Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên Kết 4 Nhà Trong Sản Xuất - Nhìn Từ Chương Trình Trồng Chanh Leo

Liên Kết 4 Nhà Trong Sản Xuất - Nhìn Từ Chương Trình Trồng Chanh Leo
Ngày đăng: 27/09/2014

Năm 2014, tỉnh ta triển khai chương trình thí điểm phát triển cây chanh leo tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.

Sau 6 tháng, cây chanh leo được trồng đảm bảo kế hoạch về diện tích, sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, giúp người dân có thêm thu nhập và mở ra cơ hội phát triển sản xuất hàng hóa cho các địa phương. Có được kết quả đó là nhờ chương trình được triển khai theo mô hình liên kết “4 nhà”: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tập trung gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật, năm nay, tỉnh ta triển khai chương trình thí điểm phát triển cây chanh leo trên địa bàn các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Cây chanh leo có hàm lượng dinh dưỡng cao, tác dụng tốt đối với con người, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Hiện nay, chanh leo được trồng thành công ở nhiều tỉnh trong cả nước, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta đây là lần đầu tiên đưa vào trồng trên diện tích lớn. Từ thực tế trên, chương trình nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến các huyện. Để cây chanh leo được trồng thành công và phát triển bền vững, tỉnh chủ động triển khai chương trình theo mô hình liên kết “4 nhà”.

Tỉnh làm việc, ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển cây chanh leo với Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), một trong những đơn vị mạnh trong sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu trong nước. Các huyện cũng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời thỏa thuận chặt chẽ trước khi triển khai tại địa phương.

Theo chương trình liên kết, Công ty chịu trách nhiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư giống và thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho nông dân (Công ty trừ chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật qua sản phẩm thu mua).

Giá thu mua lại sản phẩm theo thị trường, tối thiểu 5.000 đồng/kg với trọng lượng từ 50g/quả trở lên. Trong trường hợp năng suất vườn chanh leo đạt dưới 10 tấn/ha/chu kỳ 3 năm (được đánh giá nguyên nhân do các yếu tố kỹ thuật, do thiên tai bất khả kháng) Công ty không thu hồi vốn đầu tư đầu vào.

Trong thời gian triển khai chương trình, từ tỉnh đến các huyện chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân phối hợp với doanh nghiệp và người nông dân cùng thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện trong việc đưa cây chanh leo vào trồng thí điểm.

Đồng thời tổ chức cho các hộ tham gia, lãnh đạo thôn, xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây chanh leo tại huyện Quế Phong (Nghệ An), giúp dân tận mắt thấy hiệu quả kinh tế cũng như kỹ thuật trồng cây chanh leo.

Trong quá trình thực hiện, các huyện cũng kịp thời triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ có thu hồi nhằm giúp người dân có thêm động lực trồng chanh leo.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho nhân dân vay đầu tư cho cây chanh leo là 2.280 triệu đồng, cụ thể: Huyện Vị Xuyên giải ngân cho vay 1.880 triệu đồng (bình quân mỗi ha cho vay 40 triệu đồng); huyện Quang Bình giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ cho nhân dân tiền mua dây thép làm giàn với tổng kinh phí là 150 triệu đồng (hỗ trợ không thu hồi), cấp cho các hộ trồng chanh leo vay 4.180 kg phân bón hóa học các loại theo chính sách đầu tư có thu hồn tái đầu tư; huyện Bắc Quang giải ngân cho nhân dân vay để đầu tư làm giàn, chăm sóc cây chanh leo với kinh phí là 250.000.000 đồng (50 triệu đồng/ha).

Qua khảo sát thực địa, Công ty tư vấn cho huyện địa điểm thuận lợi để đưa vào triển khai trước 60 ha, trong đó Vị Xuyên 50 ha; Bắc Quang 5 ha; Quang Bình 5 ha. Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và người nông dân nên chương trình cây chanh leo đến nay cơ bản thành công.

Đến tháng 4, các huyện hoàn thành trồng 60 ha, tương ứng 22.000 cây. Sở NN – PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao theo giõi, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khi thu hoạch. Riêng đối với huyện Vị Xuyên trưng tập cán bộ khuyến nông các xã tham gia chỉ đạo, hướng dẫn trồng cây chanh leo trong thời điểm xuống giống đồng loạt...

Do đó, tỷ lệ sống của cây chanh leo toàn tỉnh đạt trên 90%. Các hộ tham gia thực hiện chương trình đã thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện tốt việc bấm tỉa mầm dại, làm cỏ, bón phân cho cây chanh leo.

Trung tuần tháng 9, chúng tôi đến một số vườn chanh leo ở các xã Trung Thành (Vị Xuyên), Vĩnh Phúc (Bắc Quang) và thị trấn Yên Bình (Quang Bình).

Có thể thấy việc đầu tư trồng chanh leo của các hộ rất bài bản, từ việc làm cọc bê tông, làm giàn dây thép, đến việc trồng, chăm sóc đều theo đúng quy trình kỹ thuật. Ông Phạm Văn Tĩnh, nhà ở thôn Trung Sơn, xã Trung Thành dẫn tôi thăm vườn chanh leo đang thời kỳ bói quả.

Ông Tĩnh chia sẻ: “Mới đầu đăng ký trồng chanh leo cũng lo, nhưng được đi học tập kinh nghiệm, đặc biệt là khi tham gia trồng được Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí và cây giống nên gia đình quyết tâm bỏ công, làm đất để hình thành nên vườn chanh leo gần 150 gốc này.

Đến nay, cây đã leo kín giàn, bắt đầu cho quả vụ đầu tiên, khi Công ty chưa thu mua, gia đình cũng đang tận dụng thu hoạch để bán ra thị trường với giá trên 15.000/kg. Dù vậy, vụ đầu gia đình không quan tâm đến thu hoạch bởi theo cán bộ kỹ thuật thì đời cây những 5 năm, từ vụ thứ 2 trở đi quả mới to và đủ trọng lượng theo tiểu chuẩn của Công ty.

Do đó, chúng tôi tiếp tục chăm sóc để cây thực sự trưởng thành cho vụ sau cho quả to hơn để bán cho Công ty theo cam kết”. Hầu hết những chủ hộ trồng chanh leo trên địa bàn các xã đều khẳng định, cây chanh leo trồng dễ, không mất nhiều công chăm sóc và hợp đất nên phát triển tốt.

Theo đánh giá của Phòng NN – PTNT các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình thì khẳng định cây chanh leo hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển tốt, có thể nhân rộng diện tích trong những năm tới. Về năng suất, sản lượng chưa đánh giá nhưng bước đầu nhận định đảm bảo theo yêu cầu đề ra...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: “Chanh leo là cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao, nếu thực hiện thành công sẽ mở ra cơ hội lớn cho huyện hình thành vùng sản xuất chanh leo hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Dù vậy, khi triển khai chương trình người dân cũng không ít băn khoăn bởi trước kia có nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn không đạt hiệu quả, gây mất lòng tin cho dân.

Do đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã, các ngành chức năng và tuyên truyền cho người dân hiểu để đồng thuận thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chương trình phát triển cây chanh leo trên địa bàn bước đầu thành công về mặt diện tích, cây trồng này phù hợp với điều kiện đất đai, người dân có thu nhập.

Để đạt được kết quả đó, có thể khẳng định vai trò mấu chốt nhất đó là mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, trong đó trong tâm là Nhà nước và doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm thực hiện và gánh rủi ro cho dân thông qua việc cho vay vốn, vay cây giống, phân bón thu hồi sau khi cây chanh leo phát triển và cho thu hoạch...

Hiện nay, huyện đang làm việc với Công ty để thống nhất giá thu mua chanh leo, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và có lãi cho nhân dân.

Với kết quả ban đầu này, trong những năm tới huyện sẽ mở rộng diện tích trồng cây chanh leo và tiếp tục thực hiện theo mô hình liên kết, tuy nhiên để tránh tình trạng độc quyền thu mua dẫn đến ép giá, huyện sẽ tìm hiểu và liên kết thêm một doanh nghiệp nữa đầu tư vào địa bàn”.

Chương trình trồng thí điểm cây chanh leo được thực hiện theo mô hình liên kết “4 nhà” đã mở ra cơ hội lớn cho các huyện tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp với mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Chương trình trồng cây chanh leo là một trong những việc làm cụ thể tỉnh ta thực hiện theo lời dạy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào vùng cao Hà Giang khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang năm 1961.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả trồng xen dưa hấu giữa 2 vụ lúa Hiệu quả trồng xen dưa hấu giữa 2 vụ lúa

Không cần đê bao vẫn có thể sản xuất 3 vụ/năm, vừa cải tạo đất, vừa xả lũ tự nhiên, cả chủ đất và người mướn đất đều tăng thu nhập đáng kể… là những hiệu quả dễ nhận thấy của việc trồng xen dưa hấu giữa 2 vụ lúa đông xuân và hè thu. Dù canh tác ngắn ngày hơn lúa nhưng lợi nhuận từ dưa hấu lại luôn cao hơn.

13/04/2015
Thận trọng trong phát triển chuối mô! Thận trọng trong phát triển chuối mô!

Cây chuối tiêu không còn xa lạ với bất cứ người dân Yên Bái nào, tuy nhiên, bao đời nay, việc trồng và phát triển rất manh mún, thiếu đầu tư, chất lượng sản phẩm thấp, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

13/04/2015
Làm giàu nhờ trồng ổi Làm giàu nhờ trồng ổi

Hai năm trở lại đây, nhiều nông dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa giống ổi lê (gốc Đài Loan) về trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

13/04/2015
Chanh tăng giá nông dân phấn khởi Chanh tăng giá nông dân phấn khởi

Hiện tại, giá chanh ở Cái Bè (Tiền Giang) đang ở mức cao, thương lái vào tận vườn mua với giá 19.000 - 20.000 đồng/kg (tăng 4 - 5 ngàn/kg so với tháng trước). Nông dân rất phấn khởi.

13/04/2015
Giả thương lái “lừa đảo” chủ vườn thanh long Giả thương lái “lừa đảo” chủ vườn thanh long

Vụ việc cho thấy thị trường mua bán thanh long tại tỉnh Bình Thuận chưa thực sự an toàn. Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận hiện đang tiến hành điều tra vụ giả thương lái lừa đảo nhà vườn trồng thanh long ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm.

13/04/2015