Linh Chi Đỏ Đà Lạt
Linh chỉ đỏ Đà Lạt, loại nấm có công dụng tốt trong bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật hiện được trồng khá nhiều và là mặt hàng đắt giá trên thị trường.
Ở trang trại của anh chị Nguyễn Hồng Quyền - Trần Thị Thu Hường trên đường Đặng Thái Thân, phường 3, Đà Lạt, cây nấm linh chi quý hiếm này đã thực sự được bàn tay con người thuần dưỡng, cung cấp cho thị trường những tai nấm linh chi đỏ thượng hạng.
Trại nấm linh chi đỏ Đà Lạt của anh Quyền - chị Hường không lớn, chỉ chừng 1.000m2. Nấm linh chi là loài sống trong bóng râm, sống trong nhà, bởi vậy diện tích trồng nấm hoàn toàn là nhà kính, phía trên mái được bao phủ hai lớp lưới đen.
Anh Quyền giải thích, lớp lưới đen giúp hấp thụ ánh sáng, giữ ẩm đồng thời chống nóng, giúp nhà kính mát hơn, gần với môi trường tự nhiên của linh chi đỏ là sống bám dưới gốc các cây cổ thụ trong rừng.
Linh chi đỏ Đà Lạt là loài đặc hữu, chỉ tồn tại và phát triển ở nơi có nhiệt độ từ 22-26 độ C nên chỉ có Đà Lạt mới có thể nuôi trồng được loại nấm này. Nền nhà nấm được anh chị đổ đá dăm lẫn bột đá, không vương một cọng cỏ hay cọng rác cũng như nước thừa.
Thay vì treo bịch nấm, anh chị xếp bịch nấm theo kiểu tráo đầu đuôi trên mặt đất có đệm lót là hai hàng gạch. Điều này, theo anh Quyền, giúp công chăm sóc dễ dàng hơn và cây nấm chỉ mọc ra từ cổ bịch nhằm làm tăng giá trị cây nấm.
Nấm linh chi yêu cầu môi trường sống sạch nhưng chăm sóc không khó, chỉ cần tưới nước một ngày 3-4 lần, mỗi lần 2 phút, nếu tưới nhiều quá dễ gây hỏng nấm.
Bởi vậy, trước khi nhập nấm, nhà kính được khử trùng bằng vôi thật kỹ trong 5-7 ngày và hệ thống nước được anh chị đầu tư là hệ thống tưới phun sương tự động. Nước tưới cho nấm linh chi có thể là nước giếng khoan hoặc nước máy đã khử qua clo.
Chị Thu Hường, người trực tiếp chăm sóc nấm cho biết, từ khi nhập bịch vào tới khi thu hoạch là 3 tháng. Trong thời gian đó, để đảm bảo chất lượng nấm đồng đều, anh chị kiểm soát chặt chẽ để mỗi bịch chỉ được ra một tai, nếu ra thêm tai thứ hai sẽ cắt ngay khi mới nhú.
Chính bởi vậy, tai nấm linh chi đỏ trưởng thành trong trại nấm của gia đình rất lớn và đồng đều, năng suất đạt tới 60 gam/bịch so với năng suất trung bình là 45 gam/bịch. Nhà nấm của anh chị trồng 9 thiên (90 ngàn bịch) nhưng phân ra thành nhiều khu nhỏ hơn, mỗi khu thuộc một lứa nấm khác nhau.
Việc chia nấm thành các độ tuổi nhằm đảm bảo sự chăm sóc phù hợp với chu trình sinh trưởng của cây nấm. Nấm linh chi đỏ thu hoạch trong 3 tuần, tuần đầu là thu hoạch rải rác các tai nấm “chín” sớm, hai tuần sau nấm “chín” rộ, sẽ thu hoạch một lần và hủy bịch, làm vệ sinh tiếp tục trồng lứa mới.
Với giá cả xuất ngay tại trại gồm 240 ngàn đồng/kg nấm linh chi tươi và 600 ngàn đồng/kg nấm linh chi khô, trại nấm mang lại cho anh chị thu nhập đáng kể. Chị Tú Anh, chủ một trại nấm tại Đạ Sar, Lạc Dương cũng là khách hàng của trại nấm Hồng Quyền - Thu Hường đánh giá: “Nấm của cô chú trồng rất tốt, chất lượng cao, tôi thường mua nấm tươi về bỏ tủ lạnh uống dần.
Giá cả như thế này cũng là vừa phải, bản thân mình lại xác nhận được nguồn gốc, an toàn và yên tâm hơn mua nấm trôi nổi”. Để phục vụ khách hàng chu đáo hơn, anh chị đang tiến hành xây dựng thương hiệu nấm HQ Farm, làm các thủ tục chứng nhận trang trại sản xuất nấm sạch, đạt vệ sinh hợp chuẩn.
Cây nấm linh chi đỏ Đà Lạt, dưới công sức của những người như anh Quyền, chị Hường và nhiều trại nấm khác đang dần được mở rộng, cung cấp cho thị trường nguồn dược phẩm đảm bảo, bớt dần phụ thuộc vào nguồn nấm linh chi nhập khẩu. Đồng thời, công việc làm ăn ấy cũng góp phần quảng bá, nhất là nấm quý của đất Đà Lạt, nấm linh chi đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Hội Nông dân (HND), nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã mạnh dạn, nhạy bén với thị trường để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Cây thanh long có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mexico và Colombia, là cây nhiệt đới khô. Quả thanh long nặng 150-600g, cũng có giống cho quả nặng 1kg...
Bước xuống từ bục vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015, nhiều điển hình nông dân bày tỏ niềm vinh dự, tự hào, đồng thời họ cũng để lại tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị tới Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội NDVN. Báo NTNN xin lược trích một số ý kiến...
Với những người nông dân, việc kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng đủ để chi phí sinh hoạt đã là niềm mơ ước, nhưng với những nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu (Sơn La), chuyện kiếm vài trăm triệu đồng đến cả vài tỷ đồng/năm đã không còn là chuyện lạ.
Tiếc đất bỏ hoang, một số nông dân (ND) ở TP.HCM đã nhảy vào đầu tư nuôi cá, trồng lúa... bất chấp rủi ro khi chính quyền thu hồi đất.