Lùng Sục Khắp Núi Rừng Mua Hạt Khổ Sâm

Cùng với cây cà leo, ươi… thương lái đang lùng sục các núi rừng thu mua cây khổ sâm (cứt chuột) để bán sang Trung Quốc. Người dân đang đổ xô vào rừng khai thác, khiến cây cứt chuột đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
“Cứt chuột” không lỗi thời
Trong chuyến công tác về thôn Tre, xã Trà Thọ (Tây Trà), tình cờ chúng tôi nghe người dân “khoe” họ kiếm được bộn tiền nhờ cây cứt chuột.
Thương lái rất chuộng loại cây này, vài lạng, một ký, hai ký… bao nhiêu cũng tiêu thụ. Mới những ngày đầu có giá chỉ vài nghìn đồng thì nay đã lên đến 20 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm khan hàng lên đến 27 nghìn đồng/kg.
Bà Hồ Thị Sương, một người dân ở thôn Tre thật thà: “Hôm nào rảnh rỗi lên núi hái một buổi cũng kiếm được từ 120-140 nghìn đồng. Quanh năm suốt tháng, thương lái ngày nào cũng mua. Bao nhiêu cũng mua, họ còn đặt hàng trước mà không có bán”.
Ông Hồ Minh Trí- Bí thư Chi bộ thôn Tre khoe: Cùng với cây chuối, cây cứt chuột không bao giờ lỗi thời. Mười mấy năm trở lại đây, nó đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho gia đình ông cũng như nhiều người dân ở nơi vùng cao này.
Cũng theo ông Trí, người dân gom được bao nhiêu thương lái cũng sẵn sàng mua hết và tiền bạc rất sòng phẳng, thậm chí họ còn cho dân ứng trước để tìm hái.
Cây thường trổ hoa và cho quả từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Mỗi ngày như thế, nếu gặp may trúng rẫy có nhiều cây cứt chuột, mỗi người có thể kiếm được từ 240-300 nghìn đồng. Số tiền này với nhiều người, không hẳn là quá lớn nhưng với người dân ở vùng sâu, vùng xa, bấy nhiêu là “khủng” hơn việc làm nương rẫy gấp nhiều lần.
Chiều lại, các thương lái đi dạo bằng xe máy vào tận các bìa rừng, tận các gia đình để thu gom. Người dân ở đây cũng không ai biết chính xác loại cây này có tác dụng chữa bệnh gì, chỉ biết các thương lái bỏ tiền ra thu mua thì họ kéo nhau đi hái về bán. Và cũng do săn lùng quá mức nên cây cứt chuột ngày càng ít và số lượng thu mua hàng ngày cũng ít dần.
“Tôi không biết họ mua để làm gì chỉ nghe phong phanh là bán sang Trung Quốc để làm thuốc trị bệnh đau bụng nên mỗi khi bị đau bụng, tiêu chảy, tôi ăn vài hạt vào chặp lát là khỏi ngay”- ông Trí nói.
Tò mò, chúng tôi theo chân ông Trí lên rẫy tìm cây cứt chuột. Sau 15 phút men theo con dốc dựng đứng lên núi Tà Áng, chúng tôi được tận mắt quan sát cây này.
Cây cứt chuột là loại cây thấp, cao chừng 1,5 m, lá hình mũi, đầu nhọn. Hai mặt lá có lông mịn, hoa nhỏ trắng mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành. Hạt nhìn giống như phân con chuột nên bà con gọi là cây cứt chuột. Khi nếm có vị rất đắng.
Dược liệu quý
Theo ông Vũ Văn Anh- Chủ tịch Hội Đông y TP. Quảng Ngãi, cây mà bà con gọi là cây cứt chuột trong y học có tên gọi là khổ sâm. Đây là loại dược liệu quý chữa các bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ, viêm loét dạ dày- tá tràng, đau bụng, tiêu hoá kém…
Ngoài ra nó cũng có tác dụng chữa sốt rét. Loại cây này mọc nhiều ở những khu rừng mát mẻ, ẩm ướt thích hợp khí hậu ở huyện Trà Bồng và Tây Trà. Với đặc tính hữu dụng của mình, cả thị trường nội địa và Trung Quốc đều chuộng loại cây này.
Tuy nhiên, với việc tận thu của thương lái bán sang Trung Quốc ồ ạt như hiện nay, cây khổ sâm đang dần cạn kiệt và có khả năng tuyệt chủng.
“Từ sâm Ngọc Linh, cây hoàng đằng, cây thiên niên kiện, cây phổ phục linh, trái ươi… thì đến nay là cây khổ sâm. Cứ thương lái tìm mua loại thảo dược gì thì lên rừng tìm thứ đó để bán, cứ cái đà này, dược liệu quý chẳng còn”- ông Nguyễn Ngọc Lư- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y TP. Quảng Ngãi trăn trở.
Cũng theo ông Lư, khí hậu đặc thù của khu vực miền Trung là nhiệt đới gió mùa, nên các loại dược liệu cho hàm lượng tinh bột và tinh dầu đạt chuẩn nhất so với các vùng khí hậu khác. Vì thế, Trung Quốc rất ưa chuộng các cây dược liệu từ khu vực này nên họ cho thương lái về tận vùng sâu, vùng xa kích thích giá để tận thu.
Sau khi thu mua, họ sẽ cho vào các nhà máy để tinh chế để làm thuốc hộp, còn lại xác khô sẽ tẩm hóa chất lên màu rất đẹp rồi xuất bán lại thị trường Việt Nam. Lúc này chúng chỉ là xác khô, ít tác dụng chữa bệnh.
Không phải ngành Đông y bây giờ mới biết mà tình trạng này đã xảy ra từ chục năm trở lại đây. Trước tình trạng dược liệu quý “đội nón” sang Trung Quốc, ông Lư cho rằng, ngành y tế và chính quyền các địa phương cần vào tuyên truyền, quán triệt, đồng thời có cơ chế và kinh phí bảo tồn và phát triển chúng.
Nếu cứ thờ ơ như thế này thì không biết sau sâm Ngọc Linh, cây hoàng đằng, cây thiên niên kiện, cây phổ phục linh, trái ươi, khổ sâm,… cây gì sẽ tiếp tục bị tận diệt?
Có thể bạn quan tâm

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đặng Trường Khanh đã làm nhiều việc khác không liên quan gì đến cây ca cao, nhưng bỗng dưng anh lại được “lệnh” của cha mình rời TP.Hồ Chí Minh lên huyện Định Quán (Đồng Nai) thay ông triển khai dự án phát triển cây ca cao ở vùng đất này. Hơn 8 năm qua, anh đã có biết bao buồn vui với cây ca cao.

Dự án chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được triển khai thử nghiệm tại 12 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thời gian vừa qua đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người chăn nuôi…

Năm 2011, anh Huỳnh Văn Thành, 59 tuổi đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng trang trại tại xã Phước Thắng (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nuôi heo siêu nạc.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo rằng khó khăn về thị trường cùng với dịch bệnh thủy sản chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nguồn nguyên liệu cho năm 2013 không ổn định, qua đó, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Nhưng ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lại cho rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong năm nay.

Hoạt động khai thác tôm hùm con, mà chủ yếu là nghề bẫy bắt để phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua đã phát triển mạnh tại vùng ven biển Bình Thuận. Việc này đã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi tôm hùm trong tự nhiên. Đồng thời việc giăng mắc ngư lưới cụ cố định để bẫy bắt tôm hùm con tràn lan trong các khu vực ven bờ đã cản trở hoạt động đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động tắm biển, vui chơi, giải trí tại các khu du lịch ven biển, gây tranh chấp ngư trường đánh bắt, làm ảnh hưởng an ninh trật tự vùng ven biển.