Liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa ở Duy Xuyên doanh nghiệp đã quay lại thu mua sản phẩm
Ngày 29.6, Báo Quảng Nam đăng bài “Liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa ở Duy Xuyên: Nông dân điêu đứng”, phản ánh về việc Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa ở tỉnh Nghệ An liên kết với một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Duy Xuyên tổ chức cho nông dân sản xuất hơn 56ha lúa giống hàng hóa AC5 và Thảo dược VH1 trên các cánh đồng mẫu, tập trung chủ yếu tại 3 xã gồm Duy Hòa, Duy Phước, Duy Sơn. Thực tế cho thấy, năng suất bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha, với số diện tích vừa nêu thì dự tính nông dân thu về ít nhất 2,2 tỷ đồng. Thế nhưng, gần 2 tháng sau khi thu hoạch, doanh nghiệp này không tiến hành thu mua sản phẩm theo như cam kết ban đầu khiến lãnh đạo các hợp tác xã và hàng trăm hộ dân điêu đứng.
Gần đây, Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa đã cử người vào huyện Duy Xuyên kiểm tra chất lượng hạt giống ở từng hộ dân và triển khai việc thu mua sản phẩm. Ông Võ Thông (thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa) cho hay, vụ đông xuân 2014 - 2015 vừa qua gia đình ông gieo sạ hơn 6 sào lúa giống Thảo dược VH1 trên cánh đồng mẫu Đồng Nam.
Do thời tiết diễn biến phức tạp khiến sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh nên năng suất lúa chỉ đạt 200kg/sào. Gần 2 tháng trôi qua, ông Thông mới thấy đại diện doanh nghiệp tìm đến nhà rồi kiểm tra kỹ càng từng bao lúa và áp dụng mức giá thu mua theo hợp đồng là 6.940 đồng/kg.
Theo ông Thông, với sản lượng và giá bán sản phẩm như vừa đề cập thì tính ra ông bị thua lỗ so với trước đây làm các loại giống lúa khác như Xi23, Nhị ưu 838... Bởi, chi phí đầu tư cho mô hình canh tác giống lúa Thảo dược VH1 cao hơn, trong khi đó giá trị kinh tế thu về lại đạt thấp. “Bây giờ, Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa đã chất lúa giống lên xe tải chở đi rồi nhưng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào. Doanh nghiệp đó hứa chắc như đinh đóng cột là trong khoảng một tuần họ sẽ thanh toán dứt điểm tiền nong cho bà con nông dân. Hy vọng trong chuyện thanh toán tiền này chúng tôi không phải mỏi mòn chờ đợi như cái kiểu hứa thu mua sản phẩm của họ vừa rồi” - ông Thông thở dài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa chỉ tiến hành thu mua hạt lúa giống đảm bảo các yêu cầu về mặt chất lượng như không nấm mốc, lẫn lộn với các loại lúa khác ở cả 3 đơn vị liên kết sản xuất gồm Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Phước. Còn đối với những lô giống lúa AC5 và Thảo dược VH1 không đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp này chỉ mua theo giá lúa thương phẩm trên thị trường, nghĩa là thấp hơn khoảng 1.500 - 1.900 đồng/kg.
Ông Trần Xuân Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Duy Hòa 2 cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị ký hợp đồng sản xuất 20ha lúa giống AC5 và Thảo dược VH1, vì nhiều nguyên nhân nên năng suất bình quân đạt rất thấp, chỉ từ 200 đến 220kg/sào. Ông Dũng nói: “Sau khi trực tiếp đến từng hộ dân kiểm tra thì Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa chỉ thu mua 31 tấn lúa giống theo đơn giá mà hợp đồng đã ký kết, 14 tấn lúa giống còn lại doanh nghiệp vẫn mua nhưng giá thấp hơn nhiều vì cho rằng không đảm bảo chất lượng”.
Có mặt tại xã Duy Hòa vào chiều 15.7, chúng tôi nhận thấy cảnh thu mua lúa diễn ra trong sự mệt mỏi của người dân. Bởi, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa lại tiếp tục kiểm tra chất lượng hạt giống trước khi cân và chất lên xe tải, dù những ngày qua họ đã kiểm tra rất kỹ ở từng hộ. Trước việc làm đó của doanh nghiệp, rất nhiều nông dân và lãnh đạo hợp tác xã tỏ ra phiền lòng. Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho rằng, sự việc lần này đã cho các đơn vị liên quan và nông dân nhiều bài học kinh nghiệm trong việc làm ăn với doanh nghiệp, nhất là từ quy trình sản xuất đến thu hoạch, phơi khô cần thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Ông Năm nói: “Thời gian đến, chủ trương của ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên là vẫn duy trì mối liên kết này, tiếp tục bố trí sản xuất trên một số cánh đồng mẫu bởi đây là tiền đề quan trọng giúp nông dân yên tâm về chuyện đầu ra nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá như nhiều năm qua và góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến mặt hàng này tại xã Duy Châu để gắn bó lâu dài trên mảnh đất Duy Xuyên”. Trong khi đó, theo nhiều nông dân Duy Xuyên, họ không còn mặn mà với sự liên kết này vì vừa trải qua những tháng ngày chờ đợi mòn mỏi do sự thất tín của doanh nghiệp trong chuyện thu mua sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, nuôi tôm hiện đang mang lại lợi nhuận cao nhất cho toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất.
Hiện nay, huyện Cái Nước (Cà Mau) có tổng số hơn 2.210 hộ tận dụng gần 300 ha diện tích mương vườn để nuôi cá chình và cá bống tượng. Mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Hưng Mỹ, Phú Hưng và Thạnh Phú.
Câu chuyện về mô hình nuôi lợn không tắm ở Hà Nam được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên trong cuộc họp Chính phủ hôm (27.6) như một điển hình mà nhiều địa phương cần nhìn vào trong lúc kinh tế, cụ thể là sản xuất nông nghiệp, đang hết sức khó khăn.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới vào sản xuất để giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN - KN) tỉnh đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho nông dân.
Là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa hằng năm đều tăng về sản lượng và giá trị sản xuất.