Hội thảo khoa học đánh giá kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam giai đoạn 2011-2015
Đây là nội dung thuộc tiểu dự án số 9 “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam” do Thạc sĩ Nguyễn Viết Nghĩa (Viện Nghiên cứu Hải sản) làm chủ nhiệm.
Hội thảo đã thu hút đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản tham dự. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn và Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản Nguyễn Quang Hùng chủ trì Hội thảo.
Theo báo cáo tại Hội thảo, kết quả điều tra nguồn lợi hải sản cho thấy, trữ lượng hải sản Việt Nam hiện có khoảng 4,6 triệu tấn (nghiên cứu giai đoạn 2010 - 2015) với 911 loài, bao gồm 351 loài cá đáy, 244 loài cá rạn, 156 loài cá nổi, 12 loài cá nổi biển sâu, 84 loài giáp xác, 38 loài động vật chân đầu, 26 loài khác.
Trong đó, vùng biển Vịnh Bắc Bộ 430 loài, Trung Bộ 457 loài, Đông Nam Bộ 619 loài, Tây Nam Bộ 327 loài, giữa biển Đông 124 loài.
Trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Vịnh Bắc Bộ chiếm 17%, Trung Bộ chiếm 20%, Đông Nam Bộ chiếm 26%, Tây Nam Bộ chiếm 13%, giữa biển đông chiếm 24%. Phân theo vùng, trữ lượng vùng bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Theo nhóm loài, trữ lượng cá nổi lớn chiếm 23%, cá nổi nhỏ 61%, hải sản tầng đáy 15%, giáp xác 0,9%, cá rạn san hô chiếm 0,1%.
Các loài chiếm ưu thế ở vịnh Bắc Bộ là cá nục sồ, sòng nhật, bánh đường, mối thường, sơn phát sáng, mực ống trung hoa;
Vùng Trung Bộ là cá nục sồ, hố, úc, sơn phát sáng, bánh đường;
Vùng Đông Nam Bộ là cá mối hoa, mối vạch, trác ngắn, phèn khoai, nục sồ, mối thường, ngát, ngao, sạo, lượng nhật, bạc má, mực ống, mực nang;
Vùng Tây Nam Bộ là cá bạc má, ba thú, sục, cơm, nóc, liệt, đù đầu to, phèn khoai, mực nang, mực ống; vùng giữa biển đông có cá ngừ vằn, vền, ngừ chù, thu ngàng, ngừ vây vàng, ngừ mắt to, ngừ bờ, nục heo.
Theo đánh giá của Nhóm điều tra, nguồn lợi hải sản tầng đáy có chiều hướng giảm sút khá lớn so với giai đoạn 2000 - 2005, cá nổi nhỏ giảm không đáng kể, cá nổi lớn có xu thế biến động theo chu kỳ Elnino, Lanina.
Hầu hết các vùng biển đang duy trì áp lực khai thác tương đối cao, đặc biệt là vùng Vịnh Bắc Bộ và Trung Bộ.
Vùng phân bổ tập trung bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên gồm 4 khu vực chính: ven bờ Quảng Ninh- Nam Định; ven bờ Thanh Hóa- Hà Tĩnh, ven bờ Vũng Tàu- Bạc Liêu; Vùng biển Cà Mau- Kiên Giang.
Mùa vụ sinh sản của các loài hải sản ở vùng biển thường vào tháng 3 - 5 (mùa sinh sản chính) và tháng 7 - 9 (mùa sinh sản phụ).
Với kết quả điều tra trên, Viện Nghiên cứu hải sản đề nghị Bộ Nông nghiệp sớm xem xét công bố kết quả điều tra nguồn lợi để áp dụng vào thực tiễn quản lý và sản xuất của ngành thủy sản. Đồng thời tiếp tục điều tra để đánh giá biến động nguồn lợi, làm cơ sở cho việc quản lý nguồn lợi, nghề cá theo hướng bền vững.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng báo cáo nguồn lợi nên bổ sung số liệu từng địa phương, chú trọng vào đánh giá ngư trường, mật độ nguồn lợi, mùa vụ khai thác để phục vụ sản xuất trên biển của từng địa phương.
