên minh Hải quan (TS) với 7 DN chế biến thủy sản của Việt Nam.

20/08/2014
Làm Giàu Từ Trồng Cây Thanh Long Ruột Đỏ Ở Thị Xã Bỉm Sơn Làm Giàu Từ Trồng Cây Thanh Long Ruột Đỏ Ở Thị Xã Bỉm Sơn

Thăm vườn thanh long ruột đỏ (TLRĐ) đang cho thu hoạch của gia đình anh Đỗ Lương Dũng, xã Quang Trung (thị xã Bỉm Sơn), chúng tôi thấy được niềm tâm huyết, tận tụy của người nông dân này.

20/08/2014