Phú Yên Đẩy Mạnh Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Khai Thác Thủy Sản
Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khai thác thủy sản. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 6.139 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 302.511CV. Trong đó tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên là 1.033 chiếc, còn lại có công suất dưới 90CV hoạt động khai thác ở vùng lộng và gần bờ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lực lượng tàu cá khai thác thủy sản từng bước được hiện đại hóa. Đến nay hầu hết các tàu cá đều trang bị thiết bị định vị vệ tinh để xác định vị trí, hành trình trên biển, đánh dấu vị trí ngư trường… Một số tàu cá đã trang bị máy định vị vệ tinh có hải đồ nhằm giúp tàu cá ra vào các luồng lạch, neo đậu các đảo an toàn hơn.
Các tàu cá hoạt động ở vùng biển xa đều đã trang bị máy đàm thoại tầm xa hoặc tầm gần, giúp ngư dân liên lạc với trạm thông tin duyên hải, liên lạc với các tàu cá khác, theo dõi thông tin thời tiết giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ngoài ra, việc các tàu cá được trang bị máy liên lạc tầm xa có chức năng báo vị trí cũng đã giúp các cơ quan quản lý thuận tiện quản lý tàu cá trên biển.
Câu cá ngừ đại dương là nghề khai thác chủ lực của ngư dân Phú Yên, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng cá ngừ đại dương vẫn còn thấp, nguyên nhân là do khâu sơ chế và bảo quản trên tàu cá còn hạn chế. Phương pháp bảo quản hiện nay theo kiểu truyền thống.
Các hầm bảo quản hiện nay trên các tàu cá chủ yếu là hầm gỗ bọc xốp cách nhiệt, khả năng giữ lạnh hạn chế. Kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa thực sự được quan tâm, nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn.
Bên cạnh nghề khai thác cá ngừ đại dương, nghề lưới vây rút chì của ngư dân trong tỉnh cũng dần được hiện đại hóa. Trước đây các tàu cá làm nghề lưới vây rút chì sử dụng máy dò đứng để dò tìm đàn cá. Tuy nhiên máy dò đứng chỉ xác định được đàn cá ngay vị trí của tàu, còn nay nhiều tàu cá đã trang bị máy dò ngang.
Khi trang bị máy dò ngang, ngư dân có thể phát hiện đàn cá từ xa, thông qua hiển thị trên màn hình, thuyền trưởng có thể ước lượng về mật độ, trữ lượng của đàn cá. Tuy nhiên, giá của thiết bị còn cao nên số lượng tàu cá trang bị máy dò ngang còn ít (khoảng 30 chiếc) so với tổng số tàu cá làm nghề lưới vây hiện nay.
Dù các cơ quan chức năng và ngư dân trong tỉnh có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, thế nhưng so với các nước trong khu vực thì tàu cá của ngư dân Phú Yên nói riêng và ngư dân nước ta nói chung vẫn còn lạc hậu, hạn chế về năng lực khai thác.
Trước tình hình nguồn lợi thủy sản vùng lộng và vùng gần bờ ngày càng suy giảm, nhu cầu hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị để giúp ngư dân vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác là vấn đề cấp bách hiện nay.
Do vậy, các ngành chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác và bảo quản thủy sản sau khai thác, nhất là ứng dụng các vật liệu mới trong cải hoán và đóng mới hầm bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.
Hiện nay trên thị trường có nhiều thiết bị mới phục vụ trên tàu cá nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và khai thác thủy sản, nhưng ngư dân chưa có cơ hội tiếp xúc như máy định vị vệ tinh, hệ thống nhận dạng kết hợp trên các định vị hải đồ, máy ra đa hàng hải, thiết bị thông tin liên lạc tầm xa, hệ thống phao cứu sinh…
Để ngư dân có cơ hội tiếp xúc với các thiết bị mới, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các công ty cung cấp để giới thiệu các sản phẩm này. Khuyến khích ngư dân sử dụng công nghệ, thiết bị mới dò tìm đàn cá hiện đại hơn, như máy dò ngang góc quét 100, máy dò ngang góc quét 450, máy dò ngang đa chùm tia đối với nghề lưới vây rút chì, mành, pha súc…
Đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần có công suất lớn với đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ khai thác dài ngày trên biển.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác thủy sản, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu khai thác thủy sản, trường đại học chuyên ngành, các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác và bảo quản thủy sản.
Các cơ quan chuyên môn cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho ngư dân về hiệu quả của các tiến bộ khoa học và công nghệ trong khai thác và bảo quản thủy sản để nâng cao hiệu quả chuyến biển.
Ngành ngân hàng cần tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn với lãi suất phù hợp để họ mua sắm các thiết bị mới phục vụ khai thác và bảo quản sản phẩm…
Có thể bạn quan tâm
Lâm Thao (Phú Thọ) hiện có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản loại hình mặt nước nuôi chuyên là 520 ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 4,8 tấn/ha...
Sau nhiều tháng sụt giảm mạnh, hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú… đã tăng trở lại. Cụ thể, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 116.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 70 con/kg giá 112.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 90 con/kg giá 100.000 - 104.000 đồng/kg… bình quân tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so đầu tháng 6/2014.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK cá tra sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay đạt 126,6 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 3 tháng XK cá tra sang thị trường này sụt giảm liên tiếp, với tỷ trọng 18,6% tổng giá trị XK cá tra Việt Nam, Mỹ đã phải nhường ngôi vị quán quân cho thị trường EU, với tỷ trọng 20,7%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5, đặc biệt XK sang thị trường Mỹ đã nhanh chóng vượt xa Nhật Bản và EU. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, XK tôm Việt Nam trong tháng 5/2013 đạt 345 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang hầu hết các thị trường chính đều tăng mạnh nhờ đó, tổng XK tôm 5 tháng của Việt Nam tăng 70,4% lên 1,4 tỷ USD.
Vốn gắn bó với cây trồng truyền thống là cà phê nhưng ông Hoàng Ngọc Tứ ở thôn Gia Thạnh, thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà - Lâm Đồng) vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình.