Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Đồng Lúa Chết Héo

Những Đồng Lúa Chết Héo
Ngày đăng: 18/06/2014

Do nắng hạn khốc liệt, mạch nước ngầm lại bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nghiêm trọng nên vụ hè thu này nhiều diện tích lúa ở thôn Hà Thuận và Trà Đông (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) phải bỏ hoang. Những chân ruộng may mắn gieo sạ được thì lúa non cũng đang chết héo dần vì không có nguồn nước tưới…   

Nông dân điêu đứng

Nắng hầm hập, đứng trên cánh đồng Rộc Bà Chua nhìn ruộng lúa non khô cháy, đất nứt toác, bà Huỳnh Thị Tám, thôn Hà Thuận than phiền: “Hồi cuối tháng 5, nhờ hút được nước ngọt từ giếng khoan lên nên tôi làm đất, đổ ải gieo sạ hơn 1 sào lúa ni. Ba tuần nay, thấy cây mạ sinh trưởng tốt, tôi khấp khởi mừng nhưng mấy ngày gần đây do ruộng bị sặc phèn và mạch nước ngầm nhiễm mặn nghiêm trọng khiến tôi không thể bơm nước tưới.

Vì vậy, cây lúa cứ chết héo dần”. Bà Tám đang cùng các thành viên trong gia đình cuốc bỏ số diện tích lúa chết héo để lấy đất trồng cỏ nuôi bò. Tuy nhiên, trước tình trạng ruộng bị mặn và phèn đồng loạt tấn công, bà Tám cũng lo sợ cây cỏ không tồn tại nổi.

Cách ruộng bà Tám vài chục bước chân, ông Võ Vân cũng điêu đứng khi 2 sào lúa của mình đang sống vất vưởng vì nắng hạn. Ông Vân nói: “Gần 10 ngày qua, tôi loay hoay tìm cách giải cứu lúa nhưng đến giờ này vẫn chưa chọn được phương án nào khả thi.

Cuối cùng, tôi đành phải bơm nước từ mấy giếng khoan lên tưới cho lúa, dù biết rằng mạch nước ngầm đã bị nhiễm mặn trầm trọng. Nếu cây lúa chịu được mặn thì nó sống, còn không phải đành chấp nhận mất trắng thôi. Nói thì nói vậy chứ tôi biết chắc chắn sẽ thất bại. Bởi, nước nhiều mặn, cây mạ non làm sao sống được”.

Ông Đỗ Nhị - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Vinh cho biết, do không có hệ thống thủy lợi nên hàng chục năm nay 340 sào đất canh tác lúa trên cánh đồng Rộc Bà Chua, Thi Lai, Hà Bình (thôn Hà Thuận) và Gò Đùng (thôn Trà Đông) luôn bấp bênh nước tưới.

Nhằm nâng cao năng suất lúa, từng bước cải thiện kinh tế hộ, thời gian qua nông dân các địa phương vừa nêu đã tự bỏ tiền ra đóng hàng loạt giếng khoan ngay trên ruộng để chủ động phục vụ tưới cho toàn bộ số diện tích lúa này. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng ruộng bị sặc phèn và mạch nước ngầm nhiễm mặn cứ liên tục tái diễn, nhất là trong vụ hè thu.

Ông Nhị nói: “Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết ngày càng cực đoan nên mấy tháng gần đây tình trạng này diễn ra hết sức nghiêm trọng. Vì thế, trong tổng số 340 sào đất trên 4 cánh đồng đó thì vụ hè thu 2014 nhà nông chỉ gieo sạ được một nửa, còn một nửa phải bỏ hoang. Tuy nhiên, hiện nay trong số 170 sào lúa xuống giống được ấy thì đã có ít nhất 110 sào bị chết héo vì nước ngầm nhiễm mặn, ruộng sặc phèn. Sản xuất thất bại, cuộc sống của nhân dân bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi”.     

Bí cách xử lý

Khi chúng tôi hỏi vì sao các đơn vị liên quan ở địa phương không tích cực vận động và hướng dẫn nông dân chuyển 340 sào đất lúa trên sang canh tác những loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt thì ông Võ Đức Lắm – Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Vinh bảo rằng không thể thực hiện được.

Ông Lắm nói: “Nhiều năm nay chúng tôi đã không ít lần bàn tính đến phương án đó nhưng cuối cùng chẳng dám triển khai vì chắc chắn sẽ không thành công. Bởi, một khi ruộng bị sặc phèn và mạch nước ngầm phục vụ quá trình tưới nhiễm mặn nghiêm trọng như vậy thì các loại cây màu, thậm chí là cả cây cói cũng không sống nổi. Chuyển đổi mà không mang lại hiệu quả thì tốn thêm công sức và tiền của”.

Theo ông Đỗ Nhị, muốn việc sản xuất lúa trên cánh đồng Rộc Bà Chua, Thi Lai, Hà Bình, Gò Đùng mang tính bền vững và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho nông dân thì không còn cách nào khác là phải xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho toàn bộ số diện tích đất canh tác vừa nêu.

Ông Nhị nói: “Theo tôi, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và chính quyền địa phương cần sớm quan tâm đầu tư thi công 400m kênh bê tông để đưa nước từ tuyến kênh chính của trạm bơm 19.5 về cánh đồng Rộc Bà Chua rồi sau đó tiếp tục phân phối cho 3 cánh đồng còn lại bằng việc đào những con kênh đất”. Đề xuất của ông Nhị cũng là ý kiến của rất nhiều nông dân ở thôn Hà Thuận và Trà Đông (xã Duy Vinh).

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, đề nghị trên là phương án tối ưu nhưng xem ra rất khó thực hiện vì khả năng tưới của trạm bơm điện 19.5 thuộc xã Duy Phước quá hạn chế.

Ông Xuân nói: “Thời gian qua, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện đã trực tiếp làm việc với Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước để bàn chuyện đưa nước của trạm bơm 19.5 về cung ứng cho 340 sào đất ấy. Tuy nhiên, hợp tác xã này không thống nhất vì sợ không đủ nguồn nước phục vụ tưới”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trạm bơm 19.5 đảm nhận tưới 400ha lúa ở xã Duy Phước và gần 60ha lúa khác tại một số vùng của xã Duy Vinh. Thế nhưng, nhiều năm nay vụ hè thu nào trạm bơm này cũng hoạt động èo uột vì sông Thu Bồn liên tục bị nhiễm mặn với nồng độ rất cao. “Từ đầu vụ hè thu 2014 đến nay trạm bơm 19.5 vận hành hết sức khó khăn do mặn thường xuyên xâm nhập sâu vào miệng bể hút.

Để cứu gần 460ha lúa của xã Duy Phước và Duy Vinh, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước đã phải lắp đặt 4 máy bơm dã chiến tại khu vực cầu Thấn hút nước từ sông Đào lên chống hạn. Vì vậy, nếu bây giờ trạm bơm điện 19.5 phải gánh thêm trách nhiệm phục vụ tưới cho 340 sào đất lúa ở thôn Hà Thuận và Trà Đông của xã Duy Vinh thì rõ ràng là hoàn toàn không khả thi” – ông Xuân khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

Giá gỗ nguyên liệu giấy tăng lên mức 1,25 triệu đồng/tấn Giá gỗ nguyên liệu giấy tăng lên mức 1,25 triệu đồng/tấn

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu để chế biến dăm xuất khẩu như bạch đàn, keo lai được các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Định thu mua ở mức ổn định 1,25 triệu đồng/tấn, tăng 200 ngàn đồng/tấn so với thời điểm cuối năm ngoái. Với mức giá cao và ổn định như trên, người trồng rừng đang có lãi trên 500 ngàn đồng/tấn gỗ nguyên liệu.

22/07/2015
Sản xuất vụ hè thu ở Ninh Hòa tiếp tục gặp khó khăn do nắng hạn Sản xuất vụ hè thu ở Ninh Hòa tiếp tục gặp khó khăn do nắng hạn

Với sự nỗ lực của bà con nhân dân và địa phương, vụ sản xuất Đông Xuân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã kết thúc, đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do thời tiết trong năm có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Lượng mưa tiếp tục thiếu hụt khiến nước tại các hồ chứa như Suối Trầu, Sở Quan, Bến Ghe đã cạn nước.

22/07/2015
Cơ sở nấm an toàn Cơ sở nấm an toàn

Trong những năm qua, nghề trồng nấm ở Thanh Oai (Hà Nội) đã phát triển mạnh và đem lại hiểu quả kinh tế cao cho người sản xuất nấm, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại các địa phương.

22/07/2015
Giấc mơ 3,5 tỷ USD của thủy sản Minh Phú Giấc mơ 3,5 tỷ USD của thủy sản Minh Phú

Nếu Đề án Chuỗi giá trị tôm, cá toàn cầu của Minh Phú có cơ hội được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp này sẽ trở thành nhà sản xuất và chế biến xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

23/07/2015
Nhiều sai phạm trong kinh doanh thuốc BVTV Nhiều sai phạm trong kinh doanh thuốc BVTV

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cho biết: 6 tháng đầu năm Chi cục ra quân 16 cuộc thanh, kiểm tra 105 Cty, DN, đại lý, cửa hàng buôn bán VTNN trên địa bàn, đã phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV.

23/07/2015