Các kết quả điều tra nên có đề xuất liên quan đến quản lý nghề cá, nên đánh giá biến động nguồn lợi theo thời gian.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung vào thảo luận các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong điều tra nguồn lợi hải sản. Theo đó, nên sử dụng mạng lưới địa phương trong việc thu thập số liệu, thông tin để có được nguồn dữ liệu lâu dài, bền vững…
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều về độ tin cậy của con số điều tra. Một chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, con số trong báo cáo “vênh” quá nhiều so với con số được Tổng cục Thống kê đưa ra là 2,4 - 2,6 triệu tấn. Lý giải về điều này, đại diện nhóm điều tra cho rằng điều tra nguồn lợi hải sản mang tính chất biến động và đặc thù hơn so với các loại nguồn lợi khác.
Mặt khác, khi báo cáo về sản lượng khai thác, nhiều địa phương đã “điều chỉnh” con số, hoặc sử dụng phương pháp quy đổi riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có thể chứng minh được phương pháp điều tra hợp lý và phù hợp với xu hướng sử dụng của thế giới hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn đã ghi nhận kết quả điều tra bước đầu đã đạt được những giá trị nhất định và trả lời được một số câu hỏi đặt ra đối với tình hình sản xuất trên biển hiện nay.
Tuy nhiên, báo cáo này cần phải đưa ra được giải pháp đối với quản lý, đồng thời phải chứng minh được số liệu đưa ra là đáng tin cậy, giải thích và so sánh với số liệu điều tra trong giai đoạn trước đây, đối chiếu với khai thác hiện tại, đề xuất nghề nào nên tăng, nên giảm và nên bảo vệ nghề nào, ngư trường nào, giải pháp khắc phục ra sao…
Phó Tổng cục trưởng yêu cầu các nhóm điều tra cần tổ chức thêm các hội thảo nhóm, chuyên đề chuyên sâu nhằm thống nhất về số liệu, phương pháp và điều chỉnh nội dung báo cáo theo hướng đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo này.
Kết quả điều tra sẽ được trình Bộ Nông nghiệp thông qua và công bố vào tháng 11/2015.
Thu Hiền
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, do thời tiết không thuận lợi, thiếu hụt nước tưới tiêu, mùa mưa trong năm đến sớm nhưng lượng mưa thấp; dự báo sản lượng cà phê vụ 2014 - 2015 sẽ giảm từ 20% - 25% so với vụ trước. Cà phê Robusta ở Tây Nguyên còn bị “cúm” khi ra hoa, khô hạn nhiều vùng.
Trước đó, vào tháng 11/2013, ông Giàng Seo Sì (dân tộc Mông, ở thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai) đã đầu tư trồng 0,9 ha cây tam thất tại thôn Hòa Sử Pan, xã Sán Chải, trở thành người đầu tiên ở Si Ma Cai trồng loại cây này với quy mô lớn, tập trung. Cây tam thất sẽ cho thu hoạch sau 3 năm trồng và theo ước tính của ông Sì, mỗi ha cho lãi không dưới 1 tỷ đồng.
Cây trôm là một phát hiện thú vị của huyện Tuy Phong (Bình Thuận), một minh chứng cho nỗ lực biến khó khăn, thách thức thành lợi thế của người nông dân ở vùng đất khô hạn nhất nước này.
Sau trận lũ muộn mới đây, nông dân các xã Phú Mậu, Phú Thanh (Phú Vang), Quảng Thọ, Quảng Thành, Sịa (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế)... đã tập trung khôi phục, tẩy rửa lớp bùn non phủ trên những luống rau. Những vườn rau cải, xà lách, hành ngò... nhờ vậy mà nay đã phủ một màu xanh non mơn mởn. Vùng nông thôn những ngày này có nhiều chuyến xe chở rau đến các chợ vùng ven đô, hay trung tâm thành phố Huế để bán.
Giá cao là do thời điểm này chỉ có những rẫy dưa nằm trong đê bao khép kín được người dân xuống giống sớm mới có trái thu hoạch nên nguồn cung còn hạn chế. Với giá hiện tại, nông dân sẽ có lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/công.