Lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm khâu đột phá
Và ở đó có cả những cán bộ thật sự bám sát và quan tâm đến đời sống của người dân để đề xuất những giải pháp mang tính đột phá trong nông nghiệp.
Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang - Nơi cung cấp giống lúa xác nhận cho nông dân.
Ông Chín Đồng làm chuyện “Một Ngàn” !
Đây là câu nói mà người dân Hậu Giang ví von về Đề án 1.000 được tỉnh Hậu Giang triển khai năm 2014 nhằm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, ứng dụng công nghệ cao.
Vì sao đặt là Đề án “Một Ngàn”? “Đề án này gắn với một số lĩnh vực trong đó lấy đơn vị 1.000ha đất hoặc 1.000 hộ dân làm để triển khai làm mô hình nên chúng tôi gọi đơn giản để triển khai là Đề án 1.000”, ông Nguyễn Văn Đồng (Chín Đồng), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng là người “thiết kế” cho Đề án “Một Ngàn” giải thích.
Theo đó, Đề án “Một Ngàn” có 4 hợp phần, giai đoạn 2014-2016 chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác
; 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường…
Mục tiêu là giúp nông dân khi chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 đến 2 lần trên cùng diện tích canh tác.
Lão nông Võ Văn Quới, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, được vay hơn 100 triệu đồng để nuôi heo theo mô hình đệm lót sinh học, đã giúp gia đình ông vươn lên khá giả.
“Từ nguồn vốn vay và được hỗ trợ kỹ thuật, tôi đã mở rộng quy mô nuôi lợn, trong năm qua đã bán hơn 60 con heo thịt và 30 con heo giống, lãi trên 60 triệu đồng”, ông Quới cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Trường Sơn, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vay vốn từ đề án để chuyển đổi lúa vụ 3 (Thu đông) sang nuôi cá trên ruộng.
Gia đình ông vừa bán khoảng 1 tấn cá nuôi trên ruộng, lãi hơn 20 triệu đồng.
Đây chỉ là hai điển hình trong số hàng ngàn nông dân Hậu Giang đã cải thiện được thu nhập từ Đề án “Một Ngàn”.
Được biết, Hậu Giang là tỉnh tiên phong đưa kỹ sư nông nghiệp về xã để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Đến nay, 74 xã, phường của tỉnh có kỹ sư.
Đây cũng là cơ sở để Hậu Giang đột phá giảm giá thành sản xuất lúa.
Cách đây hơn 10 năm, khi mới chia tách, Hậu Giang luôn là tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao nhất trong vùng khoảng 4.000-4.200 đồng/kg lúa, nhưng trong hai năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã bám sát nông dân thông qua tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật canh tác đã hạ giá thành sản xuất lúa xuống còn 2.700-2.800 đồng/kg (một trong những tỉnh có giá thành sản xuất thấp nhất trong khu vực).
Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hiện tại, giá thành sản xuất mía của nông dân trên 700 đồng/kg, Hậu Giang đang đưa ra nhiều biện pháp để giúp nông dân hạ giá thành sản xuất xuống còn khoảng 500 đồng/kg.
Nếu làm được điều này thì với giá mía bán hiện nay khoảng 1.000 đồng/kg, thì ngành nông nghiệp đã giúp nông dân tăng gấp hai phần lợi nhuận trên cây mía.
Lãnh đạo tiếp thị nông sản trên danh thiếp !
Những ngày này, tỉnh Hậu Giang đang tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong đó, Hậu Giang tiếp tục xác định nhiệm vụ đột phá cho nhiệm kỳ là: “Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở tổ chức có hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới…”.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp lấy mục tiêu hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới là “động lực” để phát triển toàn diện ngành.
Trong đó lấy tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đi đến đảm bảo an toàn thực phẩm tăng thu nhập cho người nông dân là điều đột phá trong tái cơ cấu.
Cụ thể gắn với chương trình “5 cây, 5 con” và 10 sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa.
Phát triển Đề án cơ giới hóa 100% làm đất, 70% chăm sóc theo quy trình sản xuất, 70% thu hoạch và sau thu hoạch…
Lấy Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200ha làm động lực gắn kết các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật vào các vùng sản xuất chính của tỉnh.
“Vấn đề lúa gạo là vấn đề bức xúc từ nhiều năm đối với bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL; trong 5 năm tới, Trung ương cần có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, giúp người trồng lúa vừa hoàn thành nhiệm vụ an ninh lương thực, vừa có thu nhập đạt mức khá giả, từng bước vươn lên làm giàu từ hạt lúa”, ông Nguyễn Văn Đồng trăn trở.
Trong những năm qua, dư luận dành thiện cảm cho việc ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã in những hình ảnh sinh động: lúa, mía, cá… lên danh thiếp của ông.
Đây được xem là một cách “tiếp thị, quảng bá” cho nông sản của địa phương.
Song, “tấm danh thiếp nông sản” cũng là một phần thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương đối với hàng hóa nông nghiệp do người nông dân làm ra.
Với những cán bộ dành nhiều tâm huyết, sự cần cù sáng tạo của nông dân, hy vọng Hậu Giang sẽ tìm được bước đột phá hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp - làm “bà đỡ” cho an sinh xã hội !
Ngành nông nghiệp Hậu Giang xác định mục tiêu xây dựng:
Vùng lúa chất lượng cao 32.000ha (có 5.000-10.000ha sản xuất, chế biến theo đơn đặt hàng của thị trường); ổn định và củng cố vùng nguyên liệu mía 10.000ha theo hướng chuyên sâu có giá thành cạnh tranh cao trong khu vực;
Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả 20.000ha: cây có múi 15.000ha, cây khóm Cầu Đúc 3.000ha và 2.000ha cây khác theo yêu cầu thị trường.
Trong đó có 1.000ha được ứng dụng công nghệ cao…
Có thể bạn quan tâm
Nuôi gà thả vườn là mô hình nuôi gà chung theo hình thức cộng đồng làng vừa được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) triển khai thí điểm tại một số xã của huyện Tây Giang (Quảng Nam), giúp người dân thay đổi tư duy canh tác và tiếp cận mô hình mới, đem lại hiệu quả thiết thực.
Thái Nguyên những ngày đầu tháng 11, tiết trời se lạnh, nhưng ở các vùng chè của tỉnh vẫn sôi động, ấm áp bởi không khí chuẩn bị cho Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, nhằm hướng tới việc quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng.
Ông Ngô Hùng Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Bình (Thoại Sơn - An Giang) cho biết, toàn xã có 14 hộ trồng lúa Nhật, với diện tích 120 héc-ta, năng suất bình quân 6-6,5 tấn/héc-ta, giá lúa ký kết cao hơn giá lúa thị trường từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg. Sắp tới, Công ty TNHH Angimex Kitoku xây dựng nhà máy tại xã Vọng Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu mua lúa cho nông dân.
Giá cà phê giảm mạnh ngay từ đầu niên vụ 2013-2014 đã khiến cho nông dân trồng cà phê lo lắng và tính toán kỹ lưỡng để may ra hòa vốn hoặc bị lỗ càng ít càng tốt.
Nuôi cá nước lợ trong mùa bão lũ tuy phải đối mặt với rủi ro do thiên tai nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, gấp 1,5 lần so với nuôi thông thường.