Nông dân Bình Hòa thu nhập khá từ chăn nuôi bò

Trước đây ở Bình Hòa, nhà ai có bò sinh ra nghé đực thì ăn mừng bằng một chầu bia, còn nếu là nghé cái thì chỉ là vài xị rượu; nhưng nay thì ngược lại. Gần đây, ông Nguyễn Hiến, ở thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa rất vui vì con bò nhà ông vừa cho ra đời một con bê cái. Theo ông Hiến, hiện nay bê cái không những được giá mà còn được thị trường ưa chuộng hơn so với bê đực. Con bê này nuôi được chừng một năm tuổi thì ông nắm chắc trên 15 triệu đồng.
Theo ông Đào Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, nhờ giá cả ổn định ở mức có lợi cho người chăn nuôi, những năm gần đây phong trào chăn nuôi bò ở xã Bình Hòa phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Bà con nuôi bò chủ yếu là chăn nuôi gia trại, nuôi nhốt; các tiến bộ KHKT, nhất là về giống, thức ăn, thú y được áp dụng triệt để, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng đàn bò trong xã khoảng 2.335 con, trong đó 100% là bò lai.
Một trong những nông dân chăn nuôi bò có hiệu quả là ông Phan Ngọc Châu, ở thôn Vĩnh Lộc. Trước đây gia đình ông thuộc diện cận nghèo, nhờ nuôi bò đã vươn lên thoát nghèo và có “của ăn của để”. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò ngày càng phát triển, năm nào ông cũng xuất bán 2 - 3 con nghé. Ông Châu chia sẻ: “Tui thấy nuôi bò cũng nhẹ nhàng hơn các việc khác so với tuổi già. Nhờ lực lượng Khuyến nông và Thú y hàng năm đều có tiêm ngừa dịch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giúp bà con chăn nuôi có thu nhập khá để trang trải cuộc sống gia đình”.
Trên 60% số hộ dân ở Bình Hòa đều có chăn nuôi bò; nhà nhiều từ 6 - 7 con, nhà ít cũng 2 - 3 con. Chị Bùi Thị Ngọc Thủy, ở thôn Trường Định 2, có thu nhập khá từ nuôi bò, cho biết: “Nhà tui bắt đầu nuôi bò từ năm 2005, hàng năm tui đều bán 2 con nghé, thu gần 40 triệu đồng. Tui thấy nuôi bò ổn định hơn nuôi heo”.
Hiện xã Bình Hòa có kế hoạch vận động nhân dân mở rộng chăn nuôi, duy trì bền vững tỉ lệ đàn bò lai để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã nhà. Bên cạnh đó, xã tiếp tục tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho bò; đồng thời chỉ đạo các hội-đoàn thể tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển chăn nuôi nhằm thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều người dân ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết thời gian gần đây các vựa cá ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL tìm đến đây đặt hàng mua cá lòng ròng (các lóc con) với số lượng lớn để cung cấp cho nhà hàng, siêu thị tại TP.HCM.

“Chúng tôi khẳng định, thông tin cá nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ Đồng Tháp là chưa thỏa đáng về mặt khoa học”

Hôm qua (21.6), Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Quốc hội thông qua, với mục tiêu tăng đầu tư cho tam nông “5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước”.

Thời điểm này năm ngoái, giá muối ở Bình Thuận rớt thê thảm, dao động từ 300-500 ngàn đồng/tấn, diêm dân sản xuất không đủ chi phí bù lỗ. Thế nhưng hiện nay giá muối bất ngờ tăng trở lại, từ 700-950 ngàn đồng/tấn, diêm dân lại hào hứng sản xuất muối trở lại.

Ở Hải Dương, do thời tiết bất thường nên sản lượng vải sớm giảm 50% so với năm ngoái. Giá hiện cũng giảm 50% so với đầu mùa, người trồng vải thua lỗ...