Lúa giống vào mùa
Vụ lúa Đông xuân luôn được xem là vụ sản xuất chính trong năm nên nhà nông rất quan tâm đến khâu chọn giống cho vụ lúa này.
Bởi, việc chọn được nguồn giống tốt có tính quyết định tới 50% sự thành công.
Chính vì vậy, hiện có nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đang đến các điểm bán lúa giống trên địa bàn tỉnh để lựa chọn cho mình một loại giống ưng ý đem về gieo sạ.
Ông Nguyễn Minh Dũng, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Tuy còn khoảng nửa tháng nữa mới đến ngày xuống giống, nhưng để có nguồn giống chất lượng và không bị ép giá vào thời điểm sốt hàng như những năm qua, tôi tranh thủ đi mua lúa giống trước về dự trữ sẵn.
Giống lúa mà tôi cũng như nhiều bà con khác ở thị xã Long Mỹ chọn sạ trong vụ Đông xuân năm nay là OM 5451”.
Qua khảo sát thực tế của chúng tôi, tùy vào điều kiện sản xuất, công ty đặt hàng thu mua mà cơ cấu giống mỗi địa phương khác nhau.
Nếu nông dân ở thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ ưa chuộng giống OM 5451 thì bà con ở huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp hay huyện Châu Thành A lại chọn giống OM 4218, IR 50404, RVT, Jasmine 85, AGPPS 140,…
Theo nhiều đại lý bán lúa giống, thị trường lúa giống bắt đầu vào vụ từ khoảng giữa tháng 10, nhưng thật sự sôi động khoảng hơn 10 ngày nay, khi bà con đang hối hả đi mua lúa giống về phục vụ xuống giống cho khoảng 80.000ha lúa Đông xuân 2015-2016 trên địa bàn tỉnh.
Đa số nông dân tìm mua các giống lúa cấp xác nhận, có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.
Và địa chỉ mà bà con tìm đến thường là Viện Lúa ĐBSCL hoặc một số công ty, hợp tác xã có uy tín nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Son, chủ cửa hàng bán lúa giống Năng Son, ở khu vực Bình Thạnh, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Năm nay, thị trường lúa giống vào vụ sớm hơn so với mọi năm.
Có lẽ do nước lũ nhỏ nên bà con chuẩn bị xuống giống sớm hơn.
Từ đầu vụ đến nay, cơ sở đã bán ra hơn 10 tấn lúa giống cấp nguyên chủng và xác nhận, chủ yếu là giống lúa OM 5451 của Viện Lúa ĐBSCL.
Nhu cầu lúa giống tăng cao, cơ sở đã chuẩn bị khoảng 30 tấn lúa giống các loại bán cho nông dân trong vụ này”.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, quê ở xã nông thôn mới Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, đang mua giống tại cửa hàng Năng Son, chia sẻ: “Tôi vừa cân xong 200kg lúa giống (giống OM 5451) để gieo sạ cho 1ha đất của gia đình.
Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị bước vào mùa vụ sản xuất là tôi lại bỏ ra một, hai ngày đi tìm mua giống lúa cấp xác nhận đem về làm rồi nhân giống cho vụ sau.
Làm như vậy mình vừa có lúa giống vừa có nguồn lúa thương phẩm chất lượng để bán, không sợ bị thương lái chê như những giống chất lượng thấp”.
Hiện nay, tuy thị trường lúa giống khá nhộn nhịp, nhưng nhìn chung, tình hình giá bán không có nhiều biến động so với năm trước, hiện dao động từ 12.000-14.000 đồng/kg, tùy giống.
Bên cạnh đó, điều nông dân cảm thấy phấn khởi là nguồn giống năm nay khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.
Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, thông tin: “Trong kho của trung tâm luôn có khoảng 100 tấn lúa giống các loại đáp ứng nhu cầu của bà con.
Nếu nhu cầu tăng lên, trung tâm sẽ nhập thêm, đảm bảo cung ứng đủ lúa giống.
Năm nay tình hình giá lúa giống khá bình ổn, nên nông dân cũng dễ mua”.
Ngoài trung tâm giống của tỉnh, hiện có rất nhiều đại lý, cơ sở, điểm bán, hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất lúa giống được hình thành, từ đó, nguồn cung ứng giống khá phong phú.
Qua khảo sát sơ bộ tại một số địa phương, hiện huyện Vị Thủy có khoảng 27 tổ liên kết sản xuất lúa giống, với tổng diện tích trên 500ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 2.200 tấn lúa giống chất lượng các loại; còn tại huyện Châu Thành A, hiện toàn huyện cũng có hơn 20 điểm bán lúa giống được phân phối từ các công ty, đơn vị, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trên địa bàn.
Mặc dù nguồn giống khá dồi dào, nhưng vấn đề lo ngại của ngành chức năng và người dân là chất lượng nguồn giống liệu có đảm bảo.
Bởi, ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã chào hàng; đồng thời, các đại lý, điểm bán cũng từ đó mọc lên như nấm.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Để đảm bảo nguồn giống chất lượng, an toàn cho sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, lập kế hoạch, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp trên địa bàn, nhất là việc quản lý chất lượng giống lúa.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để giống lúa kém chất lượng lưu hành trên địa bàn, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất.
Chỉ đạo hệ thống khuyến nông cơ sở thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng những giống lúa trong cơ cấu giống của tỉnh.
“Qua những chương trình khuyến nông mà ngành tổ chức và thực tế sản xuất, nhận thức của người dân về vai trò của lúa giống đã được nâng lên rất nhiều.
Vì vậy, việc nông dân đổ xô tìm các giống lúa có chất lượng tốt để đưa vào sản xuất cũng là điều dễ hiểu.
Đây là những chuyển biến tích cực, không chỉ giúp nông dân làm ra sản phẩm dễ tiêu thụ, tăng thu nhập mà còn góp phần làm cho chất lượng lúa gạo của tỉnh ngày được nâng lên”, ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nghề nuôi chim cút tại Đồng Nai đã và đang đem lại mức thu nhập lý tưởng cho không ít bà con nông dân. Nhiều hộ đã tận dụng được hiệu quả kinh tế từ nghề này để thoát nghèo, dần trở nên khấm khá, có hộ nuôi lớn mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Những năm qua, mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, Cà Mau. Từ mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống. Trong đó phải kể đến ông Trần Văn Ðường, ngụ ấp Ðông Hưng là một trong những hộ nuôi dê đầu tiên của xã.
Nhìn những quả na dai to đều, nặng trĩu khắp các cành cao, cành thấp mới cảm nhận được nỗ lực chịu thương, chịu khó học hỏi không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuyết để có được những bí quyết hay và thành quả của ngày hôm nay.
Đây là mô hình nằm trong chương trình Đề án về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng nhằm mục tiêu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ đó nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cá chày mắt đỏ là một trong những loài cá bản địa sống ở các sông, hồ tự nhiên khu vực phía Bắc, đến nay trở nên quý hiếm do sản lượng ngày càng suy kiệt. Việc nhân giống cá chày mắt đỏ và phổ biến quy trình nhân giống có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời gợi mở cho các hộ nuôi trồng thủy sản một hướng phát triển kinh tế tiềm năng.