Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lay Lắt Sống Với Nghề

Lay Lắt Sống Với Nghề
Ngày đăng: 20/06/2012

Thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, lại không được hưởng các chính sách về bảo hiểm, biên chế đã khiến cho hoạt động của đội ngũ thú y viên cơ sở ở các thôn, xã gặp nhiều khó khăn.

Với địa bàn có trên 1.300 con lợn, 3.500 con gà thương phẩm, 21.000 con vịt, công tác phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn với xã Tân Minh, huyện Thường Tín. Toàn xã có 1 Trưởng thú y xã và 5 thú y viên ở 5 thôn. Tuy nhiên, hiện hoạt động của đội ngũ này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng thú y xã Tân Minh cho biết, công việc của thú y viên cơ sở khá vất vả, nhất là vào các dịp tiêm phòng vaccine nhưng thu nhập lại thấp nên nhiều người không mặn mà với công việc. "Đợt dịch tai xanh bùng phát tháng 4/2010, cả xã phải tiêu hủy trên 1,6 tấn lợn mắc bệnh. Tôi phải chạy đi chạy lại cả tháng trời để dập dịch và làm biên bản tiêu hủy nhưng lương cũng chỉ được 650.000 đồng" - ông Tuân ngao ngán.

Làm công tác thú y 29 năm nay, chị Vũ Thị Hòa, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cũng có khá nhiều trăn trở với nghề. "Chúng tôi phải sống bằng nghề khác như chăn nuôi, làm ruộng chứ lương thú y viên không sống nổi" - chị Hòa tâm sự. Tốt nghiệp Cao đẳng Nông nghiệp năm 1983, về địa phương làm Trưởng thú y xã nhưng đến nay chị Hòa vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng, không có bảo hiểm. Trong khi đó, tiền hỗ trợ phòng trừ dịch bệnh cho đội ngũ thú y viên của xã từ tháng 9/2009 đến nay vẫn chưa được chi trả do xã không có nguồn thu.

Hiện nay, chế độ lương cho Trưởng thú y xã mới chỉ áp dụng hệ số 1,0, tương đương 1.050.000 đồng/tháng và 0,33 đối với thú y viên cơ sở, tương đương 346.500 đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Ngữ, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chương Mỹ chia sẻ, mức thu nhập trên không đáp ứng được yêu cầu đời sống cho đội ngũ thú y viên yên tâm làm việc. Toàn huyện Chương Mỹ hiện có 197 thú y viên cơ sở ở thôn và 32 Trưởng thú y xã, nhiều người phải xoay xở bằng cách đi làm dịch vụ như tiêm phòng, thiến hoạn…

Cần sự quan tâm thích đáng

Không chỉ thu nhập thấp, điều kiện làm việc của đội ngũ thú y viên hiện vẫn còn khá thiếu thốn. Đơn cử tại xã Tân Minh, do chưa được bố trí phòng làm việc, các cuộc họp triển khai công việc của lực lượng thú y phải nhờ hội trường xã hoặc tiến hành ngay tại… nhà Trưởng thú y xã. Thậm chí, tủ lạnh bảo quản vaccine phòng dịch cũng phải đặt nhờ ở phòng công an xã. Ông Đinh Bá Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh nhận định, cơ chế chính sách đối với đội ngũ thú y viên hiện nay còn nhiều bất cập. Do thú y viên chưa được xếp vào nhóm công chức xã nên việc bố trí vị trí làm việc và chế độ phụ cấp cũng còn hạn chế.

Trước tình hình dịch bệnh trên vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp, vai trò của đội ngũ thú y viên cơ sở càng trở nên quan trọng. Thế nhưng, việc thu hút nhân lực kỹ thuật có trình độ về tuyến cơ sở làm việc vẫn là một bài toán khó. Theo TS Trịnh Đình Thâu, Trưởng khoa Thú y, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hầu hết sinh viên ngành thú y ra trường đều bị "hút" bởi các công ty, doanh nghiệp tư nhân với mức lương cao, khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng. Trong khi về tuyến huyện, xã biên chế ít, lương thấp lại khó cạnh tranh "suất" nên sinh viên giỏi không mặn mà.

