Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lợi Ích Bền Vững Từ Liên Kết Tiêu Thụ Sản Phẩm Trong Chăn Nuôi

Lợi Ích Bền Vững Từ Liên Kết Tiêu Thụ Sản Phẩm Trong Chăn Nuôi
Ngày đăng: 04/07/2013

Trước thực trạng người chăn nuôi đang gặp khó khăn vì thua lỗ do dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động tổ chức các chuỗi liên kết nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đây là bước đi tích cực, phù hợp, không chỉ đem lại lợi ích cho các "nhà" tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ mà còn là một biện pháp bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.

Điểm gặp gỡ hữu ích

Ngày 29/6, Hội nghị xúc tiến thương mại và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở chăn nuôi tham gia. Tại diễn đàn này, các công ty bao tiêu sản phẩm và người chăn nuôi đã tìm được những đối tác cần thiết.

Ông Trần Trung Chính - Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Quốc tế Victory Asian cho biết: Công ty có hệ thống phân phối sản phẩm nhưng chưa tìm được nhà sản xuất phù hợp để hợp tác. Tất nhiên, để có thể hợp tác thì các cơ sở sản xuất phải đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ.

Tham gia vào mối liên kết, Công ty sẽ hỗ trợ cho các trang trại về khoa học kỹ thuật, tư vấn về công nghệ, mô hình chăn nuôi, thị trường tiêu thụ… để có được sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mặt khác, Công ty sẽ có những cam kết về giá cả, vì thế người chăn nuôi sẽ không lo bị giá xuống thấp khi thị trường gặp biến động.

Ông Nguyễn Thành Lưu - Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho biết: Tham gia vào chuỗi liên kết, ngoài việc được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, người chăn nuôi còn được Sàn giao dịch đứng ra kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, thúc đẩy liên kết đầu tư và hợp tác kinh doanh. Thậm chí, cơ sở nào muốn xây dựng thương hiệu, Sàn giao dịch sẽ giúp.

Về phía người cung cấp sản phẩm, ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi DVTH Cổ Đông, thị xã Sơn Tây thừa nhận: Người chăn nuôi không thể vừa chăn nuôi, vừa sản xuất thức ăn, vừa tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, rất cần Sở NN&PTNT đứng ra kết nối tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi.

Mặc khác, trong lĩnh vực công nghiệp hóa, các cơ sở chăn nuôi khó có thể cạnh tranh được với các tập đoàn, các tổng công ty lớn của nước ngoài, nên chăn nuôi theo hướng tạo ra các sản phẩm sạch mới có thể tồn tại được. Muốn vậy phải có các nhà cung cấp con giống, thức ăn sạch, đảm bảo chất lượng, sau đó đứng ra bao tiêu sản phẩm; các cơ sở sản xuất sẽ chăn nuôi theo đúng quy trình công nghệ của họ.

Nhân rộng hiệu quả chuỗi liên kết

Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mỗi ngày người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 tấn thịt, nhưng ngành chăn nuôi của TP mới đáp ứng được 60%. Do vậy, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho TP quan tâm hỗ trợ đầu tư con giống và xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2012, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã xây dựng thành công chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trứng gà Tiên Viên với 10 hộ chăn nuôi và 90 cửa hàng tiêu thụ trứng; hỗ trợ chuỗi đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hộp đựng trứng, in tem nhãn…

Kết quả đã liên kết được 12 hộ chăn nuôi tham gia với sản lượng trứng tiêu thụ đạt 70.000 quả/ngày/90 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, giá trứng cao hơn sản phẩm cùng loại tiêu thụ tự do 150 đồng/quả. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tư vấn, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thịt lợn hữu cơ cho trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn); tư vấn hỗ trợ xây dựng một số nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội như trứng gà sạch Tiên Viên, trứng gà 729 ở Ba Vì…

Từ những thành công này, năm 2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi tiếp tục triển khai 8 chuỗi liên kết trong chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gồm: Gà thả vườn Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, vịt Đại Xuyên, gà Mía Sơn Tây…

Tiến hành hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi về con giống, vaccine, thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm cho các công ty tiêu thụ thực phẩm; tuyên truyền quảng bá, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm chăn nuôi.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại ngày 29/6, Trung tâm Phát triển chăn nuôi đã ký kết hợp tác với Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn và người chăn nuôi; đồng thời ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số tỉnh, thành khác như Phú Thọ, Tuyên Quang…


Có thể bạn quan tâm

Ổi rớt giá Ổi rớt giá

Giá ổi bán tại vườn hiện chỉ còn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức giá đạt từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

05/05/2015
Làm giàu từ cây sầu riêng Làm giàu từ cây sầu riêng

Anh Ngô Văn Sáu (ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một nông dân cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học hỏi. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6 – một trong những hộ nông dân điển hình của địa phương - mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.

05/05/2015
Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng cam sành Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng cam sành

Tổng diện tích cam trên địa bàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đến tháng 12-2014 là trên 4.602 ha. Trong đó diện tích cam trồng mới trên 859 ha (diện tích trồng bằng giống cam sạch bệnh năm 2014 là 15,2 ha); cam kiến thiết cơ bản trên 717 ha, diện tích cam kinh doanh trên 3.026 ha.

05/05/2015
Xuất khẩu trên 11 triệu USD chuối tiêu sang Nga Xuất khẩu trên 11 triệu USD chuối tiêu sang Nga

Theo Công ty TNHH sản xuất, chế biến rau, củ, quả Toàn Cầu (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), doanh nghiệp vừa ký được đơn hàng xuất khẩu chuối tươi trị giá trên 11 triệu USD sang thị trường Nga.

05/05/2015
Sẽ giảm dần diện tích hành tím Sẽ giảm dần diện tích hành tím

Nhiều năm này, hành tím là "đặc sản độc quyền" của tỉnh Sóc Trăng. Giá luôn ở mức khá cao nên người dân đua nhau mở rộng diện tích đến mức khó kiểm soát.

06/05/2015