Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Tai Nạn Điện

Kể từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng cao, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và thắp sáng “nóng” lên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng điện không an toàn đang là vấn đề đáng báo động.
Theo thống kê mới đây, huyện Cái Nước (Cà Mau) hiện có 3.112 hộ sử dụng điện để nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ có 243 hộ nằm trong vùng được đầu tư lưới điện 3 pha; 2.869 hộ sử dụng lưới điện 1 pha phục vụ thắp sáng để chạy quạt nuôi tôm, trong đó có 2.279 hộ nằm trong khu vực các trạm điện không đủ áp, thường xuyên quá tải và bị ngắt trong giờ cao điểm.
Sử dụng hệ thống điện tạm bợ là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chết người thương tâm.
Bức xúc của người dân về nhu cầu điện phục vụ sản xuất là hoàn toàn chính đáng. Nhưng với sự phát triển tự phát ồ ạt như đã qua, làm cho ngành điện rơi vào thế bị động, không sao trở tay kịp. Hiện tại, hầu hết các trạm biến áp trên địa bàn huyện đều nằm trong tình trạng “lỗi thời”, bởi nhu cầu sử dụng điện của Nhân dân đã vượt xa so với các trạm biến áp được đầu tư trước đó.
Do nguồn điện không bảo đảm, một số nơi Nhân dân bất chấp nguy hiểm, tự ý đóng cầu dao tại các trạm biến áp, nguy cơ tai nạn điện là rất đáng lo ngại. Điều đáng nói hơn là phần lớn số hộ nuôi tôm công nghiệp sử dụng điện để chạy quạt tạo ô-xy cho nuôi tôm đều rất sơ sài, tạm bợ.
Để tiết kiệm chi phí, hầu hết hộ nuôi tôm công nghiệp chỉ kéo điện bằng một sợi dây nóng ra đầm nuôi, dây còn lại kết nối với cây sắt âm xuống đất. Các trụ điện được sử dụng chủ yếu bằng cây gỗ địa phương rất tạm bợ, xiêu vẹo, cao không quá đầu người; dây dẫn điện không đúng quy cách, được tận dụng từ dây cũ đã sử dụng, bong tróc vỏ cách điện nên rất nguy hiểm trong quá trình sử dụng.
Chính sự bất cẩn này, nhiều trường hợp đã thiệt mạng một cách thương tâm. Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1972, ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, bị tai nạn điện vào ngày 7/2/2014. Vì sử dụng một sợi dây nóng, còn dây nguội được âm xuống đất nên trong lúc bơm nước để cải tạo đầm tôm bằng mô-tơ, do bất cẩn anh Linh đã tử vong do điện giật.
Cách đó không lâu, ngày 16/3/2014, thêm một trường hợp nữa tại ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân tử vong. Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn Hoàng, 31 tuổi. Anh Hoàng bị điện giật chết khi lội xuống đầm tôm để cuốn dây điện cũ sử dụng thắp sáng nhưng không ngắt cầu dao.
Mặc dù ngành điện phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn sử dụng điện an toàn cho vùng nuôi tôm công nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo, nhưng tình trạng tai nạn điện trong nuôi tôm công nghiệp vẫn không dừng lại.
Mới đây, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 3/4/2014, trong lúc bơm nước chuẩn bị đầm thả nuôi vụ tôm đầu tay, anh Lê Văn Tuấn, 34 tuổi, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, bất cẩn đi vướng phải sợi dây điện bị tróc vỏ kéo từ nhà ra để chạy mô-tơ, anh Tuấn chết ngay tại chỗ, khoảng 15 phút sau người nhà mới phát hiện. Anh Tuấn ra đi bỏ lại 2 đứa con đang còn trong tuổi ăn, tuổi học rất đáng thương tâm.
Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Cái Nước có 5 trường hợp tử vong do bất cẩn trong sử dụng điện để nuôi tôm công nghiệp. Trong đó xã Lương Thế Trân 3 trường hợp, 2 trường hợp còn lại là ở xã Đông Thới và xã Tân Hưng Đông.
Qua đây cho thấy, cùng với tình trạng quá tải lưới điện không bảo đảm cho sản xuất, việc mất an toàn trong sử dụng điện nuôi tôm công nghiệp đang là hồi chuông báo động đối với huyện Cái Nước hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 24/11 Công an tỉnh Kon Tum cho biết, qua tiến hành truy quét tại khu vực Nam Sa Thầy, đội công tác tăng cường cơ sở đã phát hiện 2 vụ khai thác, cất giấu lâm sản trái phép trong rừng với tổng khối lượng là 19,732m3 gỗ quy tròn các loại.

BCĐ do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đứng đầu, các ủy viên gồm Cục Bảo vệ Thực vật, Vụ Khoa học – Công nghệ, Cục Chế biến nông – lâm sản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp của 3 tỉnh trọng điểm trồng thanh long là Bình Thuận, Tiền Giang, Long An.

Cải tạo vùng đất đồi, lựa chọn cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao là hướng đi mới. Với hướng đi này, anh Cường và một số hộ dân nơi đây đã góp phần làm đa dạng hóa các giống cây trồng, nhất là cây ăn trái. Qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương từng bước thay đổi.

Theo thống kê từ Cộng đồng Tiêu Quốc tế (một nhóm các nhà sản xuất ở Jakarta), hiện hạt tiêu đen đang được giao dịch trên thị trường với mức giá khoảng 9 USD/kg; tăng mạnh so với mức 2 USD/kg trong khoảng 1 thập kỷ trước. Trong khi đó, giá hạt tiêu trắng vào khoảng 13 USD/kg, tăng gấp 3 lần so với 1 thập kỷ trước.

Năm 2013, được tiếp cận nguồn vốn 20 triệu đồng từ Dự án đầu tư cải tạo chăm sóc cà phê, hồ tiêu do Hội Nông dân huyện hỗ trợ, ông K’Đum, ở bon Bu N’đor, xã Đắk Wer đã mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cà phê. Mặc dù nguồn vốn được hỗ trợ không nhiều, nhưng đã giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn lúc đó, cũng như có thêm nguồn vốn để đầu tư tốt cho cây trồng.