Do đó, để tạo điều kiện cho đội ngũ thú y viên cơ sở yên tâm làm việc hiệu quả, Nhà nước cần quan tâm thích đáng, nhất là về chính sách lương và chế độ bảo hiểm. Đồng thời, có những cải cách trong việc tuyển dụng để thu hút được đội ngũ lao động trẻ có trình độ về cơ sở.

"Thú y viên phải đến từng nhà tiêm phòng cho vật nuôi. Không những vất vả, công việc còn nguy hiểm vì khả năng lây nhiễm cúm gia cầm, chó dại cắn... rất cao. Vậy mà có người 40 năm làm nghề thú y nhưng về nghỉ lại không có một chế độ nào" - bà Nguyễn Thị Ngữ - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chương Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

Bệnh Chổi Rồng Ở Tiền Giang Đầu Tư Lớn, Hiệu Quả Chưa Cao Bệnh Chổi Rồng Ở Tiền Giang Đầu Tư Lớn, Hiệu Quả Chưa Cao

Cũng như các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, bệnh chổi rồng tại Tiền Giang xuất hiện rải rác từ năm 2008, chủ yếu trên giống nhãn tiêu da bò và đã lây lan trên diện rộng, bùng phát thành dịch vào năm 2011.

11/08/2014
Khi Nông Dân… Chê Tiền Khi Nông Dân… Chê Tiền

Hỗ trợ để nông dân bảo vệ đất lúa, nghĩa là khi thấy trồng một loại cây khác có lợi hơn trồng lúa, người nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng cây đó, khiến diện tích đất lúa có nguy cơ bị thu hẹp, thì số tiền “hỗ trợ” kia sẽ là phần bù đắp cho họ, để họ giữ lại đất lúa nhưng vẫn có lợi nhuận ngang bằng với việc trồng cây khác.

11/08/2014
Tiêu Hủy Toàn Bộ Thức Ăn Chăn Nuôi Chứa Chất Cấm Tiêu Hủy Toàn Bộ Thức Ăn Chăn Nuôi Chứa Chất Cấm

Hôm qua (10/8) hai mẫu TĂCN mà Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa gửi đi Hà Nội phân tích đã có kết quả dương tính với chất cấm Salbutamol (1,2mg/kg và 0,8mg/kg). Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn lô hàng 8.100kg TĂCN của Cty LIVABIN chứa chất cấm.

11/08/2014
Giá Gạo Xuất Khẩu Giảm Giá Gạo Xuất Khẩu Giảm

Như vậy, giá gạo 5%tấm của Việt Nam hiện nay ngang bằng với gạo cùng loại của Thái Lan, Pakistan và cao hơn gạo Ấn Độ. Gạo 25% tấm của Việt Nam hiện vẫn đang có mức giá cao nhất trong số những nước xuất khẩu chính, bởi gạo cùng loại của Ấn Độ là 390-400 USD/tấn, Pakistan 395-405 USD/tấn, Thái Lan 350-360 USD/tấn.

11/08/2014
Gia Lai Hoàn Thành Tiêm Phòng Vắc Xin Cho Đàn Gia Súc Gia Lai Hoàn Thành Tiêm Phòng Vắc Xin Cho Đàn Gia Súc

Tuy nhiên hiện toàn tỉnh vẫn còn tồn đọng 6.900 liều vắc xin lở mồm long móng (trong đó huyện Mang Yang còn tồn 3.175 liều, huyện Chư Păh 2.675 liều, huyện Chư Pưh 1.050 liều). Nguyên nhân là do đàn gia súc giảm ở một số địa phương, bên cạnh đó nhiều hộ dân chăn thả gia súc trên rẫy nên không có điều kiện tiêm phòng.

11/08/2014