Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên kết để tạo ra nông sản an toàn

Liên kết để tạo ra nông sản an toàn
Ngày đăng: 27/11/2015

“Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”, đại biểu Trần Ngọc Vinh cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe của người dân đang ở mức trầm trọng.

Đó cũng là lời cảnh báo về an toàn thực phẩm, cũng là tiếng chuông cảnh báo sản xuất nông sản phải thay đổi để có chỗ đứng trên thị trường trong bối cảnh “cánh cửa hội nhập” đang mở toang.

Lo ngộ độc thực phẩm từ chợ quê đến siêu thị

Giờ đây nỗi lo của người dân về sự an toàn ngày càng gia tăng, bởi họ phải đắn đo lựa chọn: Từ đồ chơi cho trẻ em đến các loại thức ăn hàng ngày cho gia đình.

Nhìn trên bình diện rộng, thì đa số các loại thực phẩm vẫn an toàn, nhưng vì hám lợi, một số người đã bất chấp thủ đoạn “tẩm thuốc độc” vào các loại thực phẩm.

“Chuối ngâm vào thuốc diệt cỏ… thì ác quá, tôi lạnh xương sống.

Những đứa trẻ ăn phải những quả chuối đó thì sao.

Đó là tội ác chứ không phải chỉ là vi phạm”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát hẳn rất chua xót khi nhận xét như thế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, liên quan đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp xác định sẽ làm hết sức để chấn chỉnh; tập trung vào 5 nhóm giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, tăng cường năng lực hệ thống.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp thừa nhận các giải pháp chỉ thực hiện ở mức độ kiềm chế tình hình chứ chưa có cải thiện đáng kể.

Thậm chí gần đây một số việc còn xấu đi như việc sử dụng kháng sinh, chất cấm chăn nuôi đang bùng phát.

Thực tế trong vài năm qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Có ý kiến cho rằng, lâu nay cách quản lý an toàn thực phẩm gần như chỉ nằm ở “phần ngọn”.

Khi xảy ra ngộ độc mới truy tìm nguyên nhân dính ngộ độc.

Không quá khó để xác định các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể: thực khách là công nhân hay khách dự tiệc ở đâu.

Song, quá khó để thực khách đưa ra nhận định: ăn món lẩu mắm, canh cua đồng… ở nhà hàng này có an toàn hay không? Nỗi lo không chỉ nằm ở nguồn gốc cua xay hay cái mùi “khoái khẩu” từ mắm mà nỗi lo còn phủ lên cả một “lẩu rau tươi” bắt mắt nhưng không biết có an toàn không.

Chuyện kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ nằm trong kế hoạch hạn chế hay chỉ làm mạnh trong tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm của các địa phương.

Gần như ra quân kiểm tra là phát hiện nhiều cơ sở, nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nỗi lo về an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở các chợ quê, chợ thành.

Người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn với nhiều câu hỏi ngay các hệ thống siêu thị đang mọc lên bán hàng tươi sống ở các đô thị lớn.

Người có thu nhập khá ở các đô thị đang từng bước thay đổi cách mua hàng ở chợ gần nhà bằng các siêu thị vì một điều đơn giản: hàng tươi sống, đẹp, bắt mắt, dù giá cả thường cao hơn ở các chợ truyền thống.

Song, câu hỏi đặt ra là trả giá cao hơn để mua hàng nhưng có an toàn hơn không; liệu có truy xuất được nguồn gốc hàng thực phẩm tươi sống, rau quả ở các siêu thị?

“Nhật ký” cho vùng sản xuất nông sản

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tạo nên vựa nông - thủy sản của cả nước với khoảng 800.000ha nuôi thủy sản, sản lượng khoảng 2,4 triệu tấn.

Diện tích cây ăn trái khoảng 300.000ha, sản lượng 3,8 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng cả nước.

Trong khi đó, đất trồng lúa khoảng 3 vụ khoảng 4 triệu héc-ta/năm, sản lượng trên 25 triệu tấn… ĐBSCL là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ lực cho xuất khẩu nông - thủy sản của cả nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp đều chung nhận định: Nông nghiệp ĐBSCL vẫn còn trong tình trạng phát triển chưa thật bền vững, thu nhập của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp còn thấp.

Thực tiễn sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ; hệ thống các công trình giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đặc biệt là trong nuôi tôm.

“Nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt để sản xuất nông sản sạch thì coi như chúng ta đang tự nguyện uống thuốc độc và chết một cách từ từ”, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cảnh báo về tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.

Tiêu chí có thể làm hài lòng người tiêu dùng trong nước hiện nay là áp dụng chương trình VietGAP.

Theo đó, người sản xuất phải ghi nhật ký về thời gian quy trình, liều lượng bón phân hay phun thuốc… Đây là cơ sở để cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc và tạo niềm tin với người tiêu dùng; là tiền đề quan trọng để nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn và cạnh tranh với hàng ngoại ngay ở thị trường trong nước.

Theo ngành nông nghiệp ĐBSCL, nhiệm vụ cấp bách là quy hoạch ổn định các vùng sản xuất chủ lực trong vùng.

Trong đó, then chốt là tổ chức lại sản xuất gắn kết thiết thực với nhu cầu của thị trường.

“Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các ngành chức năng để tăng cường kiểm soát, xử lý tình trạng hàng nông sản “bẩn” lưu thông ra thị trường.

Nhưng theo tôi, cần ban hành các chế tài mạnh hơn để xử lý và răn đe tình trạng này.

Về quan hệ sản xuất nhất là lĩnh vực kinh tế tập thể, cần tổng kết toàn diện và tiếp tục có nghị quyết chuyên đề để phát triển xứng tầm trên lĩnh vực này để xây dựng chuỗi giá trị trong sản phẩm nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất.

Nhiều nước nhập khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam đang đặt ra những rào cản thương mại rất cao, do đó muốn xuất khẩu vào những thị trường khó tính đòi hỏi nông sản ĐBSCL phải có thương hiệu uy tín, sản lượng lớn, ổn định và chất lượng cao, đồng nhất trên từng loại sản phẩm.

Chính vì vậy, việc các ngành chức năng hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã canh tác, sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đạt chất lượng là “đòn bẩy” để nông - thủy sản Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thương trường.

Thực tế, ĐBSCL đã xuất hiện một số mô hình nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất cây ăn trái, lúa… đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, các mô hình này phát triển rất chậm do đòi hỏi tuân thủ các quy định nghiêm ngặt và nguồn lực đầu tư khá lớn.

Người tiêu dùng thông minh đòi hỏi và truy xét về nguồn gốc nông - thủy sản sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn là tất yếu trong xu thế hội nhập - ngay cả thị trường nội địa.

Chính vì vậy, việc hình thành các tổ chức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm sạch, đồng nhất, gắn với các kênh phân phối hợp lý là “chỉ dẫn tin cậy” cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Lúa Lai Arize B-TE1 Vùng Tôm Lúa Hiệu Quả Lúa Lai Arize B-TE1 Vùng Tôm Lúa

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với diện tích canh tác hàng năm hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa cả nước. Tuy nhiên, đây là một trong 5 vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn.

06/09/2013
Giá Tăng, Nông Dân Nuôi Cá Bè Phấn Khởi Giá Tăng, Nông Dân Nuôi Cá Bè Phấn Khởi

Mấy ngày nay, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè ở Tiền Giang phấn khởi do giá cá điêu hồng nằm ở mức 41.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Với giá bán này, sau khi trừ mọi chi phí, người nuôi cá bè có thể lãi trên 50 triệu đồng/bè khi thu hoạch.

10/06/2013
Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Định Bình Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Định Bình

Năm 2009, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-CN Bình Định thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao” phù hợp trên các hồ chứa nước lớn của tỉnh. Kết quả của đề tài đã thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè ở hồ Định Bình trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

09/09/2013
Tập Huấn Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Theo Quy Trình VietGAP Tập Huấn Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Theo Quy Trình VietGAP

Ngày 29/8/2013, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức tập huấn lần 2 mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi theo quy trình GAP tại hội trường Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà.

09/09/2013
Nhiều Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả Nhiều Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả

Năm 2012, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã triển khai thí điểm 10 mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt, với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng; trong đó có 5 mô hình nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư cùng với nông dân.

29/07/2013