Phát Triển Chăn Nuôi Trang Trại Ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên)
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi hiện đang phát triển khá mạnh. Nhiều nông dân đã đầu tư công sức, tiền của để xây dựng những trang trại có quy mô lớn, đem lại thu nhập cao cho bản thân và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...
Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp PTNT huyện Đồng Hỷ, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Quách Văn Đông, ở xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập. Gia đình anh Đoong đang chăn nuôi gà gia công cho Công ty C.P (Charoen Pokphand) Việt Nam.
Theo mô hình này, Công ty C.P sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; còn người chăn nuôi đầu tư chuồng trại và công chăm sóc. Sau thời gian nhất định, Công ty đến nhập lại gà thành phẩm và người chăn nuôi được hưởng lãi theo sản phẩm, được thưởng thêm nếu chăn nuôi tốt.
Anh Đông cho biết: “Lợi thế của việc nuôi gia công theo mô hình này là độ an toàn dịch bệnh cao do được cán bộ kỹ thuật của Công ty kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Tiền giống, thức ăn, thuốc cũng được Công ty cung cấp, người nuôi cũng không phải lo đầu ra sản phẩm nên gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư trang trại trên diện tích gần 10 nghìn m2 với quy mô nuôi 4 nghìn con gà hậu bị/lứa và 8 nghìn con gà thương phẩm/lứa.
Số tiền gia đình đầu tư để mua đất và làm trang trại gà từ năm 2009 là gần 1,2 tỷ đồng. Sau 4 năm gia đình anh Đông đã trả hết nợ, lợi nhuận trung bình một năm đạt trên 300 triệu đồng. Hiện, trang trại của gia đình anh đang tạo việc làm ổn định cho nhân công với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cách trang trại của anh Đông không xa là trang trại gia đình anh Đặng Văn Giáp ở xóm Cà Phê 2. Trang trại của gia đình anh Giáp cũng nuôi gia công khoảng 10 nghìn con gà hậu bị/năm. Lợi nhuận hằng năm của gia đình anh đạt khoảng 60 triệu đồng…
Bên cạnh các trang trại chăn nuôi gà, trên địa bàn huyện đồng Hỷ còn phát triển các trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thương phẩm. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Ngọc Lân, xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, chăn nuôi lợn thịt quy mô 4 nghìn con/lứa; trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt của gia đình anh Lê Văn Khánh, xã Linh Sơn, với quy mô 2 nghìn con/lứa, đem lại lợi nhuận gần 400 triệu đồng mỗi năm; gia đình Nguyễn Văn Tiếp, xóm 5, thị trấn Sông Cầu, chăn nuôi lợn nái ngoại với quy mô 1.200 con, đem lại lợi nhuận trung bình trên 400 triệu đồng mỗi năm…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông Nghiệp và PTNT, huyện Đồng Hỷ cho biết: Phong trào làm kinh tế trang trại chăn nuôi đang phát triển mạnh ở các xã, thị trấn trên địa bàn Đồng Hỷ. Loại hình trang trại chủ yếu là chăn nuôi gia công với hình thức hợp tác với các công ty chăn nuôi lớn như CP, DABACO, JAPFA, EMIVET...
Tính đến hết năm 2013, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có 70 trang trại hoạt động thường xuyên, mỗi trang trại có vốn đầu tư từ 500 đến 1,5 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động địa phương. Từ đó, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung ở một số xã thị trấn như: Minh Lập, Nam Hòa, Linh Sơn, Hóa Trung và Sông Cầu.
Các trang trại này chăn nuôi theo hình thức công nghiệp quy mô lớn, như: Các trang trại chăn nuôi gà hậu bị (quy mô 4.000-8.000 con/lứa), chăn nuôi gà đẻ thương phẩm (quy mô 12.000-14.000 con/lứa), chăn nuôi gà thịt (4.000 - 8.000 con/lứa), chăn nuôi lợn nái ngoại (60-1.200 nái/lứa), chăn nuôi lợn thịt (2.000-4.000 con/lứa)...
Giá trị doanh thu từ các trang trại này tăng theo từng năm, nếu như năm 2011, tổng doanh thu từ các trang trại trên địa bàn huyện là 255 tỷ thì đến năm 2012, doanh thu đạt 323 tỷ và đến năm 2013, con số này đã đạt 409 tỷ đồng.
Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai xây dựng mô hình, dự án điểm có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn vệ sinh dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường thông tin hỗ trợ các chủ trang trại; tạo điều kiện cho người dân có thể vay vốn các ngân hàng để phát triển chăn nuôi; phát triển trang trại tổng hợp, hướng dẫn nhân dân xây dựng chuồng trại khoa học, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn các chủ trang trại tăng cường sự liên kết theo hình thức hiệp hội, tổ hợp sản xuất, nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân do vừa thu hoạch xong đợt cho trái lần 2 thì nhiều vườn ớt xuất hiện tình trạng cây chết hàng loạt.
Để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống trên 25.000ha rau màu các loại, đạt hơn 50% kế hoạch năm, tăng gần 200ha so với cùng kỳ năm 2014.
Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho gần 80 hộ nông dân trên địa bàn xã Văn Đức.
Trạm Khuyến nông Củ Chi thuộc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM vừa tổ chức hội thảo triển khai Đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” năm 2015 tại địa bàn xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ cao khiến gia súc giảm sức đề kháng và dễ mắc một số bệnh như: E.coli, viêm vú, ký sinh trùng đường máu...