Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm khâu đột phá

Lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm khâu đột phá
Publish date: Saturday. October 17th, 2015

Và ở đó có cả những cán bộ thật sự bám sát và quan tâm đến đời sống của người dân để đề xuất những giải pháp mang tính đột phá trong nông nghiệp.

Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang - Nơi cung cấp giống lúa xác nhận cho nông dân.

Ông Chín Đồng làm chuyện “Một Ngàn” !  

Đây là câu nói mà người dân Hậu Giang ví von về Đề án 1.000 được tỉnh Hậu Giang triển khai năm 2014 nhằm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, ứng dụng công nghệ cao.

Vì sao đặt là Đề án “Một Ngàn”? “Đề án này gắn với một số lĩnh vực trong đó lấy đơn vị 1.000ha đất hoặc 1.000 hộ dân làm để triển khai làm mô hình nên chúng tôi gọi đơn giản để triển khai là Đề án 1.000”, ông Nguyễn Văn Đồng (Chín Đồng), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng là người “thiết kế” cho Đề án “Một Ngàn” giải thích.

Theo đó, Đề án “Một Ngàn” có 4 hợp phần, giai đoạn 2014-2016 chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác

; 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường…

Mục tiêu là giúp nông dân khi chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 đến 2 lần trên cùng diện tích canh tác.

Lão nông Võ Văn Quới, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, được vay hơn 100 triệu đồng để nuôi heo theo mô hình đệm lót sinh học, đã giúp gia đình ông vươn lên khá giả.

“Từ nguồn vốn vay và được hỗ trợ kỹ thuật, tôi đã mở rộng quy mô nuôi lợn, trong năm qua đã bán hơn 60 con heo thịt và 30 con heo giống, lãi trên 60 triệu đồng”, ông Quới cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Trường Sơn, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vay vốn từ đề án để chuyển đổi lúa vụ 3 (Thu đông) sang nuôi cá trên ruộng.

Gia đình ông vừa bán khoảng 1 tấn cá nuôi trên ruộng, lãi hơn 20 triệu đồng.

Đây chỉ là hai điển hình trong số hàng ngàn nông dân Hậu Giang đã cải thiện được thu nhập từ Đề án “Một Ngàn”.

Được biết, Hậu Giang là tỉnh tiên phong đưa kỹ sư nông nghiệp về xã để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Đến nay, 74 xã, phường của tỉnh có kỹ sư.

Đây cũng là cơ sở để Hậu Giang đột phá giảm giá thành sản xuất lúa.

Cách đây hơn 10 năm, khi mới chia tách, Hậu Giang luôn là tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao nhất trong vùng khoảng 4.000-4.200 đồng/kg lúa, nhưng trong hai năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã bám sát nông dân thông qua tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật canh tác đã hạ giá thành sản xuất lúa xuống còn 2.700-2.800 đồng/kg (một trong những tỉnh có giá thành sản xuất thấp nhất trong khu vực).

Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Hiện tại, giá thành sản xuất mía của nông dân trên 700 đồng/kg, Hậu Giang đang đưa ra nhiều biện pháp để giúp nông dân hạ giá thành sản xuất xuống còn khoảng 500 đồng/kg.

Nếu làm được điều này thì với giá mía bán hiện nay khoảng 1.000 đồng/kg, thì ngành nông nghiệp đã giúp nông dân tăng gấp hai phần lợi nhuận trên cây mía.

Lãnh đạo tiếp thị nông sản trên danh thiếp !

Những ngày này, tỉnh Hậu Giang đang tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong đó, Hậu Giang tiếp tục xác định nhiệm vụ đột phá cho nhiệm kỳ là: “Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở tổ chức có hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới…”.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp lấy mục tiêu hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới là “động lực” để phát triển toàn diện ngành.

Trong đó lấy tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đi đến đảm bảo an toàn thực phẩm tăng thu nhập cho người nông dân là điều đột phá trong tái cơ cấu.

Cụ thể gắn với chương trình “5 cây, 5 con” và 10 sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa.

Phát triển Đề án cơ giới hóa 100% làm đất, 70% chăm sóc theo quy trình sản xuất, 70% thu hoạch và sau thu hoạch…

Lấy Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200ha làm động lực gắn kết các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật vào các vùng sản xuất chính của tỉnh.

“Vấn đề lúa gạo là vấn đề bức xúc từ nhiều năm đối với bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL; trong 5 năm tới, Trung ương cần có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, giúp người trồng lúa vừa hoàn thành nhiệm vụ an ninh lương thực, vừa có thu nhập đạt mức khá giả, từng bước vươn lên làm giàu từ hạt lúa”, ông Nguyễn Văn Đồng trăn trở.

Trong những năm qua, dư luận dành thiện cảm cho việc ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã in những hình ảnh sinh động: lúa, mía, cá… lên danh thiếp của ông.

Đây được xem là một cách “tiếp thị, quảng bá” cho nông sản của địa phương.

Song, “tấm danh thiếp nông sản” cũng là một phần thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương đối với hàng hóa nông nghiệp do người nông dân làm ra.

Với những cán bộ dành nhiều tâm huyết, sự cần cù sáng tạo của nông dân, hy vọng Hậu Giang sẽ tìm được bước đột phá hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp - làm “bà đỡ” cho an sinh xã hội !

Ngành nông nghiệp Hậu Giang xác định mục tiêu xây dựng:

Vùng lúa chất lượng cao 32.000ha (có 5.000-10.000ha sản xuất, chế biến theo đơn đặt hàng của thị trường); ổn định và củng cố vùng nguyên liệu mía 10.000ha theo hướng chuyên sâu có giá thành cạnh tranh cao trong khu vực;

Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả 20.000ha: cây có múi 15.000ha, cây khóm Cầu Đúc 3.000ha và 2.000ha cây khác theo yêu cầu thị trường.

Trong đó có 1.000ha được ứng dụng công nghệ cao…


Related news

Tăng đầu tư cho các xã miền núi Tăng đầu tư cho các xã miền núi

Hiện cả nước vẫn còn 2.535 xã khó khăn và các xã này đang gặp rất nhiều trở ngại trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề xuất cần tăng vốn đầu tư, ban hành chính sách đặc thù cho các xã này.

Monday. November 30th, 2015
600 gian hàng tham gia hội chợ nông nghiệp Tây Nguyên 600 gian hàng tham gia hội chợ nông nghiệp Tây Nguyên

Tối 28.11, tại TP Pleiku, TƯ. Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc Hội chợ Triển lãm nông nghiệp và thương mại Tây Nguyên năm 2015.

Monday. November 30th, 2015
Vì sao nông sản Việt Nam mất giá Vì sao nông sản Việt Nam mất giá

Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại. Tuy nhiên, so với khối lượng xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, tốc độ gia tăng của chế biến vẫn còn rất hạn chế. Chính điều này đã làm nông sản Việt Nam mất giá

Monday. November 30th, 2015
Trồng rau sạch, thu ngàn tỷ đồng Trồng rau sạch, thu ngàn tỷ đồng

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng rau sạch...

Monday. November 30th, 2015
40% nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách 40% nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT, tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách khá nhiều, chủ yếu là do sử dụng quá liều, sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ đúng thời gian cách ly…

Monday. November 30th, 2015