Long Khánh Hoàn Thành Nông Thôn Mới
Hội đồng thẩm định xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai vừa công nhận thêm 4 xã của TX.Long Khánh đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ phát triển nông nghiệp song hành với thương mại, dịch vụ và đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, Long Khánh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vượt tiến độ so mục tiêu đề ra với 9/9 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiều xã của Long Khánh đang tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được bằng việc thực hiện tiêu chí nâng cao trong xây dựng nông thôn mới.
* Về đích sớm
Nhờ được hỗ trợ từ chương trình cây, con chủ lực, gia đình anh Lâm Chính Lộc, ngụ tại ấp Đồi Rìu (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh) đã chuyển đổi 2 hécta vườn điều già cỗi sang trồng cà phê giống mới. Vụ cà phê năm nay, gia đình anh rất phấn khởi vì cà phê cao giá, năng suất cao.
Anh Lộc vui vẻ cho biết: “Nhờ địa phương hỗ trợ, gia đình tôi mới chuyển đổi được sang cây trồng mới cho thu nhập cao hơn hẳn so với mô hình sản xuất cũ. Trường học cho các con tôi chỉ cách nhà nửa cây số, hệ thống đường giao thông được nhựa hóa về tận các thôn, ấp vừa tạo điều kiện sống thuận lợi cho người dân, vừa phục vụ tốt cho bà con trong sản xuất, nhất là trong khâu tiêu thụ nông sản”.
Đầu tư 3.220 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của UBND TX.Long Khánh, trong 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (2009-2014), thị xã đã đầu tư trên 3.220 tỷ đồng cho khu vực nông thôn. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư gần 818 tỷ đồng (chiếm 25,4%); vốn huy động từ các nguồn khác gần 2.403 tỷ đồng (chiếm 74,6%). Riêng nguồn vốn huy động xã hội hóa do người dân và doanh nghiệp đóng góp trên 110 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Gia đình anh Lộc nói riêng và nhiều người dân ở ấp Đồi Rìu nói chung đang ngày càng khấm khá. Trước đây, cũng vùng đất này, chủ yếu chỉ là các rẫy điều cho hiệu quả kinh tế thấp vì thiếu nguồn nước tưới. Từ khi địa phương được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng từ hệ thống đường giao thông nông thôn đến nguồn điện phục vụ sản xuất, người dân đến đây xây nhà ngày càng đông, mạnh dạn bỏ tiền làm giếng khoan, hệ thống tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi sang trồng các loại cây mang lại lợi nhuận cao.
Ông Hoàng Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Hàng Gòn - một trong những xã điển hình của Long Khánh về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới, so sánh: “Đây vốn là địa phương đặc biệt khó khăn với xuất phát điểm rất thấp, 10 năm trước mục tiêu phấn đấu vẫn còn là vươn lên thoát nghèo. Nhưng đến năm 2014, thu nhập bình quân của người dân đã đạt mức gần 35,5 triệu đồng/người/năm”.
Trong đó, chương trình cây trồng chủ lực đã hỗ trợ cho 31 hộ dân chuyển đổi 37 hécta đất trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: tiêu, sầu riêng, cà phê. Mô hình trên đã thu hút người dân tự bỏ vốn đầu tư chuyển đổi cây trồng. Xã chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm 0,07% so tổng số hộ dân của xã. Hiện 2 hộ dân này cũng đã được hỗ trợ về bò giống, dê để thoát nghèo bền vững.
Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân thoát nghèo, phấn đấu vươn lên thành các hộ khá, giàu nhờ những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao... là bí quyết để Long Khánh về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.
* Nông nghiệp và thương mại song hành
Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND TX.Long Khánh, Trưởng ban Chỉ đạo nông thôn mới của thị xã, cho biết: “Song song với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Long Khánh cũng đang nỗ lực hoàn thành việc xây dựng các phường văn minh và khai thác thế mạnh về phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp.
Không chỉ phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh, sản xuất nông sản mà còn cả về chất lượng. Thị xã có nhiều doanh nghiệp mạnh, tổ chức xuất khẩu nông sản, trái cây... trực tiếp sang những thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản...”
Năm đầu tiên thực hiện xây dựng nông thôn mới 2009, thu nhập bình quân của người dân từ 13,8 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 35,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2013.
Trong đó, nhiều loại cây lâu năm của thị xã đã cho thu nhập lên đến 250 triệu đồng/hécta. Với Long Khánh, đây vẫn là bước khởi đầu cho mục tiêu giữ vững và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được. Trong đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng sống về mọi mặt cho người dân luôn được địa phương đặt lên hàng đầu.
Hiện thị xã đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, như: cây chôm chôm ở Bình Lộc, cây tiêu ở xã Bảo Quang, Bảo Vinh, cây cà phê, cây mít ở xã Bình Lộc...
Trong những năm qua, thị xã đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm của địa phương. Địa phương luôn khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.
Những năm qua, Hội ND và chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội đã tích cực phối hợp để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang, nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, ông Lê Văn Bình (thôn Hương Mỹ, Xuân Mỹ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng trang trại tổng hợp, trong đó có mô hình chăn nuôi lợn tập trung. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Sau nhiều vụ nuôi tôm sú thất bại, Võ Văn Sóng ngụ ở ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã quyết định đưa con sò huyết vào nuôi ngay trên diện tích ao nuôi tôm sú và đã thu được kết quả cao. Anh là người đầu tiên ở địa phương nuôi thử nghiệm thành công mô hình này.