Tôm Đang Dịch, Người Dân Vẫn Thả Nuôi Ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)
Lần đầu tiên Quảng Ngãi công bố dịch ở tôm trên địa bàn huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Trong khi ngành chức năng và địa phương lo dập dịch thì người nuôi tôm vẫn mặc nhiên súc hồ, mua tôm giống về thả nuôi.
Chúng tôi về xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Phú và Nghĩa An sau khi tỉnh công bố dịch tôm thẻ chân trắng ở huyện Tư Nghĩa. Trên nhiều cánh đồng tôm ở thôn Phú Nghĩa, Thu Xà, người nuôi chua xót vớt tôm chết đem đi chôn.
Dịch tôm lan rộng
Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tư Nghĩa cho biết: Sau khi tỉnh công bố dịch, huyện đã huy động các ngành chức năng liên quan vào cuộc để phòng chống dịch, thực hiện thu gom xử lý chất thải và xác tôm đã chết theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra nghiêm cấm việc vận chuyển các đối tượng dễ nhiễm đối với bệnh đốm trắng từ vùng dịch ra bên ngoài và ngược lại, tiến hành hướng dẫn các nông hộ nuôi tôm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Mặt khác, huyện còn tập trung tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi, quản lý tốt các yếu tố môi trường trong ao nuôi, định kỳ vệ sinh nền đáy bằng cách sử dụng các chế phẩm vi sinh cải thiện nước, nền đáy trong ao nuôi. Đồng thời yêu cầu bà con nuôi tôm phải thu gom bùn đáy, tôm chết chôn theo đúng quy định nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và sử dụng chlorine 50g/m3 để diệt khuẩn, khử trùng nguồn nước tại các ao nuôi đang có bệnh. Theo đó, xã Nghĩa Hòa đã cấp cho dân 3 tấn hóa chất để xử lý môi trường hồ nuôi.
Tuy vậy, trong thời điểm triển khai chống dịch, dịch tôm càng nghiêm trọng hơn. Theo quyết định công bố dịch của UBND tỉnh vào ngày 14/5, thì ở các xã ven biển của huyện Tư Nghĩa có trên 30 ha bị dịch tôm thẻ chân trắng. Nhưng con số này đến nay cao hơn nhiều. Ông Huỳnh Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho hay: Toàn xã có 80 ha mặt hồ nuôi tôm, giờ đã có 40 ha bị dịch bệnh. Nhiều người dân cho hay, tôm bị dịch bệnh phát sáng trong hồ rồi chết la liệt.
Bất cập trong chống dịch
Trao đổi với nhiều hộ dân trong vùng nuôi tôm, bà con cho hay: Ban đầu dịch bệnh phát sinh tại một số hồ. Nhưng ở đây là vùng triều, nguồn nước thải ra từ hồ nuôi tôm qua kênh dẫn khi thủy triều xuống và cũng dòng kênh ấy khi thủy triều lên, người nuôi tôm lại lấy nước vào nên dịch bệnh lây lan nhanh.
Trong khi đó, theo ông Trần Thiên Thanh, nguyên nhân của dịch bệnh, ngoài việc môi trường nuôi tôm vùng triều nguồn nước bị ô nhiễm còn một nguyên nhân khác là đa phần các hộ mua con giống trôi nổi, không kiểm dịch nên dịch bệnh bùng phát rồi lan nhanh. Do vậy, ngoài yếu tố môi trường, vấn đề nan giải là hộ nuôi tôm từ lâu thường mua con giống trôi nổi không qua kiểm dịch với giá chỉ 20 đồng/con, thấp hơn gấp 4 lần so với con giống có thương hiệu.
Một vấn đề khác nữa là, người dân sau nhiều vụ thua lỗ nên có tâm lý nóng lòng, vội vàng súc hồ, mua con giống thả nuôi ngay trở lại, trái với quy định công bố dịch là sau 20 ngày không có dịch bệnh, tỉnh công bố hết dịch mới được thả nuôi. Ông Trần Thanh Biền thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, cho biết: Nhà có 3 hồ tôm với diện tích gần 6.000 m2, thả nuôi tôm đã chết nhiều lần, giờ thả tiếp để cầu may, chứ trong mùa nuôi tôm không thể chờ quy định công bố hết dịch được.
Ở xã Nghĩa Hòa còn nhiều hộ có tâm lý sốt ruột như ông Biền. Điều này sẽ làm cho dịch bệnh ở con tôm huyện Tư Nghĩa có thể lây lan nghiêm trọng hơn. Và thêm một lần tôm chết thì nợ nần đối với những hộ nuôi tôm ngày càng chất chồng thêm.
Có thể bạn quan tâm
Trái ngược với xu hướng khó khăn từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo những tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng do có một số yếu tố thuận lợi.
Thời gian qua, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC-TVPTCN) trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX) công nghiệp nông thôn (CNNT) hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển.
Mấy năm qua, tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) rộ lên phong trào nuôi cá bống tượng. Nông dân không những đào ao nuôi trong vườn nhà mà còn vươn ra mặt đầm Trà Ổ, bước đầu cho thu nhập khá.
Từ chỗ phản ứng quyết liệt, thậm chí có người “hăm” viết đơn xin trả lại ruộng vì sợ xáo trộn, mất “bờ xôi ruộng mật”, thì nay người dân lại viết đơn xin được dồn điền đổi thửa (DĐĐT), vì những lợi ích thiết thực từ chính sách này mang lại cho nông dân.
Sau khi chia tách, thị xã Long Mỹ tiếp tục tổ chức sắp xếp lại các hợp tác xã, tổ hợp tác, tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp.