Kỹ Thuật Nuôi Tôm Bằng Chế Phẩm Sinh Học Cho Hiệu Quả Cao
Đầu năm 2012, đề tài khoa học “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên chủ trì được áp dụng vào thực tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ nuôi tôm.
Thu hoạch tôm ở phường Phú Đông - tôm nuôi theo mô hình bền vững bằng chế phẩm sinh học - Ảnh: H.H.THẾ
GIẢI PHÁP LÀM SẠCH MÔI TRƯỜNG
Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ (Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư TP Tuy Hòa), phụ trách kỹ thuật đề tài “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học” cho biết: “Nước ta chỉ mới ứng dụng nhiều chế phẩm sinh học từ năm 2000 trở lại đây.
Thực tế sử dụng trong thời gian qua cho hiệu quả rất tốt, góp phần giảm các loại hóa chất, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu”. Theo kỹ sư Vũ, trong quá trình sinh trưởng và phát triển, các vi sinh vật sẽ tiết ra enzime phân hủy các chất hữu cơ xung quanh nó, làm sạch môi trường.
Trong các phương pháp kiểm soát giảm mầm bệnh trong nuôi thủy sản, việc sử dụng chế phẩm sinh học là một giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.
Kỹ sư Huỳnh Phúc Thịnh - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên cho rằng: Qua nhiều thí nghiệm, nghiên cứu về chế phẩm sinh học, có thể khẳng định chế phẩm sinh học làm giảm các độc tố trong ao nuôi (chủ yếu là NH3, H2S…) xuống mức thấp nhất; cải thiện màu nước, ổn định pH và cân bằng hệ sinh thái trong ao; giảm mùi hôi, giảm các chất hữu cơ, giảm độ nhớt của nước, phòng sự nở hoa của tảo và hấp thu tảo chết; cạnh tranh thức ăn, giảm lượng vi khuẩn có hại trong ao, tăng sự hòa tan oxy từ không khí vào nước; giúp vật nuôi tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, giảm hệ số tiêu tốn thức ăn; cải thiện tốc độ tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của các loài thủy sản; giảm thay nước trong quá trình nuôi.
GIẢM CHI PHÍ, TĂNG NĂNG SUẤT
Cuối năm 2011 đầu năm 2012, mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học được áp dụng thí điểm ở một số hộ nuôi tôm ở Phú Yên đã mang lại kết quả rất tốt. Ông Nguyễn Hải (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), chia sẻ trong niềm vui được mùa: “Vụ đầu năm 2012, thả tôm trong ao nuôi 5.000 m2, tôi vừa thu được 11,6 tấn tôm chân trắng (bình quân 82 con/kg, giá bán 108.000 đồng/kg), thu được hơn 1,2 tỉ đồng, trừ chi phí, còn lãi 600 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Đính, người ở TP Tuy Hòa, nuôi tôm ở đầm Ô Loan, huyện Tuy An, tâm sự: “Tôi nuôi tôm từ năm 1998, lúc đầu hiệu quả mang lại khá cao, nhưng thời gian gần đây thua lỗ do môi trường bị ô nhiễm, tôm chết. Cuối năm 2011, tôi thực hiện mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, kết quả khởi sắc hơn”.
Với diện tích 0,5ha, vụ vừa qua ông Đính lãi ròng trên 400 triệu đồng. “Thực hiện nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thấy ao nuôi không bị ô nhiễm, ít phải thay nước, tôm mau lớn, ít bệnh, chi phí đầu tư thấp hơn những năm trước”, ông Đính nhận định.
Ông Lương Công Toàn ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), với diện tích ao nuôi 0,4 ha, ngay vụ nuôi đầu năm 2012 mang về cho ông lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Lực, xã An Ninh Đông (Tuy An), cũng đạt lãi ròng hơn 200 triệu đồng trên diện tích 0,4ha cho một vụ nuôi.
Theo kỹ sư Huỳnh Văn Vũ: Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đúng quy trình, tôm sẽ giảm dịch bệnh, phân bố đều trong ao nuôi, tôm không bị sốc nước, nhờ vậy tôm phát triển nhanh, thịt tôm sạch, năng suất và lợi nhuận cao... Hơn nữa, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học người nuôi giảm được chi phí sản xuất từ 10 - 20% so với cách nuôi thông thường.
Kỹ sư Nguyễn Đình Nhơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Bước đầu mô hình sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm ở một số hộ trong tỉnh và đạt được kết quả tốt. Tôm nuôi theo quy trình này đạt chất lượng tôm sạch và đảm bảo được nhu cầu xuất khẩu. Trung tâm đang khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này hướng đến xây dựng và phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững”.
Quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học
- Bờ, đáy ao nuôi tôm lót bạt nhựa.
- Lấy nước vào ao nuôi qua túi lọc, giữ trong ao 3 - 4 ngày dùng Saponin (10 - 20 kg/1.000 m3 ) để dễ diệt tạp chất, 3 ngày sau diệt khuẩn bằng các sản phẩm có thành phần chính Iodine.
- Tạo màu nước bằng phân hữu cơ sinh học Bio Compost, sau đó bón vôi Dolomite cho ao nuôi (10 - 20 kg/1.000 m3).
- Các chỉ tiêu môi trường: pH ≥ 7.5, độ kiềm từ 80 trở lên
- Khi nước có màu xanh đọt chuối non, bắt đầu xuống giống.
- Khi tôm được một tháng tuổi cho ăn thức ăn bổ sung: Dịch trùn + chất xúc tác (E.M trùn).
+ Liều lượng và cách làm: Trộn đều 1 kg dịch trùn, 0,5 lít chất xúc tác cho 50 - 60 kg thức ăn, để hỗn hợp trên cho ráo nước, sau đó cho tôm ăn, ngày cho ăn 1 - 2 lần vào bữa ăn chính.
Có thể bạn quan tâm
Ông Huỳnh Hồng Tiền, ngụ ấp Đông Bình Trạch, xã Vĩnh Thành (Châu Thành - An Giang) cho biết, ông trồng 1 héc-ta dưa leo đang cho thu hoạch, bán từ 7.000 – 9.000 đồng/kg (tùy loại), tăng gấp 3-4 lần so thời điểm Tết Nguyên đán. Với giá bán này, trừ các khoản chi phí, ông còn lãi trên 7 triệu đồng/công.
Thuế chống bán phá giá cá tra đối với các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên 2,11 USD mỗi kg, thay vì mức 0,42 USD mỗi kg như đã công bố hồi tháng 3.
Chi nhánh Điện lực huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa thông báo sẽ ngưng cấp điện nuôi tôm công nghiệp qua bình hạ thế công cộng từ ngày 15-6. Đây chủ yếu là những hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát, không có bình hạ thế riêng mà đấu nối qua bình hạ thế công cộng.
Do lợi nhuận trước mắt, nhiều nhà vườn đã bán “khoán” vườn xoài cho người khác chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, xét về lâu dài, hình thức này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển của cây và giá trị kinh tế của vườn.
Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là trên 500 ha. Người nuôi tôm đang khẩn trương xử lý môi trường, cải tạo ao đầm… để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía.