Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều Mô Hình Chăn Nuôi Hiệu Quả Ở Mang Thít

Nhiều Mô Hình Chăn Nuôi Hiệu Quả Ở Mang Thít
Ngày đăng: 20/02/2014

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Mang Thít (Vĩnh Long) có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cho thấy người nông dân bắt đầu quan tâm đến khoa học kỹ thuật, gắn kết với các chuyên gia để cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đạt lợi nhuận cao và bền vững…

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, 2 năm trở lại đây, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình trồng dưa hấu, lúa giống, cánh đồng mẫu, nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi cá,… Hầu hết các mô hình này đều có sự kết hợp giữa nông dân và các chuyên gia trong ngành.

Qua đó, hiệu quả kinh tế dần được đẩy mạnh, nông dân được nâng cao trình độ về mặt áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật…

Điển hình như mô hình “Hỗ trợ chăn nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh thái” của Trạm Khuyến nông Mang Thít. Đây là mô hình với quy mô 3.000 con giống gà ta thả vườn 1 ngày tuổi, ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học.

Kỹ thuật này nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, hạn chế các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, giảm tiêu tốn thức ăn,… Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả, trừ hết chi phí, hao hụt con giống,… mô hình đã cho mức lợi nhuận trên 140 triệu đồng chỉ sau 3,5 tháng nuôi.

Trong khi đó, trong năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai 2 mô hình. Cụ thể: Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ với quy mô 1 ha/4 hộ.

Hiệu quả sau 10 tháng nuôi, tỷ lệ hao hụt 5- 10%, với giá bán 15.000 đ/kg, lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Mô hình nuôi cá tra trong ao đất theo quy trình VietGAP với quy mô 1 ha/2 hộ. Tỷ lệ sống 83%, năng suất đạt 250 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí uớc lợi nhuận đạt 200- 250 triệu đồng/ha…

Ngoài ra, ngành khuyến nông huyện còn thực hiện nhiều mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân… Đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Nông dân dám nghĩ, dám làm

Một lần tình cờ lên mạng Internet, anh Lê Văn An (ấp Long Hòa 1, xã Long Mỹ- Mang Thít) bắt gặp mô hình chăn nuôi dế, một mô hình mới chưa từng có ở địa phương lại nhẹ vốn đầu tư. Vậy là anh đã tìm mua con giống bắt đầu nuôi thử.

Với cách làm mới này, đã có nhiều người tìm đến anh để học hỏi kinh nghiệm và anh cũng đã sẵn sàng hướng dẫn cũng như cung cấp con giống.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng năm 2010, cũng qua tìm hiểu trên mạng, anh An bắt đầu làm quen với con cá chạch lấu. Nhận thấy loài cá này có giá trị kinh tế cao và có nhiều khả năng nuôi thương phẩm nên anh quyết định thử sức.

Qua thời gian nuôi thử, thấy loài cá này thích hợp môi trường nuôi ao và không kén thức ăn nên anh quyết định đầu tư. Anh Lê Bá Khiêm, em trai anh An xem ra lại rất mát tay với con cá chạch lấu. Vốn tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm, cộng thêm kinh nghiệm qua thời gian nuôi thử, anh đã có thể ương giống cá này.

Sau nhiều lần anh được các viện, trường có tiếng trong khu vực đặt hàng đề tài ương giống cá chạch lấu, đến nay đề tài khảo nghiệm nuôi cá chạch lấu trong ao đất của anh cho kết quả ban đầu rất khả quan, mở ra triển vọng cung ứng giống loại cá có giá trị thương phẩm cao này. Từ số vốn có được sau thời gian đi lao động xuất khẩu, Lê Văn Vinh (xã Tân Long- Mang Thít) quyết định trở về quê gầy dựng lại đàn thỏ. Từ vài cặp con giống ban đầu, hiện trại của anh có hơn 30 thỏ nái. Mỗi đợt xuất chuồng từ 50- 70 thỏ thịt.

Theo anh Vinh, để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất thì ngoài việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, anh còn tận dụng nguồn rau cỏ xanh, bã đậu nành để làm thức ăn. Với giá bán 50.000 đ/kg thỏ hơi, anh lời khoảng 70.000 đ/con (trọng lượng 2- 2,5 kg/con).

Anh Vinh còn là kênh tiêu thụ cho nhiều hộ chăn nuôi thỏ ở địa phương. Thỏ thịt được anh giao chủ yếu tại các mối ở trong tỉnh. “Bây giờ tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi cũng không khó, lên mạng là có thể tìm được, để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao là cũng nhờ những kiến thức trên mạng đó thôi”- anh Vinh cho biết.

Tại Mang Thít, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình với những nông dân luôn cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, học hỏi các nhà chuyên môn, năng động trong phán đoán thị trường tiêu thụ,… Từ đó, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn là những đầu mối “nhân rộng” kiến thức, kinh nghiệm làm giàu cho lối xóm, làng quê…


Có thể bạn quan tâm

Dịch Lở Mồm Long Móng Gia Tăng Và Diễn Biến Phức Tạp Dịch Lở Mồm Long Móng Gia Tăng Và Diễn Biến Phức Tạp

Theo báo cáo của ngành chức năng, dịch lở mồm long móng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) được phát hiện vào ngày 24-6, mặc dù huyện đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các cơ sở tích cực phòng chống, tuy nhiên đến nay dịch bệnh không thuyên giảm mà tiếp tục gia tăng nhanh.

26/08/2013
Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Gạo Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Gạo Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.

26/08/2013
Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín

Chúng tôi muốn tham quan các vườn cây trái đẹp, nhưng thôn trưởng Võ Văn Lộc lắc đầu, vì hơn 70 hộ tạm trú làm vườn đều đã đóng cửa nhà đi chơi, ăn tết Đoan ngọ. Trong thôn chỉ còn một số nhà, trong đó có ông mà ông thì cũng đang rộn ràng với tết…

19/06/2013
Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn

Do chuột và sâu bệnh nên năng suất lúa hè thu năm nay của nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chỉ đạt 49 tạ/ha. Tuy nhiên, nỗi buồn này phần nào được bù đắp khi cây sắn vừa được mùa lẫn được giá.

27/08/2013
Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Trên Chim Cút Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Trên Chim Cút

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ 2/7/2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số hộ chăn nuôi chim cút tại tỉnh Tiền Giang; một số chim cút mắc bệnh và phải tiêu hủy là hơn 26 ngàn con, nguy cơ dịch lây lan sang đàn gia cầm là rất cao.

06/08/2013