Lại chuyện cây giống kém chất lượng
Cây giống chết hàng loạt
Thấy thị trường và nhu cầu sử dụng trái bơ ngày càng tăng, khoảng tháng 6-2014, ông Phạm Phú Hoan (thôn 16, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) dự định trồng khoảng 600 gốc bơ xen trong 10 ha cà phê của gia đình. Tìm hiểu qua sách báo và học hỏi, tham quan mô hình trồng bơ của người dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, ông quyết định chọn đầu tư trồng giống bơ Booth-loại bơ sáp cho trái to, ruột vàng, thịt bơ béo, ưu việt hơn hẳn các giống bơ khác cả về chất lượng, năng suất.
Để tránh mua phải giống trôi nổi, kém chất lượng, theo lời người quen tư vấn, ông Hoan sang tận Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Nông-Lâm nghiệp Ea Kmat (gọi tắt là Công ty Ea Kmat), có trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak để lựa chọn và mua giống. “Tôi mua 600 cây bơ Booth ghép, giá mỗi cây 40 ngàn đồng. Tính cả chi phí vận chuyển, riêng tiền giống cây mua về tới nhà đã mất hơn 26 triệu đồng. Mặc dù đã chuẩn bị đất, bón lót kỹ càng bằng phân chuồng, phân vi sinh và xử lý vôi bột, 600 gốc bơ đều bị chết hàng loạt sau khi trồng chừng 20 ngày”-ông Hoan kể lại
Theo lời ông Hoan mô tả thì sau khi trồng khoảng nửa tháng, trên mắt ghép cây bơ xuất hiện nhiều đốm đen. Các vết này loang rộng dần và chết nguyên mắt ghép. Khi mắt ghép chuyển qua màu đen thì có nhiều loại sinh vật lạ xuất hiện, bu bám nơi vị trí mắt ghép bị chết. “Khi mua, cán bộ kỹ thuật khẳng định, các cây ghép đều phát triển ổn định, chất lượng tốt và hoàn toàn có thể đem ra trồng. Vậy mà chẳng hiểu sao, khi tôi đem trồng lại bị chết hàng loạt, chỉ còn sống chừng 50 cây. Số cây còn sống phát triển rất kém, chỉ cao độ 30-40 cm so với mặt đất”-ông Hoan nói.
Chung cảnh như hộ ông Hoan, hộ anh Đỗ Duy Lương (thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cũng mua tại Công ty Ea Kmat khoảng 40 cây bơ Booth ghép để trồng vào đầu mùa mưa năm ngoái. Tuy nhiên, hiện chỉ còn không đầy chục cây bơ còn sống. “Cùng chung một chế độ chăm sóc nhưng mấy gốc bơ do tôi tự ghép đã lên cao chừng 1 mét, phân nhánh ổn định; trong khi mấy gốc bơ mua từ Công ty Ea Kmat về trồng chỉ sống yếu ớt, chưa cây nào đủ sức phân nhánh”-anh Lương nói.
Theo lời ông Hoan và anh Lương, còn có nhiều hộ khác ở xã Dun cũng mua giống bơ từ Công ty Ea Kmat về trồng và bị chết với những biểu hiện tương tự.
Nguyên nhân do giống chất lượng thấp?
Ông Hoan hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Bờ Ngoong và từng là hộ sản xuất giỏi nhiều năm liền. Với kinh nghiệm làm nông nghiệp cộng thêm sự ham học hỏi cũng như cẩn trọng trong quá trình sản xuất, khả năng mắc lỗi trong quá trình trồng là rất khó.
Anh Lương cho rằng, cũng có thể vì lý do nào đó nên đợt bơ giống đó do Công ty Ea Kmat sản xuất và cung ứng có vấn đề. Công ty Ea Kmat lâu nay làm ăn khá uy tín, là nơi nông dân các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương lân cận đặt niềm tin. Không hiểu sao lứa bơ Booth do chúng tôi mua về lại bị chết hàng loạt.
Với số bơ còn sống sót, theo quan sát của phóng viên, hầu hết đều rất yếu ớt, chỉ lưa thưa vài chiếc lá, chưa có cây nào đủ sức để phân nhánh như các cây bơ ghép khác dù đã gần một năm tuổi. Tuy nhiên, các hộ lỡ mua và trồng phải bơ ghép kém chất lượng này cũng không phản hồi hay khiếu nại gì đến đơn vị cung ứng giống về hiện tượng trên. Ông Hoan cho biết: “Tôi mất khoảng trên dưới 50 triệu đồng tiền vốn đổ vào 600 gốc bơ Booth kém chất lượng. Dự kiến mùa mưa này tôi sẽ chuyển qua loại cây trồng khác để thay thế chứ không dám trồng bơ nữa”.
Còn với anh Lương, sau khi mua trúng đợt bơ kém chất lượng, anh có hỏi thêm nhiều người và được chia sẻ rằng, nếu mua cây bơ ghép sẵn về trồng sẽ dễ bị chết. Tuy nhiên, nếu tự ươm cây và qua Công ty Ea Kmat mua mắt ghép về tự ghép thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn. “Tôi đã ươm vài chục cây, tới mùa mưa này sẽ tự ghép để trồng vì tôi nhận thấy, bơ ngày càng được ưa chuộng và sẽ có giá trị kinh tế cao”-anh Lương nói.
…Mùa khô sắp kết thúc, Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang chuẩn bị bước vào mùa trồng mới. Trường hợp rủi ro bởi mua phải giống cây kém chất lượng như hộ ông Hoan, anh Lương không phải chưa từng xảy ra. Câu chuyện một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này khi lĩnh vực quản lý chất lượng các loại giống cây trồng còn nhiều lỏng lẻo như hiện nay. Không ai hết, chính người nông dân là đối tượng “lãnh đủ” nếu chẳng may gặp phải giống “rởm”.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đang tích cực thu mua củ dong riềng cho nhân dân. Theo Công ty Hoàng Giang hiện đang thu mua với giá bình quân từ 800 đồng đến 1.300 đồng, tuỳ vào từng loại củ cụ thể và khu vực thu mua có gần đường ô tô không. Mặt khác các cơ sở chế biến cũng đang tìm kiếm thị trường ngoài tỉnh để tiêu thụ củ dong, bột dong và sản phẩm miến dong.
Tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất, hàng trăm hộ dân ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam) triển khai gieo trồng dưa gang và dưa leo trên những chân đất lúa. Nhờ dưa được mùa được giá nên nhiều gia đình có nguồn thu nhập cao.
Đây là loại trái cây tươi thứ hai sau thanh long của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào Hàn Quốc.
Thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vốn là nông trường cam Bố Hạ ngày trước. Do giống cam Bố Hạ bị thoái hoá và do đổi mới cơ chế, nông trường giải thể, đất đai giao cho công nhân quản lý, đất trồng cam ngày trước nay được trồng vải thiều. Nếu chỉ dựa vào nguồn thu từ vải thiều thì kinh tế các hộ hạn chế, những năm gần đây nhiều gia đình đã nuôi gà màu chăn thả dưới tán cây vải cho thu nhập khá, đời sống được nâng cao.
Tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Quảng Ngãi thực hiện mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng tại hộ ông Võ Đình Lân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ trên qui mô 108 m3 lồng nổi với tổng lượng cá giống là 1.080 